Tự hào THPT Lộc Ninh

'Đời sống của các tầng lớp nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thế nhưng mái trường được xây dựng giữa trung tâm thị trấn như một thách thức với kẻ thù. Hằng ngày, thầy và trò vừa dạy học vừa đào hầm, hào và cứ mỗi lần nghe tiếng động cơ máy bay gầm rú là thầy, trò lại nhanh chóng xuống hầm trú ẩn… Trường hình thành trong thời khắc khó khăn nhất nhưng cũng rất đỗi tự hào…' - thầy Trịnh Lương Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Ninh bày tỏ.

MỘT THỜI GIAN KHỔ

Hiếm thấy ai gắn bó với ngôi trường từ bậc tiểu học cho đến lúc về hưu như thầy Trịnh Lương Quang (SN 1962). Ông gắn bó với trường từ lúc còn là học sinh lớp 4 (năm 1972) đến nay. Thầy Quang nhớ lại: THPT Lộc Ninh tiền thân là Trường cấp 1, 2 Lộc Ninh, khai giảng khóa đầu tiên ngày 5-9-1972, tức là lúc Lộc Ninh mới được giải phóng chưa đầy 5 tháng. Thành lập trong thời chiến nên trường, lớp không cố định mà liên tục chuyển đổi vị trí, có thời gian dài phải trú ẩn trong lô cao su. Việc dạy và học đầy khó khăn nhưng thầy, trò luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Thầy Trịnh Lương Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Ninh (thứ 2 từ trái qua) trao thưởng cho các giáo viên tại lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2020

Thầy Trịnh Lương Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Ninh (thứ 2 từ trái qua) trao thưởng cho các giáo viên tại lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2020

“Gian khổ nhất là giai đoạn 1977-1979. Lúc bấy giờ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị mất mùa, đói kém; biên giới Tây Nam thường xuyên bị Khmer Đỏ lấn chiếm, đốt phá, chém giết; biên giới phía Bắc bị Trung Quốc xâm chiếm, đất nước bước vào cuộc chiến mới không kém phần cam go, ác liệt. Lộc Ninh một lần nữa trở thành mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc, nhà trường tiếp tục bị ảnh hưởng của chiến tranh. Vì thế, thầy và trò lại tiếp tục cho cuộc chiến mới, nhiều học sinh đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, có bạn đã vĩnh viễn ra đi. Chồng chất khó khăn nhưng người Lộc Ninh vẫn luôn phát huy truyền thống hiếu học, không chỉ học hết cấp 2 mà nhiều em còn phấn đấu lên cấp 3. Đó cũng là giai đoạn mở đường cho việc thành lập Trường cấp 2-3 Lộc Ninh năm 1978” - thầy Quang ngậm ngùi kể.

Năm 1980, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đầu tư xây dựng cho Trường cấp 2-3 Lộc Ninh 10 phòng học và 2 năm sau đó, tức năm 1982, Trường THPT Lộc Ninh chính thức được UBND tỉnh Sông Bé ký quyết định thành lập. Đây cũng là trường cấp 3 duy nhất của huyện Lộc Ninh, mãi đến năm 1997 thành lập thêm Trường THPT bán công Lộc Ninh (năm 2007 đổi tên thành Trường THPT Lộc Thái) và năm 2007 có thêm Trường THPT Lộc Hiệp. “Lúc bấy giờ nhà trường chỉ có 3 lớp với hơn 70 học sinh và 10 cán bộ, giáo viên. Toàn trường chỉ vỏn vẹn 10 phòng cấp 4, cơ sở vật chất phục vụ dạy học thiếu thốn đủ bề; đời sống giáo viên và học sinh gặp muôn vàn gian khổ... ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy học” - thầy Quang hồi tưởng.

THI ĐUA ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO

Đó là câu chuyện của 40, 50 năm về trước. Đến nay, Trường THPT Lộc Ninh được xây mới theo hướng đạt chuẩn quốc gia, quy mô 40 phòng học lý thuyết, 8 phòng bộ môn, 1 nhà thi đấu đa năng và có đầy đủ các phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu dạy học cho 1.400 học sinh/40 lớp, với kinh phí 50 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bảo đảm về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng với 95 người.

Đặc biệt, phong trào làm sáng kiến, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học luôn được giáo viên quan tâm, hưởng ứng tích cực. Năm học vừa qua, trường có 29 sáng kiến cấp trường, 23 sáng kiến được Sở GD&ĐT công nhận, 3 sáng kiến đang gửi cấp tỉnh xét công nhận vì ứng dụng hiệu quả cao trong thực tiễn.

Không chỉ có bề dày lịch sử mà điểm nhấn nổi bật, niềm tự hào ở Trường THPT Lộc Ninh là đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên và tận tâm, tận lực với nghề. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có trình độ đạt chuẩn, 5 người trên chuẩn, 1 người đang học tiến sĩ, 8 người đang học thạc sĩ, 40 người là đảng viên. Năm học 2020-2021, trường có 38 giáo viên dạy giỏi cấp trường, 14 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh.

“Áp dụng các sáng kiến đã được công nhận trong phạm vi ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn Toán trong Trường THPT Lộc Ninh” được Ban thi đua của trường chọn đề xuất là mô hình tiêu biểu đề nghị Sở GD&ĐT công nhận, khen thưởng. Mô hình này không chỉ giúp giáo viên nâng cao năng lực, chất lượng giảng dạy và giáo dục bộ môn mà còn giúp học sinh yêu thích môn học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu tàu trong làm sáng kiến, nâng cao chất lượng giáo dục ở bộ môn Toán là thầy Phan Văn Tùng, Tổ trưởng tổ Toán của trường.

Cùng với Hiệu trưởng Trịnh Lương Quang thì thầy Phan Văn Tùng cũng gắn bó với Trường THPT Lộc Ninh từ thời còn là học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1981, Phan Văn Tùng trở thành thủ khoa của tỉnh với 36 điểm. Thủ khoa tốt nghiệp cộng với học sinh giỏi cấp tỉnh nên Phan Văn Tùng được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Toán. Năm 1985, thầy Tùng ra trường và về chính ngôi trường mình học để giảng dạy cho đến nay. 37 năm đứng trên bục giảng, thầy Tùng cho rằng: “May mắn khi tôi là một trong những giáo viên được tham gia thành viên Hội đồng bộ môn Toán của Sở GD&ĐT. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học được cập nhật trước so với các thầy, cô trong trường”.

Sau 40 năm hình thành và phát triển, lớp lớp học sinh THPT Lộc Ninh nối tiếp ra trường và trưởng thành trên mọi lĩnh vực. Nhiều học sinh sau khi ra trường đã tình nguyện trở thành chiến sĩ và vĩnh viễn ra đi trên chiến trường biên giới Tây Nam, có bạn đã ngã xuống ngay trên mảnh đất Lộc Ninh để bảo vệ thành quả của cách mạng. Hàng vạn học sinh từ mái trường này đến nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ; nhiều người đã trở thành lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Nhiều cán bộ, giáo viên của trường cũng trưởng thành từ chính mái trường này...

Thầy Trịnh Lương Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Ninh tự hào

Là tổ trưởng tổ chuyên môn, thầy Tùng có nhiều sáng kiến hay được nhân rộng trong giảng dạy tại trường và nhiều trường trong tỉnh. Trong 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến cấp tỉnh thì đề tài “Hướng dẫn học sinh giải các bài toán ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống” được áp dụng rộng rãi và hiệu quả thực tiễn nhiều năm qua. Nhờ có sự đổi mới, sáng tạo nên chất lượng môn Toán của trường ngày càng được nâng cao và trong top đầu của tỉnh; riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt 100%, trong đó môn Toán đạt bình quân 6,99 điểm.

NƠI TRƯỞNG THÀNH CỦA NHIỀU THẾ HỆ HỌC TRÒ

Không chỉ môn Toán mà nhiều môn học khác cũng được quan tâm đổi mới, nâng cao toàn diện về chất lượng. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn được khẳng định ở các kỳ thi, cuộc thi các cấp. Minh chứng là hằng năm trường đều có học sinh giỏi vòng tỉnh, từng có thủ khoa tốt nghiệp, thủ khoa đại học, sinh viên xuất sắc các trường đại học danh tiếng. Không chỉ ở các môn văn hóa mà các cuộc thi khoa học kỹ thuật cũng được nhà trường quan tâm, chú trọng. Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022 diễn ra mới đây, trường có 2 sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm giải nhất duy nhất chung cuộc. Đó là sản phẩm “Giải pháp kỹ thuật phục vụ công tác giáo dục trong trường học hỗ trợ quản lý học sinh và chống dịch Covid-19” của nhóm tác giả Cao Đặng Trí Anh và Giang Minh Tiến, cùng lớp 12A1.

Trường THPT Lộc Ninh ngày nay được xây dựng khang trang, bề thế

Trường THPT Lộc Ninh ngày nay được xây dựng khang trang, bề thế

Với những đóng góp, phấn đấu không mệt mỏi, Đảng bộ trường hằng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, đạt trong sạch, vững mạnh; năm 2021, tập thể trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UBND tỉnh tặng bằng khen… Không chỉ là thành tích mà lịch sử ngôi trường chính là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và người dân Lộc Ninh.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/131880/tu-hao-thpt-loc-ninh