Trường ĐH Luật TP.HCM: Tổng kết đề án xây dựng trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật

Sáng ngày 27/10, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện đề án xây dựng thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật với sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ Bộ Tư pháp và các cơ quan ban ngành của TP.HCM.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Đề án tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật được phê duyệt theo Quyết định số 549/QĐ-TTg, ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của đề án là tập trung nguồn lực xây dựng 2 cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất cả nước có đội ngũ cán bộ, giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến.

Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại, có mô hình quản trị tiến tiến;… để cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

ThS.Lê Văn Hiển đánh giá về công tác đào tạo

ThS.Lê Văn Hiển đánh giá về công tác đào tạo

Đánh giá kết quả qua bảy năm thực hiện Đề án, ThS. Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo nhà trường cho biết quy mô và chất lượng đào tạo của trình độ đại học hệ chính quy có sự gia tăng đáng kể. Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được hơn 28.000 người học, trong đó trình độ đại học chính quy có trên 15.000 sinh viên, trình độ thạc sĩ có 2600 học viên và có 91 nghiên cứu sinh. Đồng thời, Nhà trường đã từng bước chuyển hướng đào tạo mạnh mẽ từ đơn ngành sang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, hiện tại ở trình độ đại học đang đào tạo 5 ngành với nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao, trình độ thạc sĩ có 5 chuyên ngành đào tạo với 2 định hướng là nghiên cứu và ứng dụng, trình độ tiến sĩ có 4 chuyên ngành nghiên cứu đã đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của người học.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm phát biểu tổng kết kết quả thực hiện

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm phát biểu tổng kết kết quả thực hiện

Báo cáo đánh giá chung về việc triển khai thực hiện đề án, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, bên cạnh công tác đào tạo được nâng chất lượng thì công tác liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế, liên kết với các trường đại học nước ngoài ngày càng tăng lên về số lượng. Đội ngũ giảng viên của Trường ngày càng tăng với trình độ ngày càng cao, năng lực ngoại ngữ tốt, tiếp cận kiến thức khoa học pháp lý hiện đại, cập nhật nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Nhà trường cũng rất khó nhận được cơ sở pháp lý cho phép đào tạo nguồn cán bộ tư pháp ngoài địa bàn TP.HCM – nơi đặt trụ sở chính của Trường. Điều này dẫn đến thực trạng các trường Đại học không thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý có thể rất dễ dàng tuyển sinh, đào tạo cán bộ tư pháp ở bất kỳ địa phương nào với chất lượng đào tạo rất đa dạng, trong khi đó các Trường trọng điểm như Trường Đại học Luật TP.HCM lại cần sự cho phép của Bộ để có thể tuyển sinh và đào tạo cán bộ tư pháp ngoài cơ sở, mà sự cấp phép này không có cơ chế hướng dẫn rõ ràng.

TS.Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường trường ĐH Luật Hà Nội - 1 trong 2 đơn vị theo đề án phát biểu

TS.Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường trường ĐH Luật Hà Nội - 1 trong 2 đơn vị theo đề án phát biểu

Bên cạnh, đó sự thiếu đồng nhất giữa trọng trách được giao theo Quyết định 549/QĐ-TTg với cơ chế quản lý của bộ chủ quản. Trên thực tế, Trường Đại học Luật TP.HCM không nhận được sự hỗ trợ nào về chỉ tiêu đào tạo, cơ chế đào tạo cán bộ tư pháp trên cơ sở Quyết định 549/QĐ-TTg. Trường sử dụng chỉ tiêu của Trường để đào tạo cán bộ tư pháp cho các địa phương, thực hiện đào tạo xen kẽ tại địa phương và tại trụ sở chính của trường, tuyển sinh và đào tạo đều theo chuẩn chung thống nhất cho tất cả đối tượng người học nhưng Bộ chủ quản vẫn kết luận cách vận dụng pháp luật như vậy là sai vì phải đào tạo tại trụ sở chính.

Trường cũng đã có văn bản lý giải đặc thù các môn học luật, đặc thù người học (rất khó được nghỉ làm để đi học), các biện pháp Nhà trường sẽ thực hiện để đảm bảo chất lượng nhưng vẫn không được chấp nhận. Có thể nói: Đây là nút thắt vô hiệu hóa chính sách, trọng trách về đào tạo cán bộ tư pháp của Quyết định 549/QĐ-TTg.

ThS. Đoàn Xuân Quang phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp đánh giá về công tác phát triển đội ngũ

ThS. Đoàn Xuân Quang phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp đánh giá về công tác phát triển đội ngũ

Từ những bất cập trên, lãnh đạo Nhà trường kiến nghị trong lộ trình sắp tới sẽ tiếp tục cùng Trường Đại học Luật Hà Nội triển khai đề án theo phương thức mới. Trong lộ trình tiếp theo, Nhà trường kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung Đề án theo tư duy mới hơn là phải tự chủ và phù hợp với Luật Giáo dục Đại học cũng như Nghị đinh 99/2019/NĐ-CP. Chỉ tiêu đặt ra phải cụ thể, thực tế với từng đơn vị và có tính khả thi cao, định lượng được.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi tại hội nghị là việc triển khai xây dựng và phát triển, cơ sở vật chất của Nhà trường mà cụ thể là Dự án xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM tại phường Long Phước, Quận 9 được phân tích, mổ xẻ một cách sôi nổi.

Ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND Quận 9 phát biểu tại buổi làm việc

Ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND Quận 9 phát biểu tại buổi làm việc

Ông Trần Văn Bảy - Chủ tịch UBND Quận 9 đã chỉ ra nhiều vấn đề Nhà trường cần phải thực hiện để triển khai dự án xây dựng cơ sở 3 của Trường tại phường Long Phước, Quận 9 như về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, kết nối hệ thống giao thông,…

“Dự án này do cơ quan ở Trung ương ban hành nên thủ tục điều chỉnh của phải do trung ương phê duyệt. Mức kinh phí của dự án đã được phê duyệt không còn phù hợp với điều kiện hiện nay nên rất khó thực hiện, do đó, khi thực hiện việc xin điều chỉnh dự án, nhà trường cần xem lại việc điều chỉnh tổng mức đầu tư trong đó cần làm rõ tỉ lệ vốn ngân sách, nguồn vốn nhà trường có và tỉ lệ nguồn vốn vay. Điều đặc biệt là Nhà trường cần phải thuê đơn vị làm dự án chuyên nghiệp thì mới có thể triển khai thực hiện có hiệu quả”- ông Bảy cho biết.

 TS Nguyễn Đỗ Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp

TS Nguyễn Đỗ Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị

Đông đảo đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu tại hội nghị TS Nguyễn Đỗ Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho rằng để thực hiện Đề án thì hai trường đã có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện Đề án trên thực tế. Tuy kết quả chung theo các mục tiêu cụ thể của Đề án là chưa đạt được hoàn toàn, nhưng là cũng là những kết quả rất đáng ghi nhận và cũng là cơ sở để hai cơ sở đào tạo luật lớn nhất cả nước tiếp tục thực hiện các nội dung của Đề án đang nêu ra phải làm rất nhiều việc để có thể xin gia hạn thực hiện Đề án ít nhất tới 2025.

Anh Vy

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/truong-dh-luat-tphcm-tong-ket-de-an-xay-dung-truong-trong-diem-dao-tao-can-bo-ve-phap-luat-59575.html