Tuyển lao động từ trường ĐH: Doanh nghiệp quốc tế trả phí, trong nước thì không

Hiện nay, việc tạo nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập hay tư thục đều gặp khó khăn.

Thực tế hiện nay, nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào học phí (chiếm đến 80-90% tổng nguồn thu).

Trong khi đó, các nguồn thu khác như nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp (nguồn thu vốn chiếm phần trăm cao trong tổng thu của nhiều trường đại học phương tây) vẫn chưa được chú trọng.

Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho biết, hiện việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp của các trường chỉ giúp được việc thực hành, thực tập cho sinh viên, rất khó để các doanh nghiệp đặt hàng dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ với trường đại học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho hay, hiện nay, việc tạo nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập hay tư thục đều gặp khó khăn, thậm chí các trường đại học tư thục còn khó khăn hơn trường đại học công lập.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Miền Đông trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Miền Đông trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Song, để thực tốt công tác nghiên cứu và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu xã hội thì hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ nghiên cứu rất quan trọng, nhất là cơ sở vật chất ban đầu.

Trên thực tế, các trường đại học công lập kể cả những trường đại học công lập tự chủ đều có các cơ sở vật chất ban đầu do được nhà nước đầu tư.

Trong khi đó, rất ít trường đại học tư thục có khả năng đầu tư cơ sở vật chất ban đầu phục vụ cho công tác nghiên cứu, các cơ sở vật chất lớn, hiện đại mà chủ yếu mới dừng lại ở việc phục vụ giảng dạy, trừ một số trường đại học tư thục thuộc doanh nghiệp.

Mặt khác, theo thầy Song, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn chưa chú trọng vào phát triển công nghệ (Research and Development) nên không đặt hàng các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ ở trường đại học. Còn những doanh nghiệp tốp đầu trong nước cũng đều đã có bộ phận phát triển công nghệ riêng.

Hơn nữa, hầu như cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện tập trung nhiều vào việc giảng dạy, chưa chú trọng vào công tác nghiên cứu. Do đó, nhiều trường vẫn có chiến lược phát triển là nguồn thu phụ thuộc vào học phí với cách thức là tăng số lượng sinh viên thì nguồn thu mới tăng.

“Tôi rất ngạc nhiên khi các cơ sở giáo dục đại học lớn đang ngày càng tăng mạnh số lượng chỉ tiêu tuyển sinh.

Khi số lượng người học ngày càng gia tăng mạnh mẽ, tất yếu các giảng viên nhà trường phải tập trung vào việc giảng dạy nhiều hơn, ít có thời gian để thực hiện công tác nghiên cứu”, thầy Song chia sẻ.

Cũng theo thầy Song, đội ngũ giảng viên tại nhiều trường đại học hiện nay vẫn chưa tiệm cận được với quốc tế về năng lực nghiên cứu.

Do vậy, đối với những cơ sở giáo dục đại học có định hướng phát triển nghiên cứu cần phải có quy định giảm thời gian giảng dạy. Từ đó, giảng viên mới có thêm thời gian để chú trọng hơn trong công tác nghiên cứu, mới tạo được sản phẩm nghiên cứu chất lượng, thu hút được đặt hàng từ các doanh nghiệp, tổ chức.

Mặt khác, thầy Song cho biết thêm, hiện nay, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ các đề tài được phân bổ bởi nguồn ngân sách nhà nước.

Cũng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) bày tỏ, nguồn thu từ việc hợp tác doanh nghiệp của trường chủ yếu đến từ việc cung ứng nguồn nhân lực cho các đối tác là doanh nghiệp quốc tế chứ chưa có nguồn thu từ việc đặt hàng nghiên cứu khoa học.

Theo đó, khi tuyển dụng lao động từ người học của nhà trường, các doanh nghiệp quốc tế sẽ chi trả cho trường những khoản phí tương ứng. Còn các doanh nghiệp trong nước mới dừng lại ở vịec giúp cho sinh viên của trường thực hành, thực tập chứ chưa chú trọng trong hợp tác để tạo nguồn thu cho trường đại học.

Hơn nữa, nếu thực hiện những dự án nghiên cứu khoa học, họ sẽ thường thuê những cá nhân hay các nhóm nghiên cứu độc lập để chi phí rẻ hơn thay vì đặt hàng các tổ chức như trường đại học. Như tại Trường Đại học Đông Á cũng có giảng viên làm việc ở các nhóm nghiên cứu độc lập bên ngoài được doanh nghiệp đặt hàng những dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Thầy Tuấn cũng cho rằng, trên thực tế, các trường đại học công lập có thương hiệu, lâu đời sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc tạo ra nguồn thu từ việc các doanh nghiệp đặt hàng các dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ so với các trường đại học tư thục.

Khánh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tuyen-lao-dong-tu-truong-dh-doanh-nghiep-quoc-te-tra-phi-trong-nuoc-thi-khong-post237964.gd