Trung Quốc thành lập Tập đoàn khổng lồ kinh doanh quặng sắt

Tập đoàn tài nguyên khoáng sản khổng lồ vừa thành lập được kỳ vọng sẽ mang lại cho Trung Quốc tiếng nói lớn hơn trong việc định giá quặng sắt.

Sau nhiều năm chống lại sức mạnh định giá của các công ty khai thác lớn, Trung Quốc hiện đang thành lập một tập đoàn khổng lồ về quặng sắt được nhà nước hậu thuẫn trong nỗ lực đầu tư vào các mỏ và mua hàng hóa số lượng lớn với giá rẻ hơn. Gã khổng lồ quặng sắt Trung Quốc sẽ thay thế sức mua của các công ty thép trong nước và nâng cao vị thế của Bắc Kinh trên thị trường hàng hóa toàn cầu về thu mua nguyên liệu sản xuất thép.

Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc mới thành lập sẽ giúp nước này tăng giá nhập khẩu quặng sắt. (Ảnh: Shutterstock.com)

Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc mới thành lập sẽ giúp nước này tăng giá nhập khẩu quặng sắt. (Ảnh: Shutterstock.com)

Trung Quốc thường cáo buộc các công ty khai khoáng lớn nhất thế giới như Rio Tinto của Anh và BHP Billiton của Australia cố tình tích trữ quặng sắt và thao túng giá thị trường quốc tế để thu lợi nhuận cao hơn. Trước đó, cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), đã cáo buộc hai công ty khai thác ở nước ngoài này và một từ Brazil gian lận nguồn cung quặng sắt.

Tại sao Trung Quốc lập "gã" khổng lồ quặng sắt?

Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc được thành lập vào ngày 19 tháng 7 với vốn đăng ký 20 tỷ nhân dân tệ (2,97 tỷ USD), theo thông tin từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Công ty sẽ kinh doanh khai thác, chế biến quặng và kinh doanh khoáng sản. Yao Lin, cựu Chủ tịch Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, người đã từ chức vào tuần trước, có khả năng sẽ lãnh đạo công ty thuộc sở hữu Nhà nước mới thành lập này, Sina Finance đưa tin. Guo Bin, phó chủ tịch điều hành của China Baowu Steel, đã được bổ nhiệm làm tổng giám đốc của công ty mới.

Chi tiết chính xác về cổ phần của Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc không được công bố ngay lập tức, nhưng có khả năng công ty mới sẽ được hỗ trợ bởi Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC), Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, Baowu Trung Quốc, Tập đoàn Minmetals, và một số công ty khai thác và thép được nhà nước hậu thuẫn.

Trung Quốc, nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới, cung cấp quặng sắt cho ngành công nghiệp thép khổng lồ của mình. Gần 80% nguồn cung quặng sắt của nước này được nhập khẩu, trong đó 60% đến từ Australia. Trong vài năm qua, hai nước đã vướng vào một loạt vấn đề làm xấu đi mối quan hệ của họ. Trở lại tháng 12 năm 2021, Trung Quốc cho biết họ sẽ khuyến khích thăm dò quặng sắt trong nước để giảm sự phụ thuộc vào Australia và các nước khác, đồng thời hợp lý hóa hạn ngạch sản xuất.

Vấn đề chính là Trung Quốc thiếu kiểm soát giá quặng sắt, trong khi các công ty thép trong nước cũng đang cạnh tranh với nhau để thu mua quặng sắt. Một cơ quan Nhà nước về thu mua quặng sắt sẽ có khả năng nâng cao sức mua của Trung Quốc và củng cố hoạt động kinh doanh nhập khẩu quặng sắt của nước này.

“Do các doanh nghiệp sắt thép khác nhau làm theo cách riêng của họ nên họ có tiếng nói thấp trong việc thu mua quặng sắt trước các doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài, dẫn đến các doanh nghiệp gang thép trong nước chỉ có thể bị dắt mũi ở một mức độ nhất định”, Zhang Fengrui, nhà phân tích cấp cao về quặng sắt tại Lange Steel Network, nói với một ấn phẩm của Trung Quốc.

Giá quặng sắt đã biến động dữ dội trong thời kỳ đại dịch. Khoáng sản đã trở thành mặt hàng biến động mạnh nhất trên thế giới vào giữa năm 2021 và đã giảm hơn 50% giá trị vào năm 2022. Vào tháng 6 năm 2021, giá quặng sắt giao ngay đạt mức cao nhất mọi thời đại là 235 USD/tấn nhưng hiện đang dao động quanh mốc 134 USD.

Tại sao Tập đoàn khoáng sản này lại quan trọng như vậy?

Trong hai phiên họp thường niên năm ngoái, He Wenbo, chủ tịch điều hành của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), gợi ý rằng việc thành lập một nhóm phát triển tài nguyên quặng sắt quốc gia sẽ điều phối các nguồn lực ở nước ngoài, và thúc đẩy đều đặn sự phát triển và sử dụng nguồn lực của nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cấp.

Tập đoàn kếch xù mới thành lập được xem là sẽ làm thay đổi cuộc chơi đối với ngành sản xuất thép của Trung Quốc, vốn nổi tiếng với quy mô khổng lồ nhưng vẫn chưa tương xứng với khả năng thương lượng trên thế giới.

Mức độ tập trung công nghiệp trong lĩnh vực thép của Trung Quốc còn yếu. Ông Wang Guoqing, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange ở Bắc Kinh, cho biết sản lượng thép thô của 10 nhà sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc chỉ chiếm 43% tổng sản lượng của cả nước, trong khi 4 nhà khai thác lớn của nước ngoài nắm giữ hơn một nửa nguồn quặng sắt của thế giới.

Trung Quốc lấy 64,7% quặng sắt từ nhập khẩu, China Merchants Securities tiết lộ trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng Tư.

Theo Wang, do việc mua sắm tập trung của công ty nhà nước mới có thể giảm chi phí, các doanh nghiệp quặng sắt trong nước sẽ được hưởng môi trường phát triển tốt hơn và họ sẽ đóng vai trò bổ sung hoặc thay thế một phần cho các công ty nước ngoài.

"Công ty mới có thể tích hợp nhu cầu trong nước và nâng cao tiếng nói của quốc gia trong việc thu mua thị trường quặng sắt", ông Wang lưu ý.

Trong khi Bắc Kinh thường chỉ trích các công ty khai thác lớn về việc thao túng giá quặng sắt, đây là nỗ lực lớn nhất của nước này để có được khả năng kiềm chế giá và thúc đẩy sức mua. Ngoài ra, bất kỳ khoản đầu tư nào vào các mỏ của Trung Quốc, chẳng hạn như dự án quặng sắt Simandou đầy tham vọng ở Guinea, đều có khả năng thuộc về công ty mới này.

Đầu năm nay, Trung Quốc thông báo rằng họ đang lên kế hoạch cho một nền tảng mua sắm tập trung đối với quặng sắt nhập khẩu, một kế hoạch đã được các lãnh đạo cấp cao của nhà nước ủng hộ và đã được thực hiện trong vài năm.

Mặt khác, Trung Quốc có thể giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt của Australia trong khi tăng mua từ Vale của Brazil. Do đó, tập đoàn mới có thể gây ra mối đe dọa đối với sự thống trị của Canberra trên thị trường quặng sắt toàn cầu.

Tiêu thụ thép toàn cầu có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Trung Quốc, với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn, cũng như nhà nhập khẩu quặng sắt lớn nhất, nên có "đủ tiếng nói" về nguồn cung và giá thị trường của quặng sắt, Wu Chenhui, một nhà phân tích độc lập nói.

Thành An

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/trung-quoc-thanh-lap-tap-doan-khong-lo-kinh-doanh-quang-sat-1086792.html