Tu Mơ Rông chủ động ứng phó với sạt lở, lũ quét trong mùa mưa
Tỉnh Kon Tum đang bắt đầu bước vào mùa mưa 2019. Đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ quét tại các huyện miền núi, nhất là tại huyện Tu Mơ Rông.
Qua kiểm tra, rà soát của các cơ quan, đơn vị tại huyện Tu Mơ Rông, đối với các công trình giao thông hiện có 35 điểm, công trình có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai; trong đó có 14 điểm, công trình có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét; 21 điểm, công trình có nguy cơ bị sạt lở.
Đối với công trình thủy lợi hiện có 34 có nguy cơ vỡ đập, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, 24 điểm khu dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ quét. Ngoài ra, 12 điểm trường học, 10 trụ sở cơ quan và 10 khu đất sản xuất cũng nằm trong tình trạng bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ quét.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Vương Văn Mười, địa bàn huyện Tu Mơ Rông có địa hình bị chia cắt bởi đồi núi có địa chất yếu cùng với sông suối nhiều, có độ dốc lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao trong điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay.
Đặc biệt, nhiều khu vực đồi núi bị rạn nứt, sạt lở nặng từ mùa mưa năm trước, nền đất chưa ổn định, khi gặp thời tiết mưa dài ngày như mấy ngày gần đây, tiềm ẩn nguy cơ sụt, trượt bất cứ lúc nào.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão năm 2019 tập trung vào các điểm trọng yếu như đường giao thông, hồ chứa, đập thủy lợi vừa và nhỏ, khu dân cư, trường học, trạm y tế và các cơ quan.
Các lực lượng chức năng tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, tiếp nhận Công điện, Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó đối với tình huống thiên tai sắp xảy ra.
UBND huyện phân công các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện xuống địa bàn, giúp Ủy ban nhân dân các xã triển khai phương án ứng phó thiên tai; chỉ đạo rà soát hiện trạng nhà ở tại các khu dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng công cộng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện hiện có tại địa phương để huy động, điều động giúp dân khi cần thiết, vận chuyển các loại vật tư thiết yếu tập kết tại các điểm xung yếu đã được xác định.
Ngoài ra, các địa phương tiến hành chặt, tỉa cây xanh có nguy cơ đổ ngã; rà soát các điểm cung cấp vật tư để kịp thời ứng cứu khi có nhu cầu; dự trù sắp xếp địa điểm để sơ tán dân cư khi có thiên tai xảy ra.
Các địa phương vận động người dân chủ động chằng chống nhà cửa, dự trữ lương thực thực phẩm; chuẩn bị thức ăn cho gia súc, chủ động thu hoạch hoa màu nông sản trước khi thiên tai có thể ảnh hưởng; thường xuyên theo dõi dự báo của các cơ quan chức năng và trên các phương tiện thông tin đại chúng; chấp hành lệnh sơ tán của cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm: Huyện đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão năm 2019 rất cụ thể. Đối với các xã, huyện chỉ đạo thành lập một ban thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; xây dựng phương án “4 tại chỗ” để khi xảy ra sự cố đảm bảo di dời người dân đến nơi an toàn và khắc phục ngay các tuyến đường bị sạt lở, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của bà con.
Mùa mưa bão năm 2018, huyện miền núi Tu Mơ Rông bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Mưa bão đã làm 205 căn bị sập, hư hỏng; 4 điểm sạt lở nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân; 7 trường bị sập, tốc mái, hư hỏng trang thiết bị dạy học.
Mưa lũ đã làm hơn 47 ha hoa màu bị hư hỏng từ 30 - 70%; trên 370 con gia súc bị cuốn trôi; 15 công trình thủy lợi, 22 tuyến đường giao thông, 9 cầu, cống bị hư hỏng, sạt lở, cuốn trôi cùng nhiều trụ sở làm việc, nhà công vụ bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại gần 80 tỷ đồng.