Truyền thuyết về chế độ trọng nhân tài
Theo Caroline Criado Perez, truyền thuyết về chế độ trọng nhân tài đã cung cấp một vỏ bọc để che đậy cho thành kiến thiên vị nam giới da trắng mang tính hệ thống.
Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20, dàn nhạc giao hưởng New York (New York Philharmonic Orchestra) không hề có bóng dáng nữ nhạc công nào. Vài đốm sáng le lói vào thập niên 1950 và 1960 khi một hoặc hai phụ nữ được tuyển vào chơi trong dàn nhạc; còn lại, tỷ lệ nữ giới ở đây luôn nằm lì ở số 0.
Thế rồi, bỗng dưng điều gì đó thay đổi: Từ thập niên 1970 trở đi, số lượng nữ nhạc công bắt đầu tăng lên. Và cứ thế tăng một mạch. Tỷ lệ thay đổi nhân sự trong các dàn nhạc vốn cực kỳ thấp. Thành phần của một dàn nhạc thường khá ổn định (với khoảng 100 nhạc công) và khi bạn đã được tuyển vào thì thường bạn sẽ chơi ở đó cả đời; rất hiếm khi một nhạc công bị sa thải.
Vì vậy, hẳn phải có sự kiện nào đó đặc biệt lắm thì tỷ lệ phụ nữ trong dàn nhạc này mới tăng vọt từ con số thống kê 0% lên 10% trong một thập kỷ.
“Sự kiện nào đó” ở đây chính là những cuộc thi tuyển giấu mặt. Được tổ chức vào đầu thập niên 1970 theo sau một vụ kiện, những vòng thi giấu mặt diễn ra đúng như tên gọi của nó: Hội đồng tuyển chọn không được nhìn thấy ai đang chơi trong buổi thi bởi vì có một tấm màn ngăn cách hai bên. Các tấm màn lập tức tạo ra sự khác biệt.
Đến đầu những năm 1980, phụ nữ bắt đầu chiếm 50% số nhạc công được tuyển mới. Ngày nay, tỷ lệ nhạc công nữ trong dàn nhạc New York Philharmonic nằm ở mức hơn 45%.
Chỉ với bước đi đơn giản là dựng một tấm màn, quy trình thi tuyển của New York Philharmonic đã trở thành một chế độ tuyển chọn trọng dụng tài năng. Nhưng câu chuyện này là một ngoại lệ. Đối với đại đa số quyết định tuyển dụng trên khắp thế giới, chế độ trọng nhân tài vẫn chỉ là một truyền thuyết để lừa mị mọi người.
Truyền thuyết này đã cung cấp một vỏ bọc để che đậy cho thành kiến thiên vị nam giới da trắng mang tính hệ thống. Và nản lòng thay, truyền thuyết này đã chứng minh là nó có khả năng đề kháng đáng kinh ngạc trước mọi bằng chứng đã được đưa ra từ nhiều thập kỷ qua để vạch trần rằng về bản chất nó chỉ là một câu chuyện hoang đường. Rõ ràng, nếu muốn tiêu diệt truyền thuyết này, chúng ta phải làm nhiều việc hơn là chỉ thu thập dữ liệu mà thôi.
Không mấy ai chịu tin rằng chế độ trọng người tài chỉ là một dạng truyền thuyết. Ở các quốc gia công nghiệp mọi người không những tin rằng chế độ trọng nhân tài là con đường nên đi theo mà còn cho rằng nó thực sự đang có tác dụng trong thực tiễn.
Bất chấp mọi bằng chứng chỉ ra rằng nước Mỹ, chứ không đâu khác, là nơi ít trọng nhân tài nhất trong số các nước công nghiệp, người Mỹ lại một lòng coi chế độ trọng nhân tài như một đức tin và trong vài thập kỷ qua, các chiến lược tuyển dụng và thăng chức ngày càng được họ thiết kế theo chiều hướng như thể chính sách trọng dụng nhân tài là một điều có thực vậy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truyen-thuyet-ve-che-do-trong-nhan-tai-post1413529.html