Từ vụ đầu độc bằng Xyanua: Người bán có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Những vụ án đầu độc bằng Xyanua, nghi bằng Xyanua đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính nguy hiểm khi chất cực độc này bị lạm dụng cũng như việc kiểm soát, quản lý trong quá trình kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện này.

Người bán Xyannua cho nghi phạm giết người có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Người bán Xyannua cho nghi phạm giết người có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Xyannua có được phép mua bán không?

Vì đây là chất cực độc nên việc mua bán loại chất này phải đáp ứng các điều kiện quy định. Luật Hóa chất năm 2007 và Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-VPQH ngày 2-8-2023 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Hóa chất có quy định rõ về việc mua bán chất Xyanua. Theo đó, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải có giấy phép mới được kinh doanh. Còn đối với bên mua, khi đến mua Xyanua phải có giấy giới thiệu, có công văn, nói rõ việc mua bán, sử dụng vào mục đích gì.

Điều 18 Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định về hóa chất cấm như sau:

Hóa chất cấm

"1. Danh mục hóa chất cấm được ban hành tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này.

2. Trong trường hợp đặc biệt để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm thực hiện theo quy định tại Điều 19 của Luật hóa chất và quy định của Chính phủ."

Đồng thời, căn cứ theo Chương I Quy trình công nghệ tiêu hủy hoặc tái sử dụng chất độc Xyanua ban hành kèm theo Quyết định 1971/1999/QĐ-BKHCNMT quy định như sau:

MỞ ĐẦU

"Axit xyanhydric và các muối xyanua tan của nó là chất độc rất mạnh, chỉ cần lượng chừng 50 mg là có thể giết chết một người. Tuy nhiên các muối kim loại của Axit xyanhydric lại có vai trò rất lớn trong nhiều ngành công nghiệp:

- Công nghiệp mạ vàng, bạc, đồng hoặc các kim loại khác.

- Công nghiệp khai thác vàng-lấy vàng bằng phương pháp xyanua hóa.

- Công nghiệp sản xuất các pigmen mầu dùng cho ngành công nghiệp sơn, bột vẽ, dệt nhuộm cần các muối xyanua làm nguyên liệu.

- Công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu: xyanit canxi để diệt rệp và côn trùng trong nhà ở.

Trong y dược, axit xyanhydric được dùng ở dạng muối như Hg(CN)2 hay ở thể kết hợp như nước anh đào với tỷ lệ 1% HCN.

Xyanua là một chất loại cực độc nhưng nó lại được sử dụng phổ biến trong sản xuất, vì vậy nếu không có những quy chế chặt chẽ và có tính khả thi trong các khâu nhập khẩu, lưu thông phân phối, bảo quản, sử dụng và kiểm soát ô nhiễm, xyanua có thể gây tác hại lớn cho môi trường và sức khỏe con người."

Theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì Xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, cá nhân, tổ chức muốn bán Xyanua thì cần phải tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất 2007, Nghị định 113/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

Chất Xyanua cũng là một trong những chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 82/2022/NĐ-CP).

Cá nhân muốn sử dụng chất độc Xyanua này có thể mua tại các cửa hàng nơi cá nhân, tổ chức kinh doanh hóa chất hoặc cũng có thể đặt mua Xyanua online.

Người bán Xyanua có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo quy định nêu trên thì cá nhân, tổ chức muốn bán Xyanua thì cần phải tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất 2007, Nghị định 113/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tùy vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm mà người bán Xyanua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự một số tội như sau:

1. Căn cứ Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức."

Như vậy, theo quy định trên thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Như vậy, mặc dù cá nhân muốn bán Xyanua thì cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng nếu bán Xyanua cho người mua nhằm mục đích giết người thì có thể là đồng phạm tội giết người trong vai trò người giúp sức (trong trường hợp biết rõ người mua Xyanua để giết người).

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó. (Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015).

2. Căn cứ theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc

"1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

b) Làm chết 03 người trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, trong trường hợp bán Xyanua trái phép thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 113 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm tù hoặc mức cao nhất là tù chung thân tùy vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

3. Tùy vào mức độ, hành vi vi phạm mà người bán xyanua có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 71/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Vi phạm quy định về Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc

"1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc không có xác nhận của bên mua hoặc bên bán;

b) Không có đầy đủ các thông tin theo quy định đối với mỗi Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc: Tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua hoặc người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua hoặc bên bán; ngày giao hàng.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ mỗi Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc theo quy định đối với hóa chất độc.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hóa chất độc không có Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc."

Như vậy, trường hợp người bán Xyanua thực hiện việc kiểm soát phiếu mua, bán hóa chất độc không đúng quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.

Trường hợp người bán Xyanua có bị xử lý hay không sẽ căn cứ theo mức độ hành vi vi phạm để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giết người bằng chất Xyanua thì cá nhân bị phạt bao nhiêu năm tù?

Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Tội giết người

"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."

Như vậy, giết người bằng chất Xyanua (giết 02 người trở lên) cá nhân có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Đoàn Trang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tu-vu-dau-doc-bang-xyanua-nguoi-ban-co-phai-chiu-trach-nhiem-hinh-su-179241026101419413.htm