Trường chuẩn quốc gia: Đừng vì bệnh thành tích (Kỳ 1)
Nhiều trường học trong tỉnh mang danh hiệu chuẩn quốc gia, nhưng cơ sở vật chất thì ọp ẹp, chất lượng không đảm bảo. Điều này đặt ra việc cần phải làm ngay đối với ngành giáo dục và đào tạo, để tránh bệnh thành tích, đảm bảo chất lượng thực trong dạy học. Kỳ 1: 'Mục sở thị' trường chuẩn
Cách đây 10-15 năm, trên địa bàn tỉnh xuất hiện phong trào “ồ ạt” xây dựng trường chuẩn quốc gia. Hệ quả là đến nay nhiều trường đạt chuẩn nợ tiêu chí vẫn chưa trả nổi, phòng học ngày càng xuống cấp, phải đóng cửa, mượn tạm các phòng chức năng để dạy và học...
Trường học xuống cấp nghiêm trọng
Ngôi trường chuẩn quốc gia đầu tiên chúng tôi "mục sở thị" là Trường Tiểu học Năng An, xã Đức Nhuận (Mộ Đức). Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 1998. Điều khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc là cả dãy phòng học cửa đóng then cài, trông rất ảm đạm. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Năng An Bùi Đình Cách đưa tay chỉ dãy phòng vách bám đầy rêu xanh giải thích: “Dãy phòng học này đã xuống cấp nghiêm trọng, trường thiếu phòng học nhưng đành phải đóng cửa, để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh".
Trường THCS Đức Lân (Mộ Đức) trưng dụng phòng họp để giảng dạy, vì thiếu phòng học. Ảnh: M.Hạ
Thầy Cách cho biết, trường xây dựng cách đây gần 40 năm. Qua gần 20 năm kể từ khi được công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia ở 5 tiêu chí, trường luôn phấn đấu để giữ chuẩn, giữ vững các tiêu chí về tổ chức và quản lý nhà trường; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên và học lực của học sinh; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội...
Riêng tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) thì “trượt” dài. Lúc đầu trường có 14 phòng học xây dựng cấp 4, sân trường rộng, thoáng, tường rào cổng ngõ còn tạm bợ, nhưng vẫn đủ tiêu chí trường chuẩn. Đến nay, đã gần 20 năm, số lượng học sinh tăng, nhưng trường chỉ xây mới thêm 8 phòng học kiên cố, 14 phòng học cấp 4 không được xây dựng, sửa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng. Trường lại nằm ở vùng trũng hạ lưu sông Vệ, năm nào mực nước sông dâng cao đến báo động ba là trường bị ngập sâu trong nước, nên càng thêm xuống cấp.
Cơ sở vật chất tại Trường THCS Đức Lân (Mộ Đức) cũng ọp ẹp không kém. Trường thuộc “tốp” đầu trong toàn tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận trường chuẩn vào năm 2002. Thế nhưng hiện nay phòng học còn thiếu, nhiều phòng xuống cấp nghiêm trọng. Toàn trường hiện có 750 học sinh. Theo quy định đạt chuẩn, trường phải có đủ 27 phòng học, nhưng hiện chỉ có 22 phòng, trong đó có 8 phòng được xây dựng trên 23 năm, do đó không đủ điều kiện để dạy học. Để đảm bảo chương trình và các hoạt động ngoại khóa, trường phải dùng tạm các phòng chức năng, phòng xuống cấp từ kho lương thực trước đây để dạy học.
Hiệu trưởng Trường THCS Đức Lân Phạm Kim Tiên đưa chúng tôi đến phòng chức năng thực hành hóa học. Mùi của hóa chất, ẩm mốc nồng nặc, khó chịu, khiến mọi người phải hắc hơi liên tục, thử hỏi học sinh và giáo viên ngồi học thoải mái thế nào được. Thầy Huỳnh Quảng- Giáo viên dạy Toán, kiêm quản lý phòng chức năng, Trường THCS Đức Lân cho hay, mỗi khi có môn thực hành, khoảng 30 học sinh ngồi chen chúc trong diện tích khoảng 42m2 này để làm thí nghiệm. Phòng đã chật mà sử dụng cùng một lúc hai chức năng (vừa chứa hóa chất, vừa thực hành) lại là nơi chứa rác thải hóa chất đã quá hạn, thiết bị hư hỏng tiềm ẩn những rủi ro, bệnh tật. Thầy Lê Tấn- Giáo viên dạy môn tiếng Anh, thở dài: “Đặc thù môn tiếng Anh là ngoài luyện viết, học ngữ pháp, học sinh phải luyện giọng phát âm. Thế nhưng, vì không có phòng dạy phải mượn phòng họp để giảng dạy. Vì phòng quá rộng, nên âm thanh cả thầy và trò phát ra không chuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn tiếng Anh".
Chưa đủ chuẩn vẫn được công nhận
Đối với giáo viên, học sinh, dạy và học trong ngôi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là niềm tự hào. Đúng nghĩa là vậy, thế nhưng trên thực tế vì nhiều lý do mà nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh cảm thầy buồn khi dạy và học ở ngôi trường có danh hiệu chuẩn quốc gia, vì thực chất không xứng tầm. Có trường chưa đủ điều kiện vẫn được công nhận đạt chuẩn, cho nợ tiêu chí rồi "trả" sau. Để rồi trải qua hàng chục năm, ngành giáo dục loay hoay với đổi mới, với việc mở rộng mạng lưới trường, lớp học, các tiêu chí nợ trở thành món nợ “khó đòi”. Dẫn đến tình trạng nhiều trường đạt chuẩn nhưng CSVC xuống cấp, thiếu phòng học, phải dạy và học trong những phòng học "chắp vá"... điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Thực trạng này diễn ra ở nhiều trường chuẩn quốc gia ở các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành...
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tài, cho hay, toàn huyện hiện có 45 trường thì đã có 33 trường đạt chuẩn quốc gia. Dựa vào tiêu chí đạt chuẩn CSVC, thiết bị của Thông tư 59 Bộ GD&ĐT đối với bậc tiểu học và Thông tư 47 đối với bậc THCS ban hành gần đây thì ở huyện có hàng loạt trường rớt chuẩn. Trong đó, bậc tiểu học hiện có 16 trường chuẩn thì có 13 trường không đạt tiêu chí CSVC; THCS có 13 trường đạt chuẩn thì có đến 8 trường có nguy cơ rớt chuẩn.
Lý giải nguyên nhân không đảm bảo về CSVC, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Lân Phạm Kim Tiên thẳng thắn nói: Trường đạt chuẩn quốc gia nhưng thiếu phòng học, phòng học bị xuống cấp một phần là do xây dựng đã lâu nhưng không được đầu tư xây dựng, sửa chữa, một phần là do ngay từ ban đầu đã nợ tiêu chí CSVC vì thiếu phòng hiệu bộ, phòng truyền thống, phòng y tế và 16 phòng học còn tạm bợ. Nhà trường cũng rất muốn trả nợ tiêu chí còn thiếu, nhưng vẫn luôn trong tình trạng chờ đợi nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng. Đến nay đã 14 năm kể từ ngày được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trường chưa một lần được kiểm tra chất lượng chuẩn, nên không có cơ sở đánh giá lại.
Bài, ảnh: M.HẠ-T.PHƯƠNG
----------------------------