Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong chiến tranh
Trong chiến dịch đông xuân 1965 - 1966, toàn tỉnh đã gieo cấy 16.250,5 ha cây lương thực, huy động 417.795 ngày công làm thủy lợi, khởi công xây dựng 19 công trình trung thủy nông. Nhân dân đã sử dụng rộng rãi phân hóa học, vôi để chăm sóc lúa và cải tạo đất, gây hơn 100 ha bèo hoa dâu, mở rộng diện tích lúa cấy thẳng hàng và ruộng tăng sản... Xây dựng 3 hợp tác xã cơ khí ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn; thí điểm xây dựng các điểm cơ khí nhỏ tại ba xã: Hưng Thành (Yên Sơn), Lâm Sơn, Lâm Xuyên, Tam Đa (Sơn Dương).
Năm 1967, tỉnh được tặng Cờ luân lưu cho đơn vị có phong trào làm thủy lợi khá nhất miền núi. Đồng chí Bàn Hồng Tiên - một đảng viên người Dao, nhiều năm liền làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Đồng Vàng (Chiêm Hóa) có nhiều thành tích trong làm thủy lợi, quản lý hợp tác xã đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Các hợp tác xã đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất cây trồng, sử dụng giống lúa mới, thực hiện cấy thẳng, đúng thời vụ. Hệ số sử dụng đất tăng từ 1,44 lần lên 1,49 lần/năm, có 5 xã và 21 hợp tác xã đạt Bảng vàng 5 tấn. Năm 1967, địch bắn phá ác liệt nhất, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt thành tích cao nhất so với các năm trước: Sản lượng lương thực đạt 78.873 tấn, tăng 11% so với năm 1964, năng suất lúa bình quân đạt 21,7 tạ/ha; toàn tỉnh có trên 100 cơ sở chăn nuôi lợn, bò tập thể, bình quân 1ha gieo trồng có 2 con lợn, 1,3 con trâu.