Tư duy trong xây dựng công trình văn hóa
Một nền văn hóa phát triển luôn kế thừa những giá trị tốt đẹp từ quá khứ và không ngừng sáng tạo những giá trị mới phù hợp thời đại. Mặc dù những cái mới xuất hiện không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay, thậm chí còn bị phản đối, nhưng với tinh thần cởi mở, đón nhận cái mới một cách chọn lọc thì việc phát triển văn hóa dân tộc sẽ như một dòng chảy luôn được khai thông nguồn mạch.
Gần đây, dư luận xã hội quan tâm đến dự án xây dựng Nhà hát Opera Hồ Tây nằm trong đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Nhà hát Opera Hồ Tây được kiến trúc sư Renzo Piano - một tên tuổi lớn của ngành kiến trúc Italia và của thế giới thiết kế. Ông là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng như Tòa nhà chọc trời là trụ sở của tờ The New York Times (Mỹ), Nhà hát Parco della Musica Auditorium (Italia), Trung tâm Georges Pompidou (Pháp)… Nhà hát Opera Hồ Tây là công trình gửi gắm nhiều tâm huyết mà vị kiến trúc sư tài hoa dành tặng cho Hà Nội, ứng dụng công nghệ kết cấu phức tạp, cầu kỳ với những nét kiến trúc được cho là biểu hiện sinh động của văn hóa thủ đô vừa truyền thống vừa hiện đại.
Công trình được kỳ vọng sẽ là một biểu tượng văn hóa mới của thủ đô. Tuy nhiên, dự án ngay khi vừa đưa ra để thăm dò dư luận đã vấp phải những ý kiến tranh luận gay gắt của người dân và giới chuyên môn.
Nhà hát Opera Hồ Tây được kiến trúc sư Renzo Piano - một tên tuổi lớn của ngành kiến trúc Italia và của thế giới thiết kế. Ông là tác giả của nhiều công trình nổi tiếng như Tòa nhà chọc trời là trụ sở của tờ The New York Times (Mỹ), Nhà hát Parco della Musica Auditorium (Italia), Trung tâm Georges Pompidou (Pháp)
Trước đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, dự án xây dựng nhà hát Thủ Thiêm cũng gặp phải làn sóng phản đối của dư luận. Chính quyền thành phố sau đó đã tuyên bố tạm ngừng dự án này để ưu tiên đầu tư công cho các công trình hạ tầng, giao thông...
Trước tiên phải khẳng định ngay rằng, những cuộc tranh luận xã hội, với nhiều luồng ý kiến khác nhau về mọi lĩnh vực của đời sống là hết sức bình thường, thậm chí còn cần thiết cho phát triển.
Chúng ta ủng hộ những ý kiến lành mạnh, thuyết phục dù là đồng tình hay phản đối một vấn đề nào đó. Theo dõi những cuộc tranh luận liên quan việc xây dựng các nhà hát gần đây, điều cần ghi nhận là có nhiều ý kiến tâm huyết, nặng lòng với sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, cùng với đó cũng bộc lộ không ít những rào cản, hạn chế trong tư duy của một bộ phận người dân mà nguyên nhân có lẽ xuất phát từ những quan niệm ăn sâu bén rễ trong một thời gian dài, cho rằng văn hóa chỉ là “loa, đèn, kèn, trống”, chuyên “tiêu tiền” mà không “làm ra tiền”, có chăng chỉ là sự “thêm vào” mà không phải là “nền tảng thật sự” của đời sống xã hội.
Khi nhắc đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các kết cấu hạ tầng văn hóa, không ít ý kiến chỉ ra rằng, nước ta còn nghèo, thu nhập đầu người còn thấp, do đó cần phải ưu tiên cho những thứ phục vụ đời sống dân sinh thiết thực như trường học, bệnh viện, nhà tình nghĩa... Sự quan tâm dành cho văn hóa ở nhiều địa phương chỉ ở mức độ hạn chế, có cũng được mà không có cũng “chẳng chết ai”. Chính quan điểm như vậy đã cản trở sự phát triển văn hóa của đất nước.
Nhìn lại đất nước ta sau gần 37 năm đổi mới, kinh tế có những bước phát triển vượt bậc, hàng nghìn công trình bề thế đã được xây dựng như sân bay, trung tâm thương mại, khu đô thị,… nhưng số lượng các công trình văn hóa mới có giá trị nổi bật chưa tương xứng.
Quay trở lại vấn đề xây dựng các nhà hát, nhiều ý kiến phản biện cho rằng không nên xây dựng nhà hát, nhất là các nhà hát opera hay nhạc giao hưởng bởi kinh tế của đất nước ta còn nghèo, người dân chưa có nhu cầu đi xem hòa nhạc. Việc đầu tư kinh phí xây dựng các công trình này bị cho là lãng phí, thay vào đó nên để dành tiền cho các công trình quốc kế dân sinh. Ý kiến này không phải không có lý nhưng dường như chưa thỏa đáng.
Nếu làm một cuộc thống kê đánh giá tổng thể có thể thấy, Hà Nội và nhiều địa phương vẫn đang rất thiếu những công trình văn hóa tầm cỡ, nổi bật, là nơi kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, xứng tầm với sự phát triển của đất nước.
Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đặt ra yêu cầu văn hóa phải thật sự trở thành một trụ cột phát triển bền vững của Việt Nam, bởi vậy, việc đầu tư cho những công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng của mỗi địa phương, biểu tượng của Việt Nam trong thời đại mới là cần thiết.
Chẳng hạn với Nhà hát Opera Hồ Tây, nếu việc xây dựng đúng như ý tưởng của kiến trúc sư Renzo Piano là “làm sống dậy một Hà Nội văn hiến, không chỉ là những giá trị văn hóa đã trường tồn với thời gian, mà còn là văn hóa tiên tiến, tiệm cận với những giá trị tinh hoa của thế giới” thì thiết nghĩ, đó là một công trình cần có đối với Thủ đô trong thời kỳ hội nhập.
Nếu làm một cuộc thống kê đánh giá tổng thể có thể thấy, Hà Nội và nhiều địa phương vẫn đang rất thiếu những công trình văn hóa tầm cỡ, nổi bật, là nơi kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, xứng tầm với sự phát triển của đất nước.
Các công trình biểu tượng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Lớn Hải Phòng, Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh… đều là những công trình kiến trúc được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc. Những công trình đó trường tồn với thời gian, là nơi ghi dấu quá khứ lịch sử văn hóa dân tộc, nhưng đó vẫn là câu chuyện của ngày hôm qua, không thể đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển trong tương lai.
Văn hóa không chỉ lưu giữ lại quá khứ mà cần phải trở thành một dòng chảy liên tục, không ngừng tiếp biến, sáng tạo. Chúng ta tự hào, trân trọng quá khứ nên luôn chú trọng công tác giữ gìn, sửa chữa, tu bổ các công trình văn hóa có giá trị nhưng chúng ta không được phép quên rằng cần phải xây dựng những công trình văn hóa của hôm nay, “mã hóa” những tinh túy trong văn hóa hôm nay để kể chuyện với các thế hệ tương lai về thời đại mình đang sống.
Sẽ là khiếm khuyết lớn nếu chúng ta chỉ chăm chăm phát triển kinh tế và cho rằng khi nào dư cơm ăn thừa áo mặc mới dành sự quan tâm cho văn hóa. Sức mạnh, giá trị của văn hóa vừa làm phong phú tinh thần cho nhân dân, vừa góp phần “xóa đói giảm nghèo” đúng nghĩa.
Có thể lấy thí dụ nhà hát Opera Sydney (Australia), nhà hát “Marina Bay Sands Theatre” (Singapore), nhà hát Opera Oslo (Na Uy) mỗi năm thu về rất nhiều tiền cho không chỉ ngành biểu diễn mà cả ngành du lịch. Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, các nhà hát có kiến trúc độc đáo, quy mô, xứng tầm đã trở thành những địa điểm du lịch được yêu thích.
Tất nhiên, việc xây dựng một công trình lớn, tầm vóc, dù trong lĩnh vực nào cũng cần dựa trên các cơ sở thực tế cũng như nhiều điều kiện phù hợp khác. Điều cần lưu ý là vấn đề tư duy trong thực hành xây dựng và phát triển văn hóa. Ý kiến của các tầng lớp nhân dân luôn cần được lắng nghe, tiếp thu thận trọng, nhưng cùng với đó các cấp quản lý lãnh đạo cũng cần có tầm nhìn chiến lược và sự am hiểu sâu sắc, tầm nhìn thấu đáo về đầu tư phát triển văn hóa.
Đây là cơ sở quan trọng giúp tạo ra những bước đột phá trong phát triển văn hóa. Cần xác định rằng không chỉ câu chuyện xây dựng nhà hát, mà xây dựng bất cứ cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa nào cũng sẽ gặp trở ngại, vì việc tạo ra một cái mới không mấy khi được chấp nhận dễ dàng, nhất là cái mới đó có tầm vóc, quy mô về ý tưởng. Văn hóa lại là sản phẩm không thể nhìn thấy ngay kết quả trong một thời gian ngắn như kinh tế. Nhà hát Opera Sydney khi bắt đầu xây dựng cũng gặp phải sự phản ứng dữ dội của người dân và bị cho rằng đó là một kiến trúc “quái dị”, tốn kém.
Thế nhưng ngày nay, Opera Sydney đã nổi tiếng khắp thế giới, thu hút hàng triệu lượt người đến hằng năm để thưởng thức nghệ thuật và tham quan du lịch. Tháp Eiffel nằm ở trung tâm thành phố Paris tráng lệ cũng vấp phải tình trạng tương tự. Hàng trăm nghệ sĩ trí thức nổi tiếng thời kỳ đó đã lập hẳn một ủy ban để phản đối việc xây dựng công trình này.
Nhưng nhờ có sự quyết đoán của kiến trúc sư và những người có trách nhiệm, nhân loại đã có một di sản văn hóa để chiêm ngưỡng mỗi khi đặt chân đến nước Pháp. Đây là bài học cho thấy khi có một tầm nhìn dài hơi trong tư duy xây dựng và phát triển các công trình văn hóa sẽ có khả năng đạt được những thành tựu rực rỡ ngoài mong đợi.
Trong vài ba năm trở lại đây, đời sống văn hóa nước ta đã có những bước thay đổi vượt bậc theo chiều hướng tích cực. Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Văn hóa hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi.
Nghị quyết của Đảng về văn hóa đã được đưa vào đời sống và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đổi mới tư duy trong công tác văn hóa, cởi mở trong nhìn nhận đánh giá các vấn đề liên quan văn hóa, không ngừng tiếp thu cái mới, bản lĩnh, khoa học, quyết đoán, chúng ta có thể sáng tạo những giá trị văn hóa vừa tiếp nối truyền thống vừa mang tầm thời đại.
Đồng thời khi tiếp nhận một vấn đề mới, như việc xây dựng một nhà hát, một không gian văn hóa, mỗi cá nhân cần bình tĩnh đánh giá, lắng nghe, đừng vội “ném đá” hay phản đối. Với tư duy cởi mở, sáng tạo, không ngừng đổi mới sẽ giúp cho văn hóa dân tộc hội nhập cùng thế giới, vừa giữ gìn bản sắc vừa sáng tạo để nâng mình lên, đi cùng thời đại.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tu-duy-trong-xay-dung-cong-trinh-van-hoa-post757913.html