Trung Quốc: Tàu chở 1 triệu thùng dầu bị đâm, cảng Thanh Đảo ảnh hưởng nặng nề
Một vụ va chạm giữa một tàu chở hàng và một tàu chở dầu mang cờ Liberia gần nơi tiếp nhận dầu lớn nhất Trung Quốc – cảng Thanh Đảo vào hôm qua (27/4) đã làm tràn một lượng lớn dầu ra Biển Hoàng Hải của nước này.
Hình ảnh tại hiện trường vụ va chạm. Ảnh: RT.
Theo Reuters, các quan chức hàng hải Trung Quốc đã xác nhận thông tin về vụ va chạm giữa tàu chở hàng cỡ lớn Sea Justice và tàu chở dầu A Symphony mang cờ Liberia khi tàu này đang neo đậu ở một cảng biển thuộc thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc.
Vụ việc diễn ra vào lúc 8h50’ sáng ngày 27/4 (giờ địa phương).
Dữ liệu hàng hải trên các trang theo dõi tàu biển quốc tế cho thấy mớn nước của tàu A Symphony được ghi nhận ở vạch 17,1m, và các khoang chứa của tàu đang đầy dầu thô. Theo Bloomberg, tàu chở dầu A Symphony vào thời điểm vụ va chạm có thể đang chở khoảng 1 triệu thùng dầu.
“Lực va chạm vào cảng phía trước đã gây ra một lỗ thủng trong các thùng hàng của tàu. Một lượng dầu đã bị tràn ra biển”, Giám đốc Goodwood Ship Management – đơn vị giám sát kỹ thuật của A Symphony cho biết trong một email và cho biết thêm tất cả các thủy thủ đoàn đã được kiểm tra và hiện chưa phát hiện thương vong.
“Sự việc đã được báo cáo tới chính quyền địa phương và hoạt động cứu trợ đã bắt đầu, tuy nhiên, điều kiện thời tiết khó khăn đã cản trở việc đi lại ngoài khơi bờ biển Thanh Đảo kể từ hôm 26/4. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho tầm nhìn kém dẫn tới vụ va chạm”, Giám đốc Goodwood Ship Management cho biết.
Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Cục An toàn Hàng Hải Sơn Đông của Trung Quốc cho biết, phía cơ quan chức năng địa phương đang thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp và huy động các lực lượng chức năng đối phó với tình hình nhằm hạn chế bất kỳ sự cố tràn dầu nào. Hiện, vụ việc vẫn chưa có đánh giá toàn diện và các cơ quan chức năng vẫn chưa thể liên lạc với công ty chủ quản của tàu chở hàng Sea Justice.
Hôm 27/4, nhà chức trách Trung Quốc cho biết các tàu ở khu vực lân cận đã nhận được hướng dẫn không đi vào cự ly 10 hải lý (khoảng 18,5 km) từ vị trí xảy ra va chạm, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về lượng dầu đã bị rò rỉ.
Địa điểm xảy ra vụ va chạm gây rò rỉ dầu ra Biển Hoàng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Open Street Map.
A Symphony, một tàu chở dầu Suezmax, được nhìn thấy lần cuối gần cảng Thanh Đảo. Đầu tháng này, tàu chở dầu đã ghé vào Trung tâm Trung chuyển Quốc tế Linggi, gần Malacca thuộc bán đảo Malaysia, nơi nó chở đầy dầu và lên đường đến Trung Quốc.
Reuters cũng dẫn nguồn tin từ một giám đốc điều hành của Run Cheng International Resource (HK) Co cho biết công ty này sở hữu lô hàng 150.000 tấn hỗn hợp bitum trên tàu A Symphony.
Bitum, một hỗn hợp các hydrocacbon từ cặn trong quá trình lọc dầu, được sử dụng để làm bề mặt đường và lợp mái nhà. Tuy nhiên, các nguồn vận chuyển cho biết bitum thường được vận chuyển trong các tàu nhỏ hơn với hệ thống sưởi chuyên dụng.
Dữ liệu của Equasis – một trang web chuyên cung cấp thông tin về tàu thuyền - cho thấy, tàu chở dầu A Symphony, được đóng vào năm 2001 với chiều dài dài 272 m, rộng 46 m và có tổng trọng tải khoảng 150.000 tấn. Vào tháng 5/2019, con tàu đã được bán cho Symphony Shipholding SA và NGM Energy.
Ngay sau vụ va chạm, khi hãng tin Reuters liên lạc phỏng vấm, Symphony Shipholding SA, NGM Energy - chủ sở hữu tàu không đưa ra bình luận về vụ việc.
Sự an toàn của tàu chở dầu đã được cải thiện trong những thập kỷ gần đây - một phần do sự ra đời của tàu hai thân – giúp cho các vụ tràn dầu lớn hiếm khi xảy ra, mặc dù vẫn có những rủi ro trong việc vận chuyển dầu bằng đường biển, và có khả năng gây ra thiệt hại lớn về môi trường.
Nằm tại vùng có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, cảng Thanh Đảo được coi là trung tâm quan trọng về thương mại quốc tế và giao thông vận tải biển dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Quốc. Cảng này kết nối với hơn 450 cảng ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều năm qua, cảng Thanh Đảo liên tiếp giữ vị trí thứ hai tại Trung Quốc về thương mại nước ngoài và được xem là cảng xử lý mặt hàng quặng sắt lớn bậc nhất thế giới và đứng đầu tại Trung Quốc về mặt hàng dầu thô.