Trước corona, châu Á từng đánh bại 8 đại dịch chết người

Trước sự lây lan nhanh và số người tử vong tăng gấp đôi chỉ sau một ngày, Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành ổ dịch của thế giới.

Rạng sáng 23/1, Vũ Hán, Trung Quốc, bị cô lập khiến người dân châu Á và thế giới lo sợ trước nguy hại của virus corona. Điều này khiến nhiều người nhớ lại 8 đại dịch từng đổ bộ vào châu Á.

SARS

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng lần đầu tiên xuất hiện tại châu Á vào năm 2002 và ổ dịch đầu tiên là Trung Quốc. Loại virus này nhanh chóng lan sang 37 quốc gia khác, khiến 8.000 người bị lây nhiễm, làm chết 774 người ở Trung Quốc.

Các triệu chứng của SARS bao gồm sốt rét, đau nhức cơ thể và tiến triển thành viêm phổi cấp.

Sau khi đại dịch bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng lại hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm và tăng cường mạng lưới chia sẻ thông tin trong và ngoài nước.

MERS

Hội chứng hô hấp này bắt nguồn tại Ả Rập năm 2012, sau đó lan rộng ra hơn 26 quốc gia với hơn 2.500 người mắc. Cũng như corona, virus Mers tiềm ẩn trong lạc đà, có khả năng lây nhiễm từ người sang người.

Năm 2015, dịch bùng phát tại Hàn Quốc khiến 186 người nhiễm (82 người mang theo virus Mers từ Trung Đông), 36 trường hợp tử vong.

Tháng 1/2019, một tàu tốc hành bị dừng bất ngờ tại nhà ga Tây Cửu Long của Hong Kong, Trung Quốc, để khử trùng. Nguyên nhân là trên tàu có một hành khách bị nhiễm virus Mers sau chuyến đi tới Ả Rập.

Người bệnh có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở dẫn đến viêm phổi. Mers được đánh giá nguy hiểm hơn cả Sars. Khoảng 850 người tử vong vì đại dịch này.

Cúm lợn H1N1

Năm 2009, H1N1 bùng phát ở 214 quốc gia, vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người. Tại Hong Kong, Trung Quốc, 282 bệnh nhân bị biến chứng nặng, 80 người tử vong vì nhiễm virus H1N1.

 Người Trung Quốc nhận vắc-xin H1N1 tại Sơn Tây (Trung Quốc) vào năm 2010. Ảnh: Reuters.

Người Trung Quốc nhận vắc-xin H1N1 tại Sơn Tây (Trung Quốc) vào năm 2010. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính cúm lợn H1N1 thậm chí làm 575.000 người chết, chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Phi. Nguyên nhân là cách phòng ngừa còn hạn chế và chưa có phương pháp kịp thời.

Mới đây, một trường học tại Malaysia buộc phải đóng cửa sau khi phát hiện 6 học sinh dương tính với virus H1N1. Điều này khiến nhiều người lo ngại, dịch cúm lợn đang quay trở lại, nhất là khi châu Á đang chống chọi virus corona.

Cúm gia cầm H5N1

Năm 1997, cúm gia cầm H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người bùng phát tại Hong Kong, khiến 18 người mắc bệnh, 6 người trong số đó tử vong. Hơn 1,5 triệu con gà đã bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus này.

 Công nhân dọn dẹp đường phố gần chợ chim ở Mong Kok để ngăn ngừa sự lây lan của cúm gia cầm H5N1. Ảnh: Felix Wong.

Công nhân dọn dẹp đường phố gần chợ chim ở Mong Kok để ngăn ngừa sự lây lan của cúm gia cầm H5N1. Ảnh: Felix Wong.

Tính đến ngày 28/2/2008, thế giới có tổng cộng 369 trường hợp nhiễm virus H5N1. Trong đó, 234 người tử vong.

Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch này.

Sốt xuất huyết

SCMP đánh giá 2019 là năm bùng nổ dịch sốt xuất huyết tại châu Á. Ở Philippines, hơn 1.000 người đã chết. Trong khi đó, năm ngoái, hơn 400.000 ca tử vong vì sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với những năm trước.

 Nhân viên tại công viên Cubbon (Bangalore, Ấn Độ) xịt muỗi nhằm phòng tránh sốt xuất huyết. Ảnh: EPA.

Nhân viên tại công viên Cubbon (Bangalore, Ấn Độ) xịt muỗi nhằm phòng tránh sốt xuất huyết. Ảnh: EPA.

Cũng theo thống kê của SCMP, Malaysia trở thành ổ dịch sốt xuất huyết lớn tại châu Á khi có số người mắc cao nhất mọi thời đại vào năm 2019.

Các triệu chứng sốt xuất huyết bao gồm sốt, đổ mồ hôi, nôn, co thắt cơ và đau khớp.

Virus ZIKA

Năm 2015, virus Zika được tìm thấy tại Brazil và nhanh chóng lây lan sang hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới.

Tại châu Á, 3 người ở Hong Kong được phát hiện nhiễm bệnh. Họ nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Caribe và Mỹ Latinh. Sau đó, Trung Quốc báo cáo 22 trường hợp nhiễm bệnh.

Các ca mắc Zika tại châu Á thường ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nó đặc biệt gây nguy hiểm với phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra có hiện tượng đầu nhỏ, não dị dạng và gặp nhiều biến chứng về thần kinh, mắt, tai…

Bệnh bại liệt

Một căn bệnh khác đã được phòng ngừa nhưng đã tái xuất hiện khắp châu Á là bại liệt. Đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng poliovirus lây theo đường phân - miệng gây ra. Khi nhiễm vào cơ thể, siêu vi trùng bại liệt lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ và bại liệt.

90% các ca nhiễm trùng bệnh bại liệt không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Bệnh nhân chỉ phát hiện mình mắc bệnh khi virus bại liệt đã đi vào máu.

 Tiêm chủng vắc xin bại liệt miễn phí cho trẻ em, thuộc chương trình tiêm chủng của chính phủ ở thành phố Quezon, Metro Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Tiêm chủng vắc xin bại liệt miễn phí cho trẻ em, thuộc chương trình tiêm chủng của chính phủ ở thành phố Quezon, Metro Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.

Tháng 12/2019, một trẻ sơ sinh tại Malaysia phát hiện nhiễm virus bại liệt. Đây là ca mắc đầu tiên của quốc gia này sau 30 năm đẩy lùi căn bệnh. Hiện, 19 quốc gia tuyên bố đã tiêu diệt bệnh bại liệt.

Dịch hạch

Được mệnh danh là “cái chết đen”, dịch hạch mang lại nỗi sợ cho châu Âu vào thế kỷ 14, khiến hàng triệu người tử vong. Ở rất nhiều thành phố đông dân, tỷ lệ thiệt mạng đã vượt quá 50% dân số. Tháng 5/1984, “cái chết đen” xâm chiếm Hong Kong, Trung Quốc.

Tại Trung Quốc đại lục, dịch hạch khởi phát 3 lần khiến nhiều người dân lo sợ. Tháng 11/2019, một người đàn ông ở Nội Mông được chẩn đoán mắc dịch hạch sau khi ăn thịt thỏ.

Tuy nhiên, theo đánh giá, ngày nay, dịch hạch không còn đáng sợ như trước. Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cho biết nguy cơ lây bệnh rất thấp.

Có thể nhiễm virus corona qua máy đo nồng độ cồn? PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc thổi nồng độ cồn với ống sử dụng một lần không làm lây nhiễm virus corona.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/truoc-corona-chau-a-tung-danh-bai-8-dai-dich-chet-nguoi-post1039143.html