Truyền cảm hứng cho thế giới thông qua văn hóa

Trong Bảng xếp hạng về các quốc gia có mức độ ảnh hưởng văn hóa rộng nhất trên thế giới vào năm 2021, quốc gia di sản Ý đã xếp hạng đầu tiên. Tiếp sau là Pháp, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Nhật Bản. Điều đó cho thấy, truyền thống và bản sắc văn hóa không chỉ dừng lại trong phạm vi quốc gia mà còn vượt qua giới hạn của biên giới và được tiếp nhận bởi các nền văn hóa khác, trở thành một 'tượng đài' trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Di sản hưởng lợi từ các chính sách huy động vốn góp từ cộng đồng.

Di sản hưởng lợi từ các chính sách huy động vốn góp từ cộng đồng.

Tuy nhiên, chắc hẳn chúng ta đều đoán được, đất nước sở hữu một kho tàng di sản phong phú, đặc sắc cũng “gánh” theo những nghĩa vụ và trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn chúng. Đặc biệt, nhiệm vụ này đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

“Dòng chảy văn hóa không bao giờ ngắt quãng”

Trong giai đoạn nước Ý phải cách ly toàn xã hội, văn hóa là yếu tố gắn kết tất cả mọi người, theo tờ Forbes. Những sáng kiến của các nghệ nhân và nghệ sĩ người Ý đã thực sự truyền cảm hứng cho một bộ phận không nhỏ trên thế giới, đặc biệt trong những ngày tháng “tăm tối” bởi bệnh dịch.

Marina Cacciapuoti là một nhà sản xuất nội dung trên kênh Instagram “Italy Segreta”. Cô là một trong những người đầu tiên khởi nguồn trào lưu từ hashtag #ItalyFromAWindow, tức là chia sẻ cuộc sống của bạn thông qua chiếc cửa sổ. Quả thực, khi không được ra ngoài đường, những chiếc cửa sổ chính là “cánh cửa” duy nhất để người Ý có thể giao tiếp và tận hưởng thế giới bên ngoài. Từ trải nghiệm ăn uống, đọc sách, đến việc chơi đàn, thể hiện một bài hát, mỗi người Ý có thể trở một nghệ sĩ của riêng họ với “sân khấu” là chỉ một chiếc ban công hay một chiếc cửa sổ.

Đất nước Ý trong thời gian dịch bệnh đã lan tỏa một khẩu hiệu trong toàn dân, đó là “tutto andrà Bene”, tức là mọi thứ sẽ ổn thôi. Ngoài ra, còn có một khẩu hiệu khác không kém phần phổ biến, đặc biệt đối với cư dân mạng, đó là “la Cultura non si ferma”, hiểu nôm na là dòng chảy văn hóa không bao giờ ngắt quãng.

Với niềm tin “văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn”, người dân Ý yêu thích việc chia sẻ những trải nghiệm văn hóa tại nhà của họ với mọi người. Ở Rome, Annie Ojile của Scooteroma Tours đã phát hiện ra người hàng xóm mới của cô ấy, Paolo Anziliero, là một ca sĩ opera tài năng và đã quay lại khoảnh khắc anh ấy đang hát để chia sẻ trên mạng. Video của cô nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng netizen.

Còn nhà báo Erica Firpo thực hiện trên podcast hàng tuần mang tên “Ciao Bella”, nơi cô phỏng vấn những người sáng tạo ở thế kỷ 21 của Ý, từ các nghệ sĩ và thương hiệu di sản đến các đầu bếp và nhà đổi mới, để phục vụ các thính giả yêu thích loại hình này.

Trong bối cảnh đại dịch, nỗ lực mang tới những trải nghiệm văn hóa để giải trí, giáo dục và chữa lành tâm lý người Ý cũng được chính phủ, các cơ sở, trung tâm văn hóa chú trọng thực hiện thông qua những chương trình trực tuyến.

Teatro di San Carlo di Napoli, nhà hát opera lâu đời nhất trên thế giới, phát trực tuyến các vở nhạc kịch và múa ba lê qua các kênh mạng xã hội của họ lúc 8 giờ tối vào hầu hết các buổi tối trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trong khi đó, Monteverdi ở Tuscany đã đưa ra một chương trình kỹ thuật số ghi lại các buổi biểu diễn của các nhạc sĩ, ca sĩ tại cơ sở này trước đây để khán giả vẫn có thể thưởng thức từ ngôi nhà của họ.

Triển lãm Raffaello kỷ niệm 500 năm ngày mất của bậc thầy thời Phục hưng tại Scuderie del Quirinale (thành Rome) cũng được tổ chức trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng của Ý đã ngay lập tức tung ra phiên bản số hóa trải nghiệm tham quan hiện vật của họ để phục vụ du khách trong thời bệnh dịch, bao gồm Musei Vaticani, La Galleria degli Uffizi, Capitoline Museum, Pinacoteca di Brera, Trajan’s Market, Ara Pacis,…

Nước Ý từ khung cửa sổ của người dân trong giai đoạn cách ly.

Nước Ý từ khung cửa sổ của người dân trong giai đoạn cách ly.

“Bây giờ là lúc để sáng tạo”

Chúng ta có thể tái tạo cảm giác “vắng nhà” ngày khi ở trong nhà của mình hay không? Đó là câu hỏi của Rachel Zitin, một hướng dẫn viên du lịch và giáo viên yoga địa phương. Khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch đóng băng, Rachel đã cho rằng “bây giờ không phải là lúc để bỏ cuộc, bây giờ là lúc để sáng tạo”.

Trong lĩnh vực du lịch, điều này chủ yếu có nghĩa là thực hiện các hoạt động trực tuyến. Các tài khoản Instagram nổi tiếng của Ý đang hợp nhất với nhau dưới thẻ bắt đầu bằng #ItaliadalDivano khi những người sáng tạo nội dung địa phương cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về các thành phố bản địa của họ thông qua chức năng “Stories” trên Instagram. Beehive, một nhà trọ do gia đình sở hữu ở Rome, cũng đã cố gắng duy trì sự kiện “Người kể chuyện hàng tháng” trực tuyến. Trong khi đó, tạp chí Florentine đang tổ chức các sự kiện cộng đồng trực tuyến nơi các nhà quảng cáo chia sẻ bí quyết của họ về nấu ăn, uống rượu, viết nhật ký, thậm chí là làm tóc.

Nhiều đầu bếp nổi tiếng của Ý đã “lên mạng”, bao gồm cả đầu bếp sao Michelin - Massimo Bottura với chương trình “Kitchen Quarantine”, nơi ông chia sẻ những bí quyết nấu nướng ngay từ căn bếp nhà mình thời cách ly. Người dẫn chương trình du lịch ẩm thực Elizabeth Minchilli và con gái Sophie đã truyền cảm hứng cho cộng đồng về cách nấu ăn chân thực của người Ý từ quê hương của họ ở Umbria. Mỗi tuần, họ chia sẻ kế hoạch bữa ăn mới với các món ăn theo mùa hấp dẫn và chia sẻ các màn trình diễn để giúp người xem tái tạo hương vị của nước Ý trong các ngôi nhà trên khắp thế giới.

Coral Sisk, nhà sáng lập các tour du lịch ẩm thực Curious Appetite đã nghĩ ra sáng kiến cung cấp các trải nghiệm kỹ thuật số cho du khách. Trong mùa dịch, trải nghiệm hay ho với du khách để tận hưởng ẩm thực của Florence chính là một chuyến tham quan ẩm thực Ý trực tuyến với một nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực trong sự thoải mái tại chính ngôi nhà của họ. Trong lĩnh vực rượu vang, Cha McCoy, một nhà sản xuất rượu sommelier giàu kinh nghiệm đã đưa ra #UnitedWeTaste để chia sẻ những đặc trưng về rượu vang toàn cầu qua các buổi nếm thử online.

Không khó để thấy rằng điều thực sự gắn kết người dân Ý với nhau qua khoảng cách về địa lý ở đây chính là bề dày văn hóa lâu đời của đất nước này. Tất cả từ mỹ thuật, phim ảnh, âm nhạc đến ẩm thực, di sản…

Nhiều người tự làm pizza – món ăn đại diện đặc trưng cho ẩm thực Ý, tại nhà.

Nhiều người tự làm pizza – món ăn đại diện đặc trưng cho ẩm thực Ý, tại nhà.

Sáng kiến thưởng thuế

Đất nước Ý luôn tự hào bởi có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Văn hóa chính là niềm tự hào dân tộc của họ, nhưng nó cũng là gánh nặng. Sau nhiều thập kỷ, trong khi tiền ngân sách ngày càng ít hơn, công tác bảo tồn và duy trì các bảo tàng và di tích lịch sử nổi tiếng cũng phần nào bị “bỏ bê”, xuống cấp. Thay vì phụ thuộc vào ngân sách, những nhà chính sách về văn hóa nước này đã đưa ra nhiều sáng kiến để kêu gọi sự chung tay của cộng đồng.

Chính vì thế, vào năm 2015, Ý đã ra một chính sách thuế mới, đó là “Art Bonus”, nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đầu tư vào việc duy trì các giá trị văn hóa của đất nước. Cụ thể, với mỗi khoản ủng hộ cho các công trình văn hóa ở nước này, người dân, tổ chức hoặc doanh nghiệp sẽ được nhận về mức thưởng thuế tương đương với 65% khoản đóng góp của họ. Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Ý, bao gồm Đấu trường La Mã, đã được trùng tu từ quỹ cộng đồng này.

Chính phủ Ý cũng khuyến khích việc gọi vốn cộng đồng và các hoạt động từ thiện để “cứu” các “kho báu của nước Ý” và chống lại những tội ác phá hoại di sản. Từ đó, những sáng kiến mới ra đời sau Art Bonus như upaperlacultura.org – một trang web miễn phí, phi lợi nhuận, tư nhân đầu tiên của Ý nhằm mục đích kết hợp các tổ chức văn hóa và doanh nghiệp lại với nhau. Được thành lập bởi một nhóm 500 công ty quảng cáo và truyền thông, trang web này cho phép các công ty tư nhân lựa chọn địa điểm văn hóa để đầu tư theo khu vực địa lý. Một sáng kiến khác mang tên “LoveItaly!” với mục đích chủ yếu là thu hút khách nước ngoài đến Ý có thể đóng góp một phần hỗ trợ đất nước này bảo vệ hệ thống di sản của họ.

Chi tiêu cho văn hóa ở Ý ước tính là 1,2% GDP so với mức trung bình của châu Âu là 2,2%. Tuy nhiên, Chính phủ Ý cho biết vào năm 2016 rằng, con số này có thể giảm xuống khi có chính sách “Art Bonus”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Dario Franceschini cho biết: “Kết quả chính sách Art Bonus đem đến rất tích cực, thậm chí có thể gọi là phi thường, đặc biệt là thành quả nó đạt được trong giai đoạn thử nghiệm mà không cần đến một chiến dịch quảng cáo nào”. Được biết, dù không cần “phô trương”, trong năm 2015, Chính phủ đã huy động được 34 triệu euro (tương đương khoảng 880 tỷ đồng) cho hoạt động bảo dưỡng, trùng tu, bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của nước này.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/truyen-cam-hung-cho-the-gioi-thong-qua-van-hoa-post435698.html