Tuyến metro số 1: Giải quyết khiếu nại của nhà thầu bằng Trung tâm trọng tài

Hàng loạt vấn đề như điều chỉnh thời gian thi công, đội vốn, khiếu nại của nhà thầu… đang khiến dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chưa thể hoàn thành dù khối lượng tổng thể hiện đã đạt tới 98,31%.

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM, chủ đầu tư) cho biết: Đối với tuyến metro số 1, việc khiếu nại xảy ở tất cả các gói thầu trong suốt quá trình triển khai thực hiện từ trước đến nay.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đoạn trên cao.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đoạn trên cao.

Theo trình tự được quy định trong hợp đồng, Tư vấn chung với vai trò đại diện chủ đầu tư và kỹ sư sẽ đánh giá các khiếu nại của nhà thầu về tính hợp lý và chi phí. Hiện nay, đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được Tư vấn chung bác bỏ do không có đủ căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp không hài lòng, theo hợp đồng thì nhà thầu có quyền đề nghị thành lập Ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị Trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng cho các nội dung khiếu nại.

Đối với những khiếu nại mà nội dung chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết theo quy định hợp đồng thông qua Trung tâm trọng tài để xem xét. Gần đây, Ban quản lý đường sắt đô thị và nhà thầu đang bàn bạc thêm một giải pháp giải quyết thông qua Ban xử lý tranh chấp (DAB).

“Việc giải quyết các khiếu nại luôn diễn ra song song với quá trình thực hiện dự án. Do đó công tác thi công vẫn được thực hiện theo tiến độ thống nhất với phía các nhà thầu và tư vấn của Nhật Bản”, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định.

Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) được thành lập vào ngày 28/4/1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương thành lập năm 1963 và Hội đồng Trọng tài Hàng hải thành lập năm 1964), hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Đây cũng chính là Trung tâm trọng tài được quy định trong các hợp đồng của dự án metro số 1 để giải quyết các vấn đề không thống nhất giữa các bên tham gia hợp đồng. (Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM)

Trước đó ngày 27/5/2024 Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM có Văn bản số 1476 gửi Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trong giai đoạn cuối của dự án vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu liên quan đến đào tạo, chạy thử, vận hành; đề xuất dự thảo và tiến đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng 5 năm cho công tác vận hành và bảo dưỡng; những điều kiện, đòi hỏi của nhà thầu Hitachi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; thỏa thuận vay VN22-P1…

Đáng chú ý là khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp của các nhà thầu khi có 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính với 300 khiếu nại có tổng giá trị khiếu nại hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh (hơn 43.757 tỷ đồng). Trong đó, riêng nhà thầu Hitachi đã đơn phương yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án với chi phí gần 4.000 tỷ đồng.

Dự án metro số 1 do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ, Hitachi là nhà thầu chính. Năm 2006 dự án được phê duyệt vốn đầu tư ban đầu là 17.000 tỷ đồng, về sau duyệt điều chỉnh hơn 43.757 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA từ JICA là hơn 38.265 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.

Về quy mô, tuyến metro số 1 dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km); gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động... Về lộ trình, tuyến mero số 1 đi qua địa bàn các quận 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và thành phố Dĩ An (Bình Dương).

Về thời gian thi công, tuyến metro số 1 được thực hiện từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2018. Sau đó lần lượt dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành vào quý 4/2021, quý 4/2022, quý 4/2023. Lần gần nhất, dự án được lùi thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Sau đó, dự án lại được thông báo sẽ hoàn thành thi công và đưa vào vận hành trong năm 2024.

Tuyến metro số 1 hiện đang đối mặt với nhiều khiếu nại của nhà thầu Hitachi.

Tuyến metro số 1 hiện đang đối mặt với nhiều khiếu nại của nhà thầu Hitachi.

Trong khi đó, về tiến độ thực hiện, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Tổng khối lượng toàn dự án hiện đạt 98,31%. Trong đó gói thầu CP 1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,99%, gói thầu CP 1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,96%, gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 99,27%, gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe đường ra và bảo dưỡng) đạt 96,53%.

Trong tháng 6/2024 này, chủ đầu tư và các nhà thầu sẽ bàn giao trước 2 đoàn tàu và thiết bị cho Tư vấn chung NJPT; hoàn thành các gói thầu thi công kết cấu hạ tầng (CPla, CP1b, CP2 – trừ cầu bộ hành), tiếp tục tiến hành hoàn thành gói thầu CP3; tiếp tục tiến hành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, chuần bị nghiệm thu hoàn thành dự án.

Từ tháng 6 - 8/2024 sẽ tiếp tục công tác thi công hoàn thiện cầu bộ hành; tháng 7/2024 hoàn thành công tác thứ nghiệm tích hợp; tháng 6 - 11/2024 tiếp tục thực hiện và hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; tiếp tục hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định dự án.

Từ tháng 7/2024 - 11/2024 sẽ tiếp tục phối hợp với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục công việc; từ tháng 8 - 9/2024 sẽ rà soát kết quả đánh giá toàn hệ thống đối với dự án. Trong tháng 10/2024 sẽ rà soát kết quá đánh giá an toàn hệ thống dự án; tháng 10 - 11/2024 sẽ tiến hành vận hành thử nghiệm; trong quý IV/2024 sẽ thực hiện công tác nghiệm thu và tiến hành vận hành thương mại toàn tuyến.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tuyen-metro-so-1-giai-quyet-khieu-nai-cua-nha-thau-bang-trung-tam-trong-tai-172536.html