Tuần giảm mạnh của USD
Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt hơn dự kiến là tin xấu với USD. Nhưng đồng bạc xanh suy yếu đã giúp euro, bảng Anh, chứng khoán Mỹ và vàng hưởng lợi.
Một sự kiện quan trọng đã tác động đến đồng USD trong tuần này. Đó là báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ. Trong vòng một tuần, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - đã lao dốc từ hơn 111 điểm xuống 106,4 điểm.
Đồng USD yếu đi giúp giá euro đã vượt ngưỡng 1 USD đổi 1 euro. Tỷ giá GBP/USD cũng tăng lên mức 1,18329 USD trên mỗi bảng Anh. Đồng tiền của New Zealand và Australia đều tăng giá trị so với USD.
Chứng khoán Mỹ và thị trường vàng cũng hưởng lợi. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng thêm 32,49 điểm lên 33.747 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong gần 3 tháng. Chỉ số Nasdaq đạt 11.323 điểm, còn chỉ số S&P 500 tiến sát ngưỡng 4.000 điểm.
Tin xấu với đồng USD
Trong một tuần qua, giá kim loại quý cũng bật tăng từ 1.677 USD/ounce lên 1.771 USD/ounce, lần lượt xuyên thủng các mốc quan trọng 1.700 USD/ounce và 1.771 USD/ounce.
Báo cáo lạm phát tháng 10 khiến đà tăng của đồng bạc xanh chững lại. Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến. Mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là 0,4% và 7,7%, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.
"Báo cáo lạm phát tháng 10 là dấu hiệu tốt, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đi đúng hướng trong cuộc chiến lạm phát", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
Dường như đồng USD đã bị giáng đòn mạnh sau khi báo cáo được công bố
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Dường như đồng USD đã bị giáng đòn mạnh sau khi báo cáo được công bố", ông nhận định. Bởi việc lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến có thể cho phép ngân hàng trung ương Mỹ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách quan trọng diễn ra vào tháng 12.
"Thị trường tin rằng Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 xuống còn 0,5 điểm phần trăm, và kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tháng 3", ông Moya nói thêm.
Kể từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Bất chấp những tuyên bố "diều hâu" của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo hôm 2/11, ngân hàng trung ương Mỹ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu. Cơ quan này sẽ đưa ra các chính sách dựa trên tình hình của thị trường việc làm, lạm phát, chi tiêu tiêu dùng và một loạt yếu tố khác.
Thêm vào đó, cũng trong cuộc họp báo hôm 2/11, Chủ tịch Powell cho rằng sẽ đến lúc phải giảm tốc độ tăng lãi suất. "Chúng ta đang đi tới thời điểm đó. Nó có thể xảy ra vào ngay cuộc họp tiếp theo, hoặc cuộc họp sau đó", ông nói thêm.
Chứng khoán, vàng hưởng lợi
Việc Fed mạnh tay tăng lãi suất đã thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên đè nặng lên các tiền tệ khác như bảng Anh, euro, yen Nhật, những tài sản rủi ro gồm cổ phiếu và tiền mã hóa, các thị trường hàng hóa (dầu, vàng...).
Chẳng hạn, trong trường hợp của kim loại quý, lãi suất chuẩn tăng cao thúc đẩy đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi, vốn không được trả lãi. Điều này đồng nghĩa rằng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên, khiến lực bán lấn át lực mua trên thị trường kim loại quý.
Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc số USD cần để mua một ounce vàng giảm đi.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư có thể đã ăn mừng quá sớm. "Đó là một bước tiến đáng mừng về mặt số liệu", ông Michael Arone - Trưởng chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors - bình luận.
"Nhưng các nhà đầu tư vẫn quá cả tin, quá mong ngóng rằng Fed sẽ nhẹ tay hơn. Tôi cho rằng điều đó không sớm xảy ra. Vì vậy, phản ứng của thị trường dường như hơi thái quá", ông nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuan-giam-manh-cua-usd-post1374638.html