Trung thu còn lại chút gì

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, vẫn chưa rõ diễn biến nỗ lực trở lại mặt trăng năm nay của Cơ quan Hàng không và Không gian quốc gia Mỹ (NASA) sẽ ra sao sau hai lần phải trì hoãn vì trục trặc kỹ thuật. Nước Mỹ không ăn Tết Trung thu nên chuyện phóng hỏa tiễn viếng Hằng Nga trùng vào dịp này hoàn toàn là tình cờ.

NASA có bay được lên lên mặt trăng sau hơn nửa thế kỷ nhân loại đặt bước chân đầu tiên lên đó hay không chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện người Việt đón Trung thu. Tuy nhiên, cách chúng ta mừng Trung thu đã thay đổi qua thời gian. Sau mấy năm đại dịch Covid-19 hoành hành, sự thay đổi đó càng thêm rõ.

Xét về mặt truyền thống dân gian, Trung thu cũng được xếp vào các dịp lễ lớn trong năm khi được gọi là “Tết”, ngang hàng với các dịp Tết khác, như Tết Đoan ngọ hay Tết Nguyên đán. Người Việt trước đây có nhiều phong tục gắn liền với Trung thu. Ban ngày người ta bày cỗ cúng gia tiên, rồi tối đến lại bày cỗ thưởng trăng vì ngày Trung thu trùng với ngày rằm khi Chị Hằng rạng rỡ nhất. Trẻ con ngây ngất khi được nghe sự tích Hằng Nga, Hậu Nghệ, rồi cho tâm hồn bay bổng với giấc mơ đẹp đêm Trung thu khi đến thăm Chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa mà từ quả đất này vẫn thấy được.

Vào những năm “huy hoàng” của Trung thu, không ai mong dịp này bằng trẻ em bởi lẽ vào ban đêm, các em sẽ được rước đèn, một trải nghiệm mỗi năm chỉ có một lần trở thành ký ức tuổi thơ không thể nào quên được. Các em còn được xem múa lân, rồi được phá cỗ, thưởng thức các loại bánh Trung thu, trong đó có một số món mình ưa thích, như bánh dẻo hay bánh được đúc thành các chú heo con xinh xắn dễ thương em nào cũng muốn có.

Với người lớn, Trung thu là dịp để họ bày tỏ sự quý mến nhau qua quà tặng là các hộp bánh trung thu.

Dần dà, sản xuất bánh trung thu đã trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền. Chất lượng của từng chiếc bánh, hình thức của các chiếc hộp trở nên cầu kỳ và giá của chúng thì những gia đình có thu nhập trung bình không thể nào tưởng tượng nổi.

Trong ký ức của người viết bài này, Trung thu đến với rất nhiều hình ảnh, dấu hiệu khác nhau. Với đôi mắt trẻ con, đó là sự xuất hiện của các chiếc lồng đèn giấy kiếng đủ loại hình thù, màu sắc; đó là các gian hàng bày bán các loại bánh trung thu. Với đôi tai các em, đó là bài hát phổ biến nhất trong dịp này với ca từ “Tết Trung thu rước đèn đi chơi / Em rước đèn đi khắp phố phường”.

Nay thì những hình ảnh, dấu hiệu đó phần nhiều chỉ còn là ký ức. Dấu hiệu phố biến duy nhất còn lại báo hiệu Trung thu là các quầy bánh trung thu được dựng lên rất sớm hơn cả tháng trước ngày trăng rằm. Hầu hết trẻ em cũng không còn háo hức với ngày Trung thu, nhiều em còn không biết rước đèn là gì khi còn mải mê lướt web. Âu đó cũng là lẽ tự nhiên khi điều kiện sống thay đổi, các nét văn hóa cũng thay đổi theo.

Tuy nhiên, nghĩ lại cũng không khỏi buồn lòng khi một truyền thống đẹp đã mất đi ít nhiều ý nghĩa. Chất văn hóa của dịp Trung thu ngày càng nhỏ đi trong khi tính thương mại ngày càng lớn. Với đà này, e rằng trong mắt trẻ em, Trung thu chẳng còn lại gì – Hằng Nga cũng không, Chú cuội cũng không, cây đa cũng không – ngoài những hộp bánh trung thu mỗi lúc càng cầu kỳ, bắt mắt và đắt tiền hơn.

Thực ra, cũng có những nỗ lực nhằm mang lại ý nghĩa của Trung thu cho trẻ em. Trong số đó là các cố gắng tổ chức Trung thu cho các em kém may mắn hay là con em của các gia đình thu nhập thấp. Dù còn nhỏ nhoi, những cố gắng đó rất đáng trân trọng.

Trong ngữ cảnh này, ước gì một phần nhỏ lợi nhuận từ các nhà sản xuất bánh trung thu được góp lại để làm thành quỹ trung thu dành cho trẻ em bất hạnh. Đề nghị này không phải là viển vông nếu xét đến ý nghĩa lợi nhuận từ cộng đồng phục vụ lại cộng đồng. Nhưng thôi, trên thực tế, đây chỉ là một giấc mơ đẹp, trong đó lời hứa lập quỹ do chính Chú Cuội thốt ra!

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-thu-con-lai-chut-gi/