Trường Kiêm bị Xuân Cầu - Dấu mốc phát triển phong trào cách mạng ở Văn Giang

Sau nhiều lần thay đổi tên, Trường Kiêm bị Xuân Cầu xưa kia nay được đổi tên thành Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang) đào tạo ra bao lớp thế hệ học sinh vừa có tài, có đức phục vụ sự nghiệp phát triển cách mạng của dân tộc, đóng góp vào công cuộc đổi mới quê hương Văn Giang nói riêng và đất nước nói chung. Đây cũng được coi là một trong những minh chứng đánh dấu dấu mốc phát triển phong trào cách mạng ở huyện Văn Giang và bồi đắp tinh thần hiếu học của học sinh địa phương.

Một tiết học của giáo viên và học sinh Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Tô Hiệu luôn tự học hỏi, quan tâm việc học, nâng cao dân trí, đào tạo người tài. Trong khoảng thời gian ở nhà tù Côn Đảo (1930 - 1934), đồng chí Tô Hiệu đã che giấu bọn thực dân, bí mật học tập những người tù cộng sản hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Luận cương chính trị của Đảng, kinh nghiệm vận động quần chúng, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, kinh nghiệm công tác bí mật… Sau khi mãn hạn tù, đồng chí Tô Hiệu trở về làng Xuân Cầu và chịu sự quản thúc, theo dõi của mật thám và bọn lý dịch trong làng nhưng đồng chí không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, thể lực của thanh, thiếu niên. Đồng chí đã tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, chơi cờ tướng, tập võ… để tập hợp thanh, thiếu niên thành các nhóm sinh hoạt tùy theo lứa tuổi, sở thích. Nhiều người trong lớp quần chúng này đã tiến bộ và trở thành những cán bộ lãnh đạo cốt cán như: Cao Tải, Khán Phê, Đặng Đình Tài, Tô Ngân, Quản Lự, Nguyễn Thị Tùy… Đồng chí Tô Hiệu còn tập hợp nông dân và lập ra “Hội Nông dân tương tế” tại địa phương; vận động thanh niên tiến bộ, có cảm tình với cách mạng ra tranh cử chức Lý trưởng để hạn chế sự áp bức, bóc lột của quan trên và lý mục. Sau này, nhà Lý trưởng Nguyễn Phùng trở thành “thư viện” để mọi người tới đọc sách, báo tiến bộ, cách mạng… Đồng chí Tô Hiệu còn chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp, chấn hưng văn hóa, mở lớp dạy trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 trong làng.

Thời điểm đó, con em làng Xuân Cầu mặc dù rất ham học nhưng không có trường, lớp để học, chủ yếu học nhờ ở chùa, đình Lê Cao, Phúc Thọ, Tam Kỳ nhưng cũng chỉ học hết lớp 3. Một số người tiến bộ ở Xuân Cầu đã đứng ra vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp, trích hoa lợi công điền, bán ruộng của các phe, giáp… góp quỹ xây dựng trường học. Trường học xây dựng dở dang thì hết tiền do bọn cường hào trong ban hưng công xây dựng trường sử dụng tiền đóng góp của Nhân dân để hút sách, cờ bạc, chè chén… Giữa lúc giấc mơ đi học của con em Xuân Cầu tưởng chừng bị bỏ dở, đồng chí Tô Hiệu đã dựa vào dân, tin dân và hô hào Nhân dân với khẩu hiệu: “Kẻ góp của, người góp công - Mong sao trường học chóng xong - Tinh thần đoàn kết muôn năm”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Nhân dân trong làng ngày đi làm, tối lại tranh thủ góp sức xây dựng trường; những thanh niên trí thức của Xuân Cầu đang học tập và làm việc tại Hà Nội ngày cuối tuần cũng đạp xe về tham gia lao động xây dựng trường.

Mùa thu năm 1938, Trường Kiêm bị Xuân Cầu được khánh thành trong niềm vui của Nhân dân trong làng. Ngôi trường được hoàn thành góp phần phá tan âm mưu thực hiện chính sách ngu dân của bọn thực dân Pháp. Nhờ có trường học này mà hàng trăm học sinh trong vùng lần đầu tiên được cắp sách đến trường, được biết đến mặt chữ, con số. Trường học không chỉ tạo điều kiện cho con em trong vùng có chỗ học hành mà còn là một cuộc vận động chính trị sâu sắc làm thức tỉnh đông đảo quần chúng Nhân dân hướng theo Đảng và cách mạng. Qua sự kiện này, quần chúng Nhân dân ở làng Xuân Cầu càng thêm tin tưởng vào đồng chí Tô Hiệu và tin vào cách mạng. Ông Tô Tần, cựu học sinh Trường Kiêm bị Xuân Cầu chia sẻ: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với chính sách ngu dân của thực dân Pháp để dễ bề thống trị, chúng xây dựng nhà tù nhiều hơn trường học, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường Kiêm bị Xuân Cầu ở một làng quê là một thắng lợi lớn. Đây là cái nôi để nhiều lớp thế hệ thanh niên địa phương trưởng thành và lập nhiều chiến công trên các mặt trận chống quân xâm lược và xây dựng đất nước như: Liệt sĩ Quản Lự, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Quyền…

Trường Kiêm bị Xuân Cầu đã đào tạo ra nhiều thế hệ chí sĩ yêu nước sau này, hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Nghĩa Trụ nằm trong vùng bị địch kiểm soát, trường hoạt động khó khăn. Lúc ấy, Nhân dân trong xã gọi tên trường là Trường Tô Hiệu, sau này là Trường cấp I Nghĩa Trụ. Năm 2000, trường được đổi tên thành Trường tiểu học Tô Hiệu và mang tên gọi đó đến ngày nay.

Qua thời gian, những dấu tích của Trường Kiêm bị Xuân Cầu ngày đầu không còn nữa, nhưng tinh thần Tô Hiệu thì còn mãi trong trái tim của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường, trong phương châm dạy và học, rèn luyện tinh thần theo tấm gương đồng chí Tô Hiệu. Hôm nay, Trường tiểu học Tô Hiệu khang trang, có quy mô 30 lớp với trên 1 nghìn học sinh, 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường có đầy đủ cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, chuẩn hóa với các phòng học, nhà hiệu bộ, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập. Nhiều thế hệ học sinh nhà trường đã thành đạt và giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực như: An ninh, quân sự, khoa học, giáo dục, y tế… Hàng năm, trường tổ chức cho học sinh dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ họ Tô và các ngày lễ trong năm; coi trọng giáo dục học sinh biết yêu quê hương, đất nước, gia đình, thầy, cô, trường lớp để trở thành công dân có ích, xứng đáng với tinh thần hiếu học, đấu tranh quả cảm của đồng chí Tô Hiệu.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202209/truong-kiem-bi-xuan-cau-dau-moc-phat-trien-phong-trao-cach-mang-o-van-giang-9172212/