Trước nguy cơ lây nhiễm bệnh 'bò điên' tại Brazil, 14.000 con bò sắp cập cảng Việt Nam

Trước những rủi ro lây nhiễm tiềm ẩn của bệnh 'bò điên' tại Brazil, 14.000 con bò của nước này đang chuẩn bị đến Việt Nam vào cuối tháng 9.

Brazil ngừng nhập khẩu bò sang Trung Quốc

Theo Reuters, Brazil đã ngưng xuất khẩu thịt bò sang thị trường tiêu thụ lớn nhất của mình là Trung Quốc sau khi Bộ Nông nghiệp Brazil xác nhận hai trường hợp mắc bệnh bò điên "không điển hình" ở các nhà máy nội địa tại bang Mato Grosso và Minas Gerais.

MV Nada là một trong những con tàu vận chuyển lớn nhất thế giới - Nguồn: Beef Central

Động thái này nằm trong một phần cam kết từ trước giữa Trung Quốc và Brazil. Nó cho phép Trung Quốc có thêm thời gian xem xét vấn đề và quyết định thời điểm nhập khẩu trở lại.

Đây là đòn giáng mạnh đối với ngành nông nghiệp của quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới khi Trung Quốc và Hồng Kông chiếm hơn một nửa lượng thịt bò xuất khẩu của Brazil. Vì vậy, chính phủ nước này hy vọng lệnh đình chỉ sẽ sớm được dỡ bỏ để phục hồi động lực của nền kinh tế Brazil.

Bên cạnh đó, trong khi quốc gia tỷ dân Trung Quốc đang cân nhắc nhập khẩu thịt bò từ Brazil, đài truyền quốc gia Úc ABC lại đưa tin ngành xuất khẩu gia súc của nước này đang theo dõi chặt chẽ chuyến hàng gia súc đầu tiên trong lịch sử từ Brazil đến Việt Nam. Cụ thể, tàu MV Nada sẽ vận chuyển 14.000 con bò đực đến cảng Thị Vải và dự kiến cập cảng vào ngày 23/9.

Việt Nam là khách hàng lớn thứ hai của Úc về động vật sống với số lượng xuất khẩu lên đến 300.000 con vào năm 2020. Theo Beef Central, ở thời điểm hiện tại, bò Úc được nhập vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi bằng 0 trong khi bò Brazil phải chịu thuế nhập khẩu 5%.

Trong bối cảnh giá bò Úc liên tục gia tăng trong thời gian qua, thỏa thuận mua động vật sống giữa Brazil và các nước Đông Nam Á được xem là tín hiệu cạnh tranh đối với Úc. Bài báo của ABC cho biết, ngoài Úc, Indonesia và Thái Lan cũng sẽ theo dõi chặt chẽ dự án này.

Mối lo ngại về thịt bò Brazil và rủi ro lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam

Bò điên là một căn bệnh tự phát, không thường xuyên và không liên quan đến việc ăn thức ăn bị ô nhiễm. Theo Bộ Nông nghiệp Brazil, hai ca bệnh được phát hiện vào ngày 3/9 bởi Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (OIE) ở Alberta (Canada) là trường hợp thứ tư và thứ năm trong vòng 23 năm qua.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên quốc gia này đối mặt với sự cố "bò điên". Vào năm 2012, căn bệnh này đã gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành nông nghiệp khi thịt bò Brazil bị cấm cửa ở nhiều nơi trên thế giới. Đến năm 2017, ngành thực phẩm Brazil lại tiếp tục bị quay lưng vì vấn đề thịt bò bẩn. Nhưng chỉ một năm sau đó, vào năm 2018, Việt Nam đã xem xét việc nhập khẩu trở lại thịt bò Brazil. Song, hiện vẫn chưa có quyết định nào được nhiều người biết đến.

Trên thực tế, tình trạng bò điên bắt nguồn từ các yếu tố về khẩu phần ăn, thời tiết và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm qua nước bọt. Con bò bị bệnh có thể truyền bệnh cho cả đàn khi đang ăn chung. Do đó, việc nhập khẩu bò sống cần được quản lý cẩn thận để phòng tránh những rủi ro dịch bệnh.

Mặc dù Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết bệnh này không nguy hiểm đối với sức khỏe động vật và con người, nhưng thông tin về doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 14.000 con bò vẫn khiến dư luận hoang mang trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Quỳnh Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/14000-con-bo-brazil-sap-cap-cang-viet-nam-trong-khi-trung-quoc-tu-choi-nhap-khau-vi-nguy-co-bo-dien-post154647.html