Tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập: Lợi thì có lợi, nhưng khó khăn vẫn còn (kỳ 2): Vẫn còn cái khó bó… cái khôn

Có thể thấy, việc tự chủ ở các cơ sở y tế công lập đã mang lại nhiều lợi ích, tính chủ động trong thu - chi thường xuyên của các đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tự chủ ở các bệnh viện công lập cũng đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ. Điều này liên quan đến sự phát triển, hiệu quả hoạt động, thậm chí là 'chỗ đứng' của mỗi đơn vị, nhất là khi việc khám, chữa bệnh đã được thông tuyến.

Thực hiện tự chủ giúp cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên ngày càng khang trang hơn.

Thực hiện tự chủ giúp cơ sở vật chất của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên ngày càng khang trang hơn.

Co kéo nguồn thu - chi khi lương tăng, giá dịch vụ giữ nguyên

Tại các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, để thực hiện tự chủ, nguồn thu của các đơn vị phụ thuộc vào dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Bác sĩ Trương Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản chưa được tính vào giá dịch vụ y tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu của chúng tôi.

Một khó khăn nữa là trong năm 2023 và 2024, Chính phủ đã 2 lần ban hành nghị định điều chỉnh nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Điều này hướng đến việc nâng cao đời sống, thu nhập cho đội ngũ người làm việc, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đã hai lần điều chỉnh tăng mức lương cơ bản nhưng giá dịch vụ y tế lại không được điều chỉnh tăng mà vẫn giữ nguyên mức thu, gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập đã thực hiện tự chủ tài chính.

Cụ thể, ngay sau khi mức lương cơ sở tăng, các đơn vị tự chủ cũng phải điều chỉnh tăng mức lương cơ sở tương ứng cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, người lao động. Nghĩa là mức chi đã tăng đáng kể và các đơn vị phải co kéo nguồn thu để đáp ứng được việc chi lương, thưởng cho cán bộ, viên chức.

Trong khi đó, mức thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) vẫn giữ nguyên, chưa kể chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cũng tăng nhưng chưa được tính vào. Những đơn vị có số cán bộ, nhân viên càng đông thì nguồn kinh phí chi trả lương càng lớn.

Bác sĩ Cao Đắc Thắng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ, cho hay: Chưa kể từ lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở vào năm 2023, từ ngày 1/7/2024, để đảm bảo mức lương cho 170 cán bộ y, bác sĩ, người lao động sau khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương, mỗi tháng, đơn vị phải trích thêm trên 400 triệu đồng để bù vào. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải cắt giảm các nguồn chi khác.

Thực tế này cũng đang diễn ra tại 8 cơ sở y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa, chia sẻ: Nguồn thu của Bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Với đặc thù huyện miền núi, dân cư không đông thì lượng người đến khám, chữa bệnh cũng “khiêm tốn” hơn, nguồn thu cũng hạn chế hơn, trong khi chi phí về lương cho y, bác sĩ, người lao động (sau hai lần điều chỉnh tăng) vẫn phải tăng theo quy định.

Với trình độ chuyên môn cao, tháng 6 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên đã phẫu thuật thành công cho người bệnh có khối u xơ tử cung nặng 5,2kg.

Với trình độ chuyên môn cao, tháng 6 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên đã phẫu thuật thành công cho người bệnh có khối u xơ tử cung nặng 5,2kg.

Trăn trở giải pháp “giữ chân” người bệnh

Như đã đề cập, việc tự chủ của các cơ sở y tế công lập hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào lượng người đến khám, chữa bệnh. Muốn “giữ chân” người bệnh đồng thời mở rộng quy mô thu hút lượng bệnh nhân thì không thể thiếu những yếu tố cốt lõi là nguồn nhân lực chất lượng cao và trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Bác sĩ Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, khẳng định: Trước hết, muốn thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc, cống hiến cho đơn vị thì tất yếu cần có chế độ đãi ngộ đi kèm.

Điều này luôn là một bài toán nan giải đối với những bệnh viện, trung tâm y tế hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhất là đối với đơn vị có nguồn thu còn khiêm tốn. Việc cân đối nguồn thu - chi thường xuyên như lương, thưởng, thu nhập tăng thêm cho đội ngũ y, bác sĩ hiện có… đã không đơn giản, việc đưa ra chế độ đãi ngộ thu hút người tài (ban đầu và lâu dài) lại càng hạn chế hơn.

Cùng với đó là nguồn kinh phí dành cho hoạt động đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ hiện có của những đơn vị này cũng là một "bài toán" khó. Vấn đề này lại càng khó hơn đối với một số bệnh viện chuyên khoa, như lao phổi, tâm thần… khi thực hiện tự chủ do khả năng thu thấp.

Vì lẽ đó, tình trạng chuyển dịch lao động ngành Y tế từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư diễn ra là điều khó tránh khỏi. Minh chứng rõ nét nhất là hiện nay nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như Bệnh viện Bệnh phổi Thái Nguyên, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, Trung tâm Y tế Võ Nhai… rất khó tuyển dụng được bác sĩ. Hơn nữa, Thái Nguyên mới có 150/177 trạm y tế tuyến xã có bác sĩ…

Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng cao thì yếu tố trang thiết bị y tế hiện đại cũng là lý do thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Thực tế hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế công lập tuyến huyện, tuyến tỉnh đều cơ bản được trang bị nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Theo bác sĩ Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế Đồng Hỷ, người bệnh luôn có những yêu cầu cao hơn, mong muốn được sử dụng dịch vụ tốt hơn trước đây, nhất là đối với việc chẩn đoán, điều trị những bệnh mang tính chuyên sâu, kỹ thuật cao. Với cơ chế thông tuyến, bệnh nhân luôn tìm hiểu, lựa chọn cơ sở y tế tốt hơn để đến khám, điều trị hoặc sẵn sàng chuyển tuyến trên. Đây cũng là tâm lý chung của người dân.

Chưa kể hiện nay, nhiều địa phương luôn có sự “cạnh tranh” giữa các cơ sở y tế công lập với cơ sở y tế tư nhân hoặc bệnh viện tuyến trên. Điều này luôn đặt ra nhu cầu được nâng cấp, mua sắm thêm thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập.

Chúng tôi tìm hiểu thêm tại một số trung tâm, bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đang thực hiện tự chủ khác, đại diện lãnh đạo của các cơ sở y tế này đều có cùng nguyện vọng, đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ sớm ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, từ đó giảm bớt áp lực cho các đơn vị.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế đều mong muốn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn, nhất là các trang thiết bị, máy móc hiện đại, có cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù (từ ngân sách Nhà nước) trong việc thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi đây là những yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng khám chữa bệnh, việc “giữ chân” người bệnh, đồng thời cũng là nguồn thu của các cơ sở y tế công lập tự chủ về tài chính. Đặc biệt là nên điều chỉnh một số quy định, cơ chế pháp lý để thực sự giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế công lập trung nhiều hoạt động…

Huệ Dinh - Hoàng Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202410/tu-chu-tai-chinh-tai-cac-co-so-y-te-cong-laploi-thi-co-loi-nhung-kho-khan-van-con-ky-2-van-con-cai-kho-bo-cai-khon-a96373e/