TTC Sugar tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trồng mía organic tại Attapeu (Lào)
Vừa qua, Công ty TNHH MTV Mía đường TTC Attapeu (TTCA) - một thành viên của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) đã chính thức ký hợp đồng về việc tô nhượng (*) thêm 3.127ha đất để sử dụng trồng mía organic với Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào.
Theo các nội dung cụ thể của hợp đồng về việc chỉnh sửa và bổ sung, kể từ ngày 10/7/2020, TTCA chính thức được tô nhượng thêm hơn 3.000ha đất tại Lào. Tổng diện tích này bao gồm 1.785ha là phần diện tích đất được tô nhượng từ Chính phủ nước CHDCND Lào tại các huyện Xaysettha, Sanxay, Sanamxay và 1.342ha là diện tích đất được hợp tác đầu tư với nông dân.
Việc tô nhượng thêm đất này nhằm mục đích để TTCA tiếp tục đầu tư và phát triển diện tích trồng mía organic, cũng như sản xuất đường organic với tiêu chuẩn đã được các tổ chức uy tín (**) công nhận.
Trước hết, vùng nguyên liệu trồng mía organic của TTC Sugar có đất không sử dụng các loại thuốc hóa học trong vòng 3 năm trở lên, có ranh giới, khoảng cách xác định và vùng đệm (hàng rào, hàng cây xanh…) để làm bờ chắn, ngăn chặn sự phát tán của các chất độc hại ở các vùng lân cận vào ruộng mía.
Kế đến, TTC Sugar lựa chọn giống mía organic không mang mầm bệnh và không bị biến đổi gen. Và chuỗi quy trình canh tác hoàn toàn hữu cơ được áp dụng quán triệt như: áp dụng những biện pháp để tạo và phát triển nguồn thiên địch tự nhiên (sử dụng ong mắt đỏ, trồng hoa ven bờ để thu hút côn trùng, đa dạng sinh học trên đất canh tác, tạo và duy trì hệ sinh thái thiên địch hạn chế sâu hại); kết hợp trồng cây họ đậu xen canh với mía để ngăn ngừa cỏ dại, giúp cố định và tăng chất đạm, mùn, dưỡng chất và cải tạo lại cấu trúc cho đất để nuôi dưỡng mía (đây cũng là giải pháp nhằm thay đổi cây cũ sang một loại cây mới để cắt mầm bệnh trong đất, chủ động phòng ngừa sâu bệnh hại cho mía organic); sử dụng cơ giới hóa trong việc khống chế cỏ thay cho hóa chất; nguồn nước tưới phải đảm bảo tiêu chuẩn và hợp vệ sinh…
Cuối cùng, trong quá trình thu hoạch mía organic và sản xuất từ những cây mía ra những hạt đường organic cũng phải tuân theo quy trình chuẩn mực, không lẫn lộn với các loại mía khác.
Và không chỉ đảm bảo quy trình trồng mía và sản xuất nghiêm ngặt như trên, TTCA sẽ đồng thời tăng diện tích trồng mía organic từ niên độ 2020-2021, và dự tính đến niên độ 2024-2025 trở đi, sẽ có gần 12.000ha diện tích thu hoạch hoàn toàn là mía organic, với tổng sản lượng là 784 tấn mía organic và hơn 100.000 tấn đường organic (tăng hơn 766% sản lượng đường organic so với niên độ 2019-2020), góp phần vào mục tiêu cung cấp và nâng tầm nguồn dinh dưỡng sạch từ đường organic cho người tiêu dùng tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Theo bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTC Sugar - việc mở rộng diện tích này một lần nữa khẳng định TTC Sugar là một trong những công ty sản xuất đường hữu cơ hàng đầu của Việt Nam và khu vực, hướng đến trở thành 1 trong top 5 nhà sản xuất đường hữu cơ hàng đầu trên thế giới (bên cạnh Brazil, Thái Lan, Ấn Độ).
“Hiện nay, các sản phẩm đường organic của TTC Sugar hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,… đồng thời, được đóng gói và phân phối tại thị trường Việt Nam bởi Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai”.
“Đặc biệt, động thái này còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt - Lào, hứa hẹn nhiều lợi ích về tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định quanh năm cho người dân địa phương (với lượng thuê dao động bình quân từ 500 - 1.500 người/ngày); phát triển dịch vụ vận chuyển, trồng mía, làm đất ở Attapeu; tạo thêm các sản phẩm cạnh đường và sau đường (như điện sinh khối, phân vi sinh);…”, bà Huỳnh Bích Ngọc cho biết thêm.
Như vậy, bằng việc ký kết này, tổng diện tích vùng nguyên liệu của TTC Sugar được nâng lên hơn 73.000ha, trải dài 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Đây được xem là bước đi chiến lược của TTC Sugar nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam với thế giới.
(*) Tô nhượng: Là đặc quyền do Chính phủ cho tư nhân hay Chính phủ nước ngoài được hưởng trong việc khai thác trên đất nước mình như cho xây dựng đường sắt, khai thác tài nguyên thành lập đồn điền hay các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng khác.
(**) Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, sản phẩm đạt chuẩn organic phải tuân thủ đủ tiêu chí “3 không - không thuốc trừ sâu; không phân bón hóa học; không biến đổi gen”.