Trung tâm RAND: Mỹ cần chuẩn bị ứng phó với thách thức của việc Nga – Trung tăng cường hợp tác
Mới đây, Tập đoàn RAND, tổ chức tư vấn nổi tiếng của Mỹ công bố báo cáo nghiên cứu về tác động của quan hệ Trung-Nga đối với Mỹ, cho rằng quân đội Mỹ cần chuẩn bị đối phó các hoạt động quân sự chung của hai nước
Trung-Nga đang gia tăng hợp tác
Quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga dường như ngày càng trở nên thân thiết hơn. Tập đoàn RAND, một tổ chức nghiên cứu chính sách chiến lược nổi tiếng của Mỹ, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu mới được công bố vào tháng 10: “Trung Quốc và Nga là hai nước láng giềng có lịch sử lâu đời; từ những năm 1970 quan hệ hai bên đã trải qua từ xung đột trở thành đồng minh. Kể từ giữa những năm 1980, mối quan hệ giữa hai nước chậm được cải thiện, nhưng từ năm 2014, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên thân thiết hơn".
Là hai đối thủ lâu năm của Mỹ, Trung Quốc và Nga đã tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế kể từ năm 2014. Năm 2021 là kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác Trung-Nga. Trung Quốc và Nga đã quyết định gia hạn hiệp ước thêm 5 năm nữa.
Trong nửa đầu năm nay, Trung – Nga đã ký một biên bản ghi nhớ với mục đích hợp tác xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế, "tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học, thúc đẩy việc thăm dò và sử dụng không gian vì mục đích hòa bình cho toàn nhân loại".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tháng 5 năm nay cũng đã tham gia lễ khởi công hai dự án hợp tác năng lượng hạt nhân của hai nước là Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan (Giang Tô) và Nhà máy điện hạt nhân Từ Đại Bảo (Liêu Ninh), qua hình thức trực tuyến.
Quan hệ Trung - Nga ngày càng gắn bó mật thiết (Ảnh: Xinhua).
Trung – Nga vào tuần trước cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự lớn mang tên “Liên hợp trên biển - 2021" gây rúng động dư luận ở Zaliv Petra Velikogo (Vịnh Peter Đại đế trên biển Nhật Bản). Các chuyên gia Trung Quốc cho biết cuộc tập trận này mang tính thực chiến rất cao.
RAND tuyên bố rằng sức mạnh tổng hợp và mối đe dọa của Mỹ luôn là cốt lõi của quan hệ Trung-Nga. Từ năm 2012 đến năm 2017, tầm quan trọng của hai yếu tố này đặc biệt nổi bật. Khi mối đe dọa từ Mỹ ngày càng gia tăng, khiến Nga tìm kiếm hợp tác hơn nữa với Trung Quốc. Nhìn chung, yếu tố kinh tế dường như không phải là đặc biệt quan trọng quyết định mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Nga.
Ông Jamie Shea, cựu phát ngôn viên của NATO và là nhà nghiên cứu cấp cao tại trung tâm tư vấn Friends of Europe, cho rằng sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga là do "hiện tại Nga và Trung Quốc đều cần nhau về mặt chiến lược. Vì vậy, đây là một liên minh rất thuận lợi".
Ông nói: "Đây là phản ứng tự nhiên của hai cường quốc. Họ đều là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng họ đã khá cô độc trong khoảng 20 năm qua". Ông cũng đề cập rằng Trung Quốc cần Nga để chứng minh họ không bị cô lập trên thế giới; Nga đã mất hết đồng minh sau khi Liên Xô giải thể và Hiệp ước Warsaw giải tán vào những năm 1990. Ngoài ra, hai nước cũng nhận thấy rằng sự hợp tác giữa họ giúp dễ dàng đi đến một kết luận rằng "chủ nghĩa uy quyền hiệu quả hơn và ổn định hơn cái mà họ gọi là nền dân chủ hỗn loạn".
Cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển-2021" giữa Trung Quốc và Nga đang gây xôn xao dư luận quốc tế (Ảnh: Sunnews).
Gắn kết hơn, khó tách rời
Bản báo cáo dự đoán rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có thể được tăng cường hơn nữa ở cấp độ hợp tác chung do xu hướng cân bằng quyền lực và các chính sách mà Mỹ tiếp tục theo đuổi.
Theo báo cáo, từ góc độ sức mạnh toàn diện hiện nay và xu hướng chính sách của Mỹ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục củng cố và duy trì quan hệ hợp tác. Báo cáo viết: “Đây chắc chắn là sự đồng thuận của các nhà phân tích Nga và Trung Quốc. Đại đa số các chuyên gia Nga bày tỏ lạc quan về quan hệ Nga – Trung và dự đoán xu thế này sẽ ngày càng tiếp tục. Đồng thời, các chuyên gia Trung Quốc đã mô tả nó là 'ổn định' hoặc 'tương đối ổn định' và cho rằng tình hình này sẽ tiếp tục trong tương lai gần".
RAND đánh giá dựa trên Chỉ số Quyền lực thế giới và hai dự báo kinh tế khác. Với việc sức mạnh toàn diện của Nga và Trung Quốc tiếp tục tiệm cận với Mỹ, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ trở nên khăng khít hơn. Đến năm 2022, quan hệ Trung – Nga sẽ ngày càng thân thiết. Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, RAND cũng dự báo Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn ở nước ngoài, nhưng không chắc đến khi nào sức mạnh của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Khi đó, động lực để Trung Quốc và Nga thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn để đối trọng với Mỹ mới có thể bị suy giảm.
Về hình thái ý thức của Trung Quốc và Nga, báo cáo dự đoán quan điểm của họ về Mỹ và mối đe dọa quân sự mà Mỹ đặt ra cho hai nước, Trung Quốc và Nga tiếp tục cải thiện quan hệ chính trị và quân sự trong khi duy trì hợp tác. "Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị thượng đỉnh song phương và hợp tác đa phương. Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tổ chức tại Thanh Đảo, Trung Quốc vào tháng 6/2018 là một ví dụ điển hình".
Quân đội Nga - Trung hàng năm đều tổ chức các cuộc tập trận chung ở cả hai nước (Ảnh: Sohu).
Quan hệ quân sự giữa hai nước cũng có thể được cải thiện nhưng vẫn dừng ở mức độ hợp tác. Nga có thể tiếp tục bán các hệ thống công nghệ cao như tên lửa S-400 cho Trung Quốc và tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác hơn trong lĩnh vực động cơ máy bay hoặc đóng tàu hải quân.
Báo cáo cũng đề cập đến về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Trung-Nga có thể tăng lên, và xuất khẩu năng lượng của Nga cũng sẽ tiếp tục tăng. Các khoản đầu tư hiện có của Trung Quốc vào Nga sẽ tiếp tục tồn tại và một số thỏa thuận nhỏ hơn có thể đạt được, nhưng các thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư lớn hơn sẽ phụ thuộc vào áp lực chính trị từ giới lãnh đạo Trung Quốc, nhưng áp lực này khó có thể xảy ra.
RAND cũng nhận định rằng mặc dù quan hệ Trung-Nga hiện đang trong quỹ đạo tích cực, song quan hệ hai nước cũng có thể gặp phải tình trạng nguội lạnh. Báo cáo đề cập rằng Trung Quốc và Nga có thể tiếp tục gặp gỡ thường xuyên và làm việc cùng nhau tại các diễn đàn đa phương, nhưng sự hợp tác của họ sẽ không mang ý nghĩa lợi ích chung như hiện nay. "Chúng tôi cho rằng nếu các nước phương Tây từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga và tiếp tục tìm kiếm sự tương tác tích cực với Nga, thì kết quả này là có thể xảy ra".
Ông Jamie Shea cũng đề cập rằng Nga có lợi ích chiến lược lớn ở Syria, Libya và châu Phi, trong khi Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến những nơi như Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông nói: "Tôi nghĩ trước mắt, đây chỉ là một cuộc hôn nhân tạm thời vì lợi ích. Cả hai bên đều thấy lợi ích ngắn hạn kết hợp với nhau, nhưng liệu nó có thể tồn tại lâu dài hay không, tôi nghĩ vẫn còn một dấu hỏi".
Cựu phát ngôn viện NATO: "hiện tại Nga và Trung Quốc đều cần nhau về mặt chiến lược. Vì vậy, đây là một liên minh rất thuận lợi" (Ảnh: Politico).
Ông Paul Dibb, giáo sư tại Viện Chính sách Chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng Trung Quốc và Nga chưa phải là một dạng liên minh kiểu NATO, nhưng là liên minh chiến lược ngày càng tăng cường trong bối cảnh đối đầu và không tin tưởng vào phương Tây.
Paul Dibb cũng đề cập rằng Trung, Nga không hoàn toàn ủng hộ nhau về địa chính trị và họ vẫn có những lĩnh vực bất đồng. Ông nói: "Trung Quốc không bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc ủng hộ Nga sáp nhập Crimea; ngược lại, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Trung Quốc không hài lòng với việc Nga xuất khẩu thiết bị quân sự cho Việt Nam vì căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không đồng ý với việc Moscow xuất khẩu thiết bị quân sự cho Ấn Độ... nhưng trong các vấn đề chiến lược then chốt, đối mặt với Mỹ và các nước phương Tây khác, họ lại rất nhất trí".
Dani Belo, một nghiên cứu viên tại Đại học Carleton, Canada, cho biết: khi nói về quan hệ Trung - Nga, “nếu nhìn bề ngoài, chúng ta chỉ thấy hợp tác chính trị hoặc các tuyên bố chung, biên bản ghi nhớ và các cuộc tập trận chung… . Chúng ta rất dễ đánh giá đó là thứ gì đó mạnh bất thường hoặc lâu dài ... Nhưng Trung Quốc và Nga cũng là những đối thủ cạnh tranh quan trọng trong khu vực. Chúng ta không được bỏ qua điều này".
Andrew Radin, một trong những tác giả của bản báo cáo của RAND: trong số các loại thách thức khác nhau, mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và Nga là thực tế và thiết thực nhất (Ảnh: RAND).
Mỹ cần làm gì khi đối mặt với sự hợp tác Trung-Nga?
Báo cáo cũng đề cập rằng nếu Trung Quốc và Nga tiếp tục tăng cường hợp tác, có thể sẽ thách thức lợi ích của Mỹ, và Mỹ cũng cần đưa ra một loạt các biện pháp đáp trả.
Các Ngoại trưởng Estonia, Latvia và Thứ trưởng Ngoại giao Litva cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Newsweek rằng “Mỹ và các đồng minh NATO phải luôn cảnh giác trước những thách thức từ Moscow và Bắc Kinh, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ xâm lược mới”.
Andrew Radin, một nhà khoa học chính trị tại RAND và là một trong những tác giả của bản báo cáo, cho rằng: trong số các loại thách thức khác nhau, mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và Nga là thực tế và thiết thực nhất.
Ông nói: "Sau Crimea, rõ ràng Mỹ đang lo lắng về sự xâm lược của Nga. Từ lâu, Mỹ đã luôn lo ngại Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó, thách thức quân sự là thực tế hơn".
Báo cáo của RAND đề cập: "Với quỹ đạo hiện nay, chúng ta có thể dự đoán Nga sẽ tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc các hệ thống và công nghệ tiên tiến và cao cấp hơn. Mặc dù Moscow có thể vẫn giữ lại những khả năng tốt nhất của mình nhưng số lượng hỗ trợ của họ vẫn phụ thuộc vào các tính toán về chính trị, kinh tế, an ninh… Hai nước cũng có thể tiến hành nghiên cứu chung, có thể theo mô hình hợp tác Nga-Ấn, hoặc tiến hành hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh mạng”. Ngoài ra, Trung Quốc và Nga cũng có thể tăng cường hợp tác trong sự hiện diện quân sự trên toàn cầu.
Báo cáo cho rằng Mỹ và quân đội Mỹ có thể làm rất ít để ảnh hưởng đến quỹ đạo của quan hệ Trung-Nga, nhưng vẫn đưa ra một số khuyến nghị cho quân đội Mỹ. Thứ nhất, xét về khả năng hợp tác kỹ thuật-quân sự Trung-Nga, quân đội Mỹ cần phải chuẩn bị đối phó với các hệ thống vũ khí ngày càng phức tạp của hai đối thủ chiến lược lớn.
Tờ Financial Times của Anh mới đây dẫn lời 5 người quen thuộc với vấn đề này cho biết hồi tháng 8, Trung Quốc đã thử nghiệm một loại vũ khí siêu thanh bay quanh trái đất và sau đó nhắm về phía một mục tiêu, nhưng nó không đánh trúng mục tiêu.
Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã phủ nhận thông tin này. Ông ta nói tại một cuộc họp báo: "Cuộc thử nghiệm này là một cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ thường lệ để xác nhận công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc giảm giá thành của phi thuyền vũ trụ và nó có thể mang lại sự thuận tiện cho việc nhân loại sử dụng không gian hòa bình. Phương thức tái sử dụng phi thuyền giá thành rẻ, nhiều công ty trên thế giới đã tiến hành các thử nghiệm tương tự”. Ông nói đây không phải là tên lửa, mà là tàu vũ trụ.
Bất chấp sự phủ nhận của giới chức Trung Quốc, việc quân đội nước họ ứng dụng công nghệ siêu thanh vẫn khiến các quan chức Mỹ lo ngại. Reuters đưa tin, Đại sứ Giải trừ quân bị Mỹ Robert Wood hôm 18/10 nói rằng công nghệ Hypersonic (siêu thanh) là mối quan ngại của Mỹ và Mỹ đã không theo đuổi các ứng dụng quân sự của công nghệ này.
Ông cũng nói: "Nhưng chúng ta đã thấy Trung Quốc và Nga tích cực tìm cách sử dụng công nghệ này và quân sự hóa nó, cho nên chúng ta buộc phải đáp trả nó ... Chúng ta chỉ không biết cách phòng thủ công nghệ này như thế nào, nhưng Trung Quốc và Nga cũng không biết".
Andrew Radin cho rằng Mỹ đã làm rất nhiều để quan sát các công nghệ mới do đối thủ phát triển và chuẩn bị đối phó. Ông nói: "Gần đây chúng tôi đã thấy Mỹ phản ứng với việc Trung Quốc sử dụng vũ khí siêu thanh và phát triển công nghệ siêu thanh. Vấn đề đặt ra ở đây là, trọng tâm hợp tác cụ thể giữa Nga và Trung Quốc là gì? Điều này có gì khác với sự chuẩn bị trong lĩnh vực kỹ thuật của Mỹ?".
Ông tiếp tục nói: “Tôi nghĩ nguy cơ chính là Nga dễ dàng có được công nghệ của Trung Quốc và Trung Quốc cũng dễ có được công nghệ của Nga. Vì vậy đây có lẽ là vấn đề mở rộng nhanh chóng công nghệ mới, hoặc những người tham gia có thể tiếp cận những thứ họ không thể có được. Điều này mang lại cho chúng ta nhiều thách thức hơn và các nơi trên thế giới cần chuẩn bị cho những công nghệ mới này, có lẽ nhanh hơn Mỹ dự đoán".
Vụ phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Trung Quốc khiến các quan chức Mỹ lo ngại sâu sắc (Ảnh: Getty).
Báo cáo của RAND cũng đề cập rằng khả năng có một kế hoạch quân sự chung Trung-Nga làm phức tạp thêm các cân nhắc quân sự của Mỹ và cần thúc đẩy Mỹ đánh giá lại kế hoạch ứng phó của mình. Ví dụ, khả năng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh trên Bán đảo Triều Tiên là hợp lý, điều này làm dấy lên lo ngại rằng một khi cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra, hai bên sẽ làm việc cùng nhau để hạn chế quyền đi lại tự do của Mỹ. Trong những trường hợp cực đoan, sự phối hợp toàn diện khả năng của Trung Quốc và Nga trong một số lĩnh vực nhất định sẽ nâng cao rõ rệt môi trường đe dọa vốn đã đầy thách thức.
Báo cáo cũng cho rằng Trung Quốc và Nga có thể sử dụng các nguồn lực hạn chế và dấu chân của nhau bên ngoài khu vực để tăng cường tiềm năng hiện diện toàn cầu và tăng khả năng tiếp xúc hoặc thậm chí đối đầu trên quy mô toàn cầu. Quân đội Mỹ phải sẵn sàng đối mặt với các lực lượng Trung Quốc và Nga thường xuyên hơn bên ngoài khu vực hoặc trong các hoạt động khẩn cấp, đồng thời phát triển các kỹ năng và quy trình thích hợp để tiếp xúc với họ trên cơ sở không đối đầu.
Dani Belo thì cho rằng Trung Quốc và Nga đang sử dụng nhiều hơn các biện pháp phi quân sự để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của họ thông qua các phương thức kinh tế và công cụ mạng.