Từ nhà tù Sơn La đến điểm cao A1

Khoảng cách địa lý giữa hai 'địa chỉ đỏ' của du lịch Tây Bắc chỉ hơn 150km. Ngồi ô tô lướt trên những cung đường mượt như dải lụa vắt ngang lưng chừng trời từ TP Sơn La đến TP Điện Biên Phủ chỉ non 3 tiếng đồng hồ.

Vậy nhưng, trong chiều sâu lịch sử, từ nhà tù Sơn La đến điểm cao A1 là cuộc hành trình kỳ vĩ của tinh hoa cách mạng, tinh thần yêu nước làm nên kỳ tích vĩ đại của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thế kỷ 20...

"Địa ngục trần gian" và khát vọng độc lập

Miền Bắc năm nay mùa đông đến muộn! Khoảng giao mùa giữa năm cũ và năm mới, càn khôn thả nhịp lao xao, vừa rực ngày nắng vàng, thoắt đã sắt se đêm lạnh. Tôi từ phương Nam ra Bắc, cùng các đồng đội Báo Quân đội nhân dân (QĐND) thực hiện cuộc hành trình về nguồn Tây Bắc. Sau hơn 7 thập kỷ đồng hành với các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ và cả dân tộc thực hiện cuộc trường chinh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế, góp phần để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đến nay, tờ báo chiến sĩ đã hiện thực hóa niềm mong ước của các thế hệ cha anh: Xây dựng văn phòng thường trú của Báo QĐND tại Điện Biên-nơi tòa soạn tiền phương của Báo năm xưa tổ chức xuất bản ngay tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Ngôi nhà xinh xắn được thiết kế như một trang báo vừa mở nằm ở trung tâm “lòng chảo” Điện Biên Phủ. Nơi đây gần 7 thập kỷ trước, nhân loại yêu chuộng hòa bình toàn thế giới hân hoan đón nhận tin chiến thắng của một dân tộc thuộc địa, đập tan xiềng xích đô hộ của thực dân Pháp. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của QĐND Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries tại trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954. Hình ảnh đó đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức mạnh Việt Nam. Đó là đích đến của cuộc kháng chiến trường kỳ phải trả bằng xương máu và sự hy sinh của cả dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh và rất đỗi hào hùng, vẻ vang ấy, trên vùng núi non hùng vĩ Tây Bắc, những “địa chỉ đỏ” như nhà tù Sơn La, đồi A1-Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là những dấu son in đậm trong trang sử dân tộc anh hùng...

 Di tích lịch sử đồi A1 nhìn từ trên cao. Ảnh: TRỌNG HẢI

Di tích lịch sử đồi A1 nhìn từ trên cao. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đặt chân đến Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La trên đỉnh đồi Khau Cả, chúng tôi có cảm giác ớn lạnh, gai ốc nổi lên, nhịp tim như thắt lại. Cái lạnh của mùa đông vùng cao là một phần, cái lạnh dội về từ trầm tích không gian mới đáng nói. Trải qua sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh và sự bào mòn mưa nắng, nhiều hạng mục công trình ghi dấu tội ác man rợ của thực dân cướp nước chỉ còn là những bức tường đổ sập nham nhở và nền móng lởm chởm gạch đá. Khuôn viên di tích được bảo tồn nguyên trạng, không chỉ với những hạng mục còn nguyên cấu trúc mà với cả những đổ nát, phong rêu. Không gian như được cô đặc bởi những giá trị văn hóa-lịch sử, cô đặc cả cảm xúc con người. Dù đã đọc hàng trăm trang sách, xem hàng chục thước phim, nghe bao nhiêu câu chuyện kể cũng không thể có cảm xúc mãnh liệt đến gai người như khi đến đây thực mục sở thị.

Nhà tù Sơn La là "địa ngục trần gian", là “chiếc quan tài mở nắp” khổng lồ ở Tây Bắc, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1908 và không ngừng mở rộng quy mô để giam cầm, tra tấn những người tù cộng sản. Dã tâm của thực dân đội lốt “khai sáng văn minh” cho dân tộc thuộc địa thể hiện rõ nét qua cách chúng thiết kế, xây dựng, vận hành những công cụ giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Với những căn phòng kín mít, những xà lim ngột ngạt, hệ thống còng, xích sắt, bàn kẹp và công cụ tra tấn vô hồn, man rợ, nhà tù Sơn La là cái “tủ lạnh” nhiều ngăn vào mùa đông, là cái "lò nung sắt" vào mùa hè. Nơi miền biên ải biệt lập, từ những năm 1930-1945, thực dân Pháp muốn dùng "địa ngục trần gian" này để thủ tiêu tinh thần, ý chí kháng chiến của những người cộng sản...

Nhưng không! Nơi ngục tù tối tăm ấy, nơi cái ác, cái man rợ được đẩy đến tột cùng ấy lại được chính những chiến sĩ cộng sản kiên trung biến thành trường học, biến xương máu thành nguyên khí cách mạng, biến chết chóc, đau thương thành lửa căm hờn, nung nấu khát vọng độc lập, tự do... Bản lĩnh Việt, tinh hoa Việt, khí phách Việt, sức mạnh Việt, khát vọng Việt... được ươm mầm, nuôi dưỡng, bung tỏa từ chính môi trường tối tăm, tàn khốc, man rợ, đầy rẫy sự chết chóc ấy. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa...” (thơ Nguyễn Đình Thi) là như thế!

Những tinh hoa cách mạng bị giam cầm, tra tấn tại đây như Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn... cùng hàng nghìn chiến sĩ bị địch bắt tù đày trong những năm 1930-1945 đã ươm mầm, khởi nguồn cho các hình thức, giải pháp, mô hình đấu tranh cách mạng để đập tan xiềng xích, giành độc lập, tự do, tiến đến đỉnh cao thắng lợi huy hoàng năm 1954 ở Điện Biên Phủ. Cha anh chúng ta, dù bị địch giam cầm trong địa ngục ngỡ không còn đường về, đã đoàn kết, thương yêu nhau, dành cho nhau từng cơ hội sống dù là nhỏ nhất, để thoát ra, để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Gần 8 thập kỷ trôi qua, trời đất xoay vần, lịch sử biến động, biết bao lớp người “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” (thơ Trần Thế Tuyển), nhưng nơi đây vẫn còn nguyên dấu vết của người chiến sĩ kiên trung bị địch chặt đầu bêu trước cửa nhà ngục! Lư hương nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh chưa lúc nào lạnh khói nhang! Những cánh cửa sắt và ổ khóa xà lim vẫn nghiến vào bản lề âm thanh khô khốc. Và, cây đào Tô Hiệu mỗi mùa xuân đến vẫn không quên bung nụ đơm bông...

Hiển linh hội tụ

Dọc Quốc lộ 6 từ Sơn La lên Điện Biên, mùa đông phả lạnh bằng những ngọn heo may buốt mái nhà sàn, len lỏi vào tận tán lá, kẽ mầm của những khu vườn đào, cam, mơ, mận... và cả vị đắng ngọt đặc trưng nơi đĩa rau cải mèo của người em gái bản Mông. Nhà tù Sơn La và điểm cao A1, hai hình ảnh đối sánh, hai hoàn cảnh cách mạng nối với nhau bằng tháng năm kháng chiến trường kỳ. Từ địa ngục trần gian đến đỉnh cao quyết chiến quyết thắng, cuộc hành trình của ý chí chiến đấu, chiến thắng và khát vọng độc lập, tự do được soi lối, dẫn đường bằng ánh sáng của Đảng, Bác Hồ. Hai địa danh nổi tiếng ở núi rừng Tây Bắc là hai dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trên hành trình về nguồn, chúng tôi được sống cùng lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đón nhận nguồn sức mạnh, niềm tin từ linh khí non sông. Hàng nghìn ngôi mộ chưa xác định được thông tin liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ A1 đã nói lên tính chất khốc liệt và những mất mát, hy sinh không gì bù đắp nổi của con đường đi đến đỉnh cao chiến thắng. Bát hương trước mộ các anh mỗi ngày lại dày thêm chân nhang! Tàn nhang cong tụ thành hình búp sen mãi mãi tuổi thanh xuân! Khói nhang thăng thiên hòa cùng mây trời phủ trắng đỉnh đồi! Và trên trập trùng núi cao, mỗi mùa xuân đến, hoa ban lại nở trắng trời như lời hẹn ước. Trên đường bản cao xuống chợ, "hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng"...

Chúng tôi đứng lặng bên miệng hố bộc phá năm xưa sát đỉnh đồi A1, nơi phát ra tiếng nổ rung chấn cả ngọn đồi, tiếng nổ thúc dồn lệnh tổng tiến công, tiếng nổ báo hiệu ngày tàn của thực dân Pháp, tiếng nổ âm âm lòng đất, âm âm trong dòng chảy thời gian vọng lại hôm nay, vọng đến mai sau... Thanh âm từ lớp lớp trầm tích đất đai như đang vọng về, hòa trong bản nhạc hào hùng "Giải phóng Điện Biên", hòa trong muôn tiếng chim ca và tiếng cỏ cây cựa mầm vượt rét, chuẩn bị cho mùa xuân nảy lộc, đâm chồi...

Chúng tôi bước lên từng bậc thang, đi theo nhịp cầu dích dắc mô phỏng cấu trúc giao thông hào của chiến sĩ Điện Biên năm xưa vào Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng tôi vái lạy anh linh các anh hùng liệt sĩ, trong ngan ngát khói hương, hiển linh hội tụ giữa bao la trời đất...

Chúng tôi đứng trang nghiêm bên gian trưng bày Báo QĐND trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 33 số báo đặc biệt của tờ báo chiến sĩ xuất bản ngay tại Mặt trận Điện Biên Phủ, từng tin, bài, từng bức ảnh, nét vẽ, từng chữ, từng câu... vẫn rực lên hào khí quyết chiến quyết thắng, ngỡ như vừa mới xuất bản hôm qua.

Trở lại công trình đang dần hoàn thiện dưới chân núi mướt xanh cây rừng, lòng chúng tôi ấm lên giữa tiết trời se lạnh! Kể từ đây, trong “lòng chảo” Điện Biên Phủ, nơi lịch sử cô đặc những giá trị trường tồn, đã có thêm dấu ấn mới của tờ báo chiến sĩ, tờ báo mang niềm vinh dự vẻ vang, đồng hành với chiến sĩ Điện Biên trên hành trình vươn tới đỉnh cao thắng lợi huy hoàng!

Rời Tây Bắc về xuôi, thời gian làm đầy thêm cảm thức! Trong không gian bảo tồn các giá trị lịch sử từ nhà tù Sơn La đến điểm cao A1, từ những thứ giản dị nhất của gạch đá, cỏ hoa cũng ẩn chứa thông điệp anh hùng. Những điều vĩ đại được ươm mầm, hun đúc từ những điều giản dị như thế! Đất nước mở hội đón chào xuân mới. Áp vào lịch sử, nghe tiếng vọng từ hào khí ông cha, lại thấy hiển linh hội tụ trên con tàu Tổ quốc, thênh thênh biển lớn hùng cường...

Ký của PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-quy-mao-2023/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-quy-mao/tu-nha-tu-son-la-den-diem-cao-a1-716956