Từ 1-1-2025, nhiều giao dịch ngân hàng sẽ bị từ chối vì lý do này
Không xác thực sinh trắc học, không cập nhật giấy tờ tùy thân đã hết hạn, khách hàng sẽ không thể thực hiện được bất cứ giao dịch ngân hàng nào như rút tiền mặt, chuyển khoản trực tuyến… kể từ ngày 1-1-2025.
Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Agribank, Sacombank, SHB, Cake by VPbank, MB … đã thông báo đến các khách hàng về việc cập nhật giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học để không bị gián đoạn giao dịch sau ngày 31-12 tới đây.
Ngân hàng ráo riết yêu cầu xác thực sinh trắc học
Sacombank cho biết, từ ngày 1-1-2025, ngân hàng sẽ tạm ngưng giao dịch tại quầy, cũng như các kênh trực tuyến đối với các khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hạn hoặc không còn hiệu lực. Đồng thời, cũng từ ngày này, mọi giao dịch trực tuyến, rút tiền tại các cây ATM/CDM... hoặc kích hoạt hay gia hạn thẻ của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ tạm dừng nếu chưa hoàn thành việc đăng ký xác thực sinh trắc học.
Nam A Bank cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2025, nhà băng này sẽ tạm dừng giao dịch thẻ, giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán trong trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng, hoặc giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực.
Đồng thời, Nam A Bank cũng sẽ tạm dừng đối với thanh toán thẻ, rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử khi chưa hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của khách hàng.
VPBank cũng khuyến cáo từ 1-1-2025, với những khách hàng chưa có dữ liệu sinh trắc học hoặc giấy tờ tùy thân hết hạn, hay thông tin dữ liệu tại ngân hàng không khớp đúng với dữ liệu của Bộ Công an… sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch thanh toán ngân hàng. Chẳng hạn như khách hàng sẽ không thể chuyển khoản với bất cứ giao dịch nào trên app VPBank NEO, không thể liên kết, giao dịch thanh toán trực tuyến từ ví điện tử đến tài khoản ngân hàng, không nộp tiền, rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng, hay không thể tiếp tục sử dụng thẻ ATM/thẻ tín dụng…
Tương tự, Agribank cho biết, để đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN tại Thông tư 18/2024 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Agribank đề nghị khách hàng có giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh cư trú tại Việt Nam (đối với khách hàng người nước ngoài) đã hoặc sắp hết hạn hiệu lực, thì cần đến các chi nhánh Agribank gần nhất để thực hiện cập nhật thông tin.
Tại Vietcombank, ngân hàng này vừa thông báo, kể từ ngày 1-10 vừa qua, khi mở tài khoản Vietcombank trực tuyến, khách hàng sẽ được tích hợp cập nhật thông tin sinh trắc học ngay trong luồng đăng ký. Quá trình này rút ngắn đáng kể thời gian mở tài khoản cho khách hàng. Đồng thời, sau khi mở tài khoản, khách hàng có thể giao dịch trực tuyến giá trị cao theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Để việc giao dịch ngân hàng của khách hàng được liền mạch, các ngân hàng đồng loạt khuyến nghị khách hàng chủ động cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam còn hiệu lực và thông tin sinh trắc học.
Lừa đảo giảm mạnh
Theo Thông tư 17/2024 của Ngân hàng Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, quy định kể từ ngày 1-1-2025 các ngân hàng sẽ tạm ngưng giao dịch đối với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực.
Thông tư 18/2024 của Ngân hàng Nhà nước ban hành các quy định về hoạt động và giao dịch thẻ ngân hàng quy định, kể từ 1-1-2025, khách hàng sẽ không thể giao dịch online nếu như chưa xác thực sinh trắc học.
Lãnh đạo Sacombank cho biết: “Sau khi triển khai hiệu quả Quyết định 2345/2024 của Ngân hàng Nhà nước, Sacombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Thông tư 17 và 18. Đây là các giải pháp nhằm đảm bảo tính chính chủ thông tin chủ tài khoản thanh toán, chủ thẻ, cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, tăng cường bảo vệ khách hàng. Chúng tôi sẽ không ngừng cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ để hỗ trợ khách hàng cập nhật giấy tờ và sinh trắc học một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất”.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết: “Việc xác thực sinh trắc học vừa để bảo vệ cho khách hàng và cho cả ngân hàng, song đây cũng là “lưới lọc” tài khoản rác một cách hiệu quả.
Trước giờ G, khách hàng sẽ “chấm điểm” các tài khoản thanh toán mà họ đang sử dụng, nếu thấy dịch vụ của ngân hàng nào phù hợp, họ sẽ chủ động xác thực sinh trắc học, cập nhật giấy tờ tùy thân. Trong quá trình “sát hạch” này, những nhà băng có chất lượng dịch vụ tốt, hệ thống hạ tầng hoàn thiện chắc chắn sẽ giữ chân được “thượng đế”. Ngược lại, những ngân hàng nào đem đến trải nghiệm dịch vụ không mượt, hay bị lỗi có thể sẽ bị khách hàng âm thầm bỏ rơi”.
Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (MB) có đánh giá: “Rủi ro từ hoạt động giả mạo, lừa đảo trên không gian mạng là thách thức mà tất cả các ngân hàng đều phải đối mặt trong xu hướng chuyển đổi số các dịch vụ ngân hàng hiện nay. Do đó, bên cạnh việc nâng cấp, phát triển sản phẩm dịch vụ, vấn đề tối ưu hóa bảo mật cho khách hàng cũng được MB chú trọng và đầu tư.
Kể từ khi chuyển đổi số trở thành mục tiêu chiến lược vào năm 2017, mỗi năm, MB đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vào công nghệ thông tin để nâng cấp hạ tầng công nghệ, xây dựng một hệ thống có khả năng phân tích hành vi khách hàng chính xác, phát hiện giao dịch bất thường và đảm bảo giao dịch thông suốt. Với mức đầu tư này, MB không chỉ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động mà còn chủ động phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng”.
"Đồng thời ngân hàng MB cũng bắt tay với những đối tác công nghệ hàng đầu thế giới để mang những gói giải pháp tiên tiến nhất để bảo vệ khách hàng. Bên cạnh đó, MB đã hợp tác chặt chẽ với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) để liên tục cập nhật thông tin về các tài khoản lừa đảo, giúp hệ thống nhận diện và cảnh báo ngay cho khách hàng nếu khách hàng chuẩn bị chuyển tiền đến một tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ. Điều này không chỉ bảo vệ khách hàng mà còn góp phần ngăn chặn hoạt động của các đối tượng lừa đảo”, lãnh đạo MB nhấn mạnh.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Sau 3 tháng triển khai Quyết định 2345/2024, đến nay, đã có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đồng thời, số vụ lừa đảo giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm đến 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm. Đặc biệt tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua”.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế, hiện nay xuất hiện tình trạng kẻ gian cố tình tiếp cận học sinh, sinh viên đã được cấp Căn cước công dân (CCCD), sau đó đưa điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking.
Sau đó, đối tượng yêu cầu các học sinh, sinh viên trả lại điện thoại, và phải cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP). Đồng thời, kẻ gian thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của học sinh, sinh viên để phục vụ xác minh danh tính khi có yêu cầu của ngân hàng.
Các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố…
Trước thực trạng này, cơ quan Công an cảnh báo học sinh, sinh viên tuyệt đối không cho thuê, bán tài khoản ngân hàng online.
Hành vi nhận tiền từ các đối tượng nêu trên đã cấu thành hành vi phạm vi phạm pháp luật. Nếu cho thuê, mượn, mua bán từ 1-10 tài khoản sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng. Còn nếu thuê, mượn, mua bán số lượng từ 10 tài khoản trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đồng.