Truyện ngắn: Góp những yêu thương

Cơn bão số 3 đã đi qua nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất tàn khốc. Bao nhiêu người mất tích, bao nhiêu gia đình mất người thân...

Sáng sớm trời lại chuyển mây đen. Cũng may hôm nay là cuối tuần tụi nhỏ không phải đi học nên Thư không quá lo lắng. Kéo vội cửa sổ phòng lại để tránh những cơn gió lùa vào, vừa quay người lại đã nhìn thấy bé Ti đang dụi mắt ngồi trên giường. Con bé vẫn còn ngái ngủ, mắt chỉ mở ti hí lèm bèm hỏi Thư:

“Hôm nay lại mưa nữa hả mẹ?”.

“Chắc lại sắp có mưa to rồi con gái. Không phải đi học, con ngủ thêm đi”.

“Mưa chỗ mình vậy có mưa ở miền Bắc không mẹ?”.

Thư ngơ ngác chớp mắt khó hiểu nhìn cô bé. Thời tiết ở mỗi nơi khác nhau, có khi trong cùng một xã còn có chỗ mưa to chỗ lại nắng chói chang. Vậy thì giữa miền Nam và miền Bắc lại càng khó nói được. Thư dịu dàng xoa đầu con gái giọng buồn bã.

“Mẹ biết con đang lo lắng điều gì. Mẹ cũng mong, miền Bắc không còn mưa không còn lũ lụt giông bão gì nữa. Nắng sẽ chan hòa khắp đất nước”.

Kể từ khi bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, hàng ngày trên bản tin đều đưa tin tức về miền Bắc. Lũ lụt, lũ quét, sạt lở, người bị chôn vùi dưới lớp bùn đất, người bị lũ quét cuốn trôi, cả một xã một vùng ngập trong biển nước, dòng nước cuồn cuộn cuốn trôi mọi thứ, nhấn chìm tài sản và con người.

Hôm trước, tình cờ bé Ti ngồi xem bản tin thời sự trên tivi cùng với ba mẹ đã nhìn thấy nhiều bạn nhỏ mặt mày lem luốc, cả người ướt sũng được các cô chú công an, quân đội, dân quân tự vệ cứu lên từ lớp bùn đất, từ biển nước mà con bé hỏi liên tục. Các bạn ấy bị gì? Tại sao lại nhiều nước như vậy? Nước ngập mái nhà thì làm sao? Các bạn có đói không? Các bạn ăn cái gì? Bão là sao hả mẹ? Nhiều câu hỏi từ một đứa trẻ lên năm liên tục được đưa ra.

Một đứa trẻ sống trong vô ưu vô lo, đi trên con đường bằng phẳng, chưa từng trải qua khổ cực thiếu thốn nên những thứ trên tivi thật sự quá xa lạ với sự hiểu biết của bé Ti. Thư và chồng đã phải từ tốn giải thích cho bé Ti hiểu. Con được may mắn sinh ra ở miền Nam ít phải chịu nhiều thiên tai lũ lụt, gió bão như các bạn miền Trung, miền Bắc.

Ngoài kia, các bạn đang rất khổ sở, có bạn phải nhịn đói, nhịn khát vì thiếu đồ ăn nước sạch để uống. Có bạn còn bất hạnh mất cả ba mẹ trong dòng nước ác dữ. Cũng không biết bé có hiểu hết lời ba mẹ hay không nhưng từ hôm xem được tin tức về cơn bão ở miền Bắc, bé Ti đi học ít ăn quà bánh hơn, cũng không đòi hỏi mua đồ chơi mới chịu vào lớp học nữa. Nhìn con ngoan ngoãn Thư mừng rỡ và xúc động.

* * *

Cơn bão số 3 đã đi qua nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất tàn khốc. Bao nhiêu người mất tích, bao nhiêu gia đình mất người thân, những đứa trẻ ngây thơ bỏ mình trong dòng nước lạnh hay vùi sâu dưới lớp bùn đất bởi các trận sạt lở bất ngờ giữa đêm.

Chẳng ai có thể kìm được nước mắt khi nhìn thấy những đứa trẻ lạc lõng mất hết người thân, những gia đình không còn nhà cửa. Thư cũng vậy. Vừa đánh máy biên tập bài vừa thỉnh thoảng lấy khăn lau giọt nước tràn khóe mi.

Thư là phóng viên báo chuyên mục đời sống và xã hội. Thư đang mong muốn có thể giúp được chút gì đó cho đồng bào miền Bắc vượt qua cơn khó khăn. Thư đã nghĩ đến phương án vận động mọi người ở khu vực miền Nam cùng chung tay góp yêu thương gửi về người dân miền Bắc.

Và Thư đã thật sự làm như vậy. Thư viết bài kêu gọi mọi người hãy dành chút yêu thương quyên góp tùy theo khả năng của mình, có thể là tiền, là thực phẩm hoặc quần áo. Bài viết của Thư được tổng biên tập phê duyệt rất nhanh và chị ấy còn khen ngợi, đề nghị tòa soạn cũng lập một quỹ gửi về miền Bắc.

“Em làm rất tốt đấy Thư. Hy vọng mọi người ở miền Nam mình đều có tấm lòng tương thân tương ái. Đều là người Việt Nam giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn mới thấm thía hai chữ đồng bào, Thư nhỉ”.

* * *

Thư vừa kêu gọi mọi người bằng con chữ của mình vừa tự giác làm đúng như lời mình đã viết. Thư cùng chồng dành ra nửa tháng lương của mỗi đứa để gửi về miền Bắc. Ngoài ra còn soạn quần áo và mua thêm một ít sữa và bánh ngọt gửi cho Hội Chữ thập đỏ mang đến tận tay từng người dân miền Bắc.

Thư đang loay hoay soạn quần áo xếp gọn đóng vào thùng thì bé Ti đi vào phòng ngồi trước mặt Thư tò mò hỏi:

“Mẹ đang làm gì vậy ạ?”.

“Mẹ đang chuẩn bị ít quần áo mới gửi cho các bạn ở miền Bắc. Một số nơi còn mưa và ẩm ướt nên quần áo sạch và khô cũng rất cần thiết con ạ”.

Bé Ti chớp đôi mắt tròn xoe xoay người đi ra khỏi phòng, chỉ một lúc cô bé quay lại với lỉnh kỉnh đồ trên tay, đồ chơi búp bê đầy một túi lớn:

“Cho các bạn búp bê của con được không mẹ? Chắc nước cuốn trôi đồ chơi của các bạn rồi, con xem trên tivi quá trời đồ vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước”.

Thư đỏ mắt nhìn con gái đầy âu yếm. Trung thu vừa rồi với trẻ em miền Nam còn được phá cỗ trông trăng, còn có niềm vui háo hức. Chứ ở miền Bắc nhất là các tỉnh đang gồng mình chống chọi với sự nổi giận của mẹ thiên nhiên thì làm gì có Trung thu. Những đứa trẻ đáng lẽ ra đều phải được vui vẻ và hạnh phúc trong ngày tết của chúng nhưng có lẽ năm nay là năm Trung thu buồn bã nhất với các trẻ miền Bắc.

Thư nhận lấy túi búp bê của con gái rồi cũng xếp gọn vào thùng xốp. Con gái còn bé nhưng đã biết chia sẻ và cảm thông với các bạn kém may mắn hơn là điều Thư vô cùng vui mừng. Còn nhớ trước đây, bé Ti cũng ngang ngạnh và có phần ích kỷ lắm, Thư và chồng cũng từng đau đầu không biết phải dạy dỗ và uốn nắn thế nào để con ngoan ngoãn hơn.

Thư nhớ lúc đầu năm học, mỗi ngày đưa bé Ti đến trường là một ngày đầy khó khăn và thử thách với Thư và chồng. Vì hai vợ chồng mới chỉ có bé Ti là con đầu nên có phần cưng chiều. Khi còn bé, Thư gửi con cho bà nội chăm sóc mỗi khi hai vợ chồng đi làm.

Ở nhà với bà, bé Ti càng được cưng yêu nhiều hơn, đòi hỏi gì bà cũng đáp ứng vô điều kiện. Bé Ti đến năm tuổi mới vào trường học lớp Lá nên con bé bỡ ngỡ và có phần chống đối mỗi khi được gọi dậy đi học. Ngày nào cũng mè nheo khóc nức nở không chịu đi, để đưa được bé vào lớp Thư phải dụ ngọt bằng đồ chơi búp bê hoặc bất cứ thứ gì con bé muốn.

Ngày nào chồng Thư đưa đi học thì anh cứng rắn hơn, đánh đòn khi con bé không chịu vào lớp với cô giáo hay đòi hỏi đủ thứ. Có hôm, anh còn bị con bé cắn vào tay đến chảy máu. Sáng cực nhọc đưa vào lớp còn chiều đón con lại nhận mấy lời mắng vốn của phụ huynh khác. Bé Ti không chia sẻ đồ chơi với bạn, bé Ti đánh bạn vì giành đồ chơi.

Đối với Thư và chồng những ngày tháng này như giông bão với gia đình, không biết khi nào nắng sẽ lên. Giờ nhìn đứa con gái nhỏ ngoan ngoãn ôm balo đi học mỗi ngày, lúc về vui đùa với các bạn mà Thư rưng rưng nước mắt. Cuối cùng, Thư cũng chờ được ngày nắng lên.

* * *

Vẫn như mọi hôm, Thư đưa bé Ti đến trường mầm non, dừng xe trước tiệm tạp hóa trước cổng trường để mua ít bánh bỏ vào cặp cho cô bé ăn giờ ra chơi. Bé Ti gần đây rất ngoan, không đòi hỏi bắt buộc Thư phải mua gì cả. Thư chọn bánh nào con bé cũng bằng lòng không phản đối, cũng không đòi mua đồ chơi như trước nữa. Hai mẹ con đang loay hoay thì bị thu hút bởi hai cha con bên cạnh.

“Con không đi học. Không đi học đâu. Con muốn về nhà”.

“Đi vào lớp, không cha đánh đòn nghe không hả?”.

“Không. Con không đi học mà”.

Bé Ti chớp mắt nhìn bé gái đang ngồi bệt khóc nức nở, hai gót chân chà xát dưới đất.

Thư khẽ thở dài, đến trường cũng gần một tháng nhưng vẫn còn nhiều bé vẫn không chịu hợp tác, không chịu đi học là chuyện bình thường mỗi ngày ở trường mầm non. Thư cũng không lấy làm lạ nhưng bé Ti lại rất để ý.

Cô bé đi đến trước mặt bé gái, ngồi xuống nắm tay bạn dỗ dành. Thư ngạc nhiên nhìn bé Ti, vừa định đến kéo con bé lên vì sợ bị bạn cào trúng trong lúc bé kia đang làm loạn thì Thư nghe bé Ti thủ thỉ:

“Bạn vào lớp học với mình đi đừng có khóc nữa. Ở miền Bắc mấy bạn còn không được đi học kìa, tại mưa nước ngập trường học hết rồi. Mình được đi học là mình hên lắm rồi đó”.

“Không đi học ở nhà chơi sướng. Phải chi trường mình cũng ngập luôn”.

“Nước ngập trường, ngập nhà mấy bạn đó còn không có bánh ăn, không có cơm ăn luôn kìa, có bạn bị trôi luôn ba mẹ nữa. Bạn muốn như vậy sao?”.

Cha của bé gái kia nhìn bé Ti rồi quay sang Thư khen ngợi, bảo con bé mới tí tuổi mà đã hiểu chuyện và ngoan ngoãn quá. Thư mỉm cười rồi bước đến kéo tay con gái đi vào trường. Thư không ngờ mấy lời con gái nhỏ nói lại có thể làm cho cô bé kia nín khóc và trở nên ngoan hơn.

* * *

Thư đến tòa soạn với thùng đồ đã được đóng gói, nhớ lại những con búp bê của con gái cũng đang được đặt bên trong mà trong lòng trở nên ấm áp. Thư hy vọng chút quà ở miền Nam gửi ra đồng bào miền Bắc sẽ giúp được mọi người một phần khó khăn. Thư dán tờ giấy lên thùng xốp rồi giao thùng xốp cho bạn bên nhóm thiện nguyện. Trên tờ giấy viết vỏn vẹn mấy dòng:

“Miền Nam, miền Bắc một nhà

Chút quà gửi đến chan hòa yêu thương”.

Truyện ngắn của Võ Thị Tuyết Luôn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-gop-nhung-yeu-thuong-post704206.html