Trung Quốc tăng cường cạnh tranh với Starlink bằng siêu vệ tinh G60
Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất siêu vệ tinh cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng vào thứ Tư (27/12), qua đó sẽ cạnh tranh quyết liệt với Starlink của SpaceX và khám phá thêm tiềm năng ngành công nghệ vũ trụ.
Hôm thứ Tư (27/12), nhà máy kỹ thuật số trong khu công nghiệp G60 Starlink đã sản xuất vệ tinh thương mại đầu tiên của mình, theo chính quyền quận Tùng Giang cho biết. Đây là nhà máy chuyên sản xuất và ứng dụng vệ tinh thương mại, được chính quyền thành phố Thượng Hải hậu thuẫn.
Chính quyền quận Tùng Giang cho biết đến năm 2024, nhà máy sẽ phóng và vận hành ít nhất 108 vệ tinh để cung cấp các dịch vụ thương mại ban đầu, đồng thời cũng sẽ xây dựng một chuỗi công nghiệp đầy đủ có thể cạnh tranh toàn cầu vào năm 2027.
Cao Jin, Tổng Giám đốc của Shanghai Gesi Aerospace Technology, một công ty nhà nước được thành lập vào năm 2022 để vận hành nhà máy G60 Starlink, cho biết nhà máy dự kiến có công suất sản xuất 300 vệ tinh mỗi năm.
Ông Cao cho biết thêm rằng với khả năng sản xuất hàng loạt của nhà máy, thời gian cần thiết để chế tạo một vệ tinh sẽ giảm từ khoảng hai đến ba tháng xuống còn một ngày rưỡi. Tuy nhiên tốc độ này vẫn thấp hơn tốc độ sản xuất 6 vệ tinh hàng ngày của Starlink thuộc SpaceX.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng leo thang với Mỹ, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy thị trường vệ tinh thương mại. Nước này kỳ vọng vệ tinh thương mại sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường công nghệ tiên phong.
Dự án G60 Starlink gồm 12.000 vệ tinh, cùng với mạng lưới quốc gia Guo Wang gồm 13.000 vệ tinh hiện đang được xây dựng, được nhiều người coi là câu trả lời của Trung Quốc với Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Từ năm 2016, Trung Quốc đã khởi động dự án G60 Starlink, với việc chính quyền Thượng Hải công bố kế hoạch cụm vệ tinh vào năm 2021. Tính đến tháng 7, chính quyền quận Tùng Giang cho biết sẽ phóng gần 1.300 vệ tinh vào quỹ đạo trong giai đoạn đầu của dự án.
G60 là tên đường cao tốc chạy qua một số thành phố sản xuất ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, một trong những trung tâm kinh tế của Trung Quốc. Nơi đây tập trung các nhà sản xuất công nghệ cao, bao gồm công nghệ viễn thám, dữ liệu lớn, trung tâm điện toán và doanh nghiệp truyền thông lượng tử.
Siêu chòm sao vệ tinh G60 cũng là một mắt xích quan trọng trong ngành thông tin hàng không vũ trụ, nơi có chuỗi công nghiệp bao gồm vệ tinh, dịch vụ ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và học sâu để hỗ trợ xử lý lượng dữ liệu khổng lồ do vệ tinh thu thập.
Dữ liệu thu thập được sau đó có thể được áp dụng rộng rãi cho giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc và quân sự sau khi được phân tích bằng phân tích dữ liệu lớn trên mặt đất.
Theo nghiên cứu của China Fortune Securities hồi tháng 8, ngành công nghiệp thông tin hàng không vũ trụ của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 44,69 tỷ nhân dân tệ (6,26 tỷ USD) vào năm 2025, tăng từ 29,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2021. Báo cáo cho biết ngành thông tin hàng không vũ trụ chiếm 73% thị phần thương mại vũ trụ toàn cầu, đạt khoảng 384 tỷ USD vào năm 2022.
Hoài Phương (theo SCMP)