Tuyển sinh Đại học 2022: Những lưu ý quan trọng mà hội teen 2K4 cần ghi nhớ ngay từ giờ!
Học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, teen 2K4 cần lưu ý những hình thức xét tuyển và cột mốc quan trọng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, tránh trường hợp 'nước đến chân rồi mới nhảy' để rồi phải lỡ mất vô vàn cơ hội trúng tuyển đại học ngay trước mắt.
Thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 và 2021. Nội dung đề thi thay đổi, điểm chuẩn tăng vọt khiến cho nhiều thí sinh rơi vào tình trạng dù điểm cao nhưng vẫn không đậu vào trường mà bản thân mong muốn.
Để mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhiều trường đại học đã đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển khác như: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi Đánh giá Năng lực của Đại học Quốc gia... Tuy nhiên, vì chủ quan nên nhiều bạn đã lỡ mất các cơ hội này, để rồi phải "nhắm mắt" học một ngành mà mình không thích. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, teen 2K4 cần lưu ý các hình thức xét tuyển để không bỏ lỡ các cơ hội vào đại học.
Xét học bạ
Ngoài phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhiều trường đại học cũng mở rộng cho thí sinh thêm một cánh cửa mới mang tên xét học bạ. Phương thức này thường được chia thành nhiều cách tính điểm, ví dụ như:
+ Xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn;
+ Xét tuyển dựa vào kết quả học tập 3 năm lớp 10, 11, 12;
+ Xét tổng điểm 5 học kỳ.
Ngoài ra, tùy thuộc vào các trường và ngành học mà có thể sẽ xét thêm các tiêu chí như: Học lực lớp 12 xếp loại Giỏi, điểm xét tốt nghiệp THPT phải đạt mức tối thiếu mà trường/ ngành đưa ra.
Các mốc xét tuyển học bạ thường được xác định ngay sau khi học kỳ 2 kết thúc, một số trường nhận học bạ ngay sau khi kết thúc học kỳ 1. Teen cần thường xuyên theo dõi các thông tin từ phía trường đại học để nắm được chính xác thời gian.
Kỳ thi Đánh giá Năng lực (ĐGNL)
Đây là một kỳ thi được tổ chức bởi Đại học Quốc gia nhằm đa dạng hóa hình thức tuyển sinh. Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi sẽ phải làm một bài thi tổ hợp gồm nhiều môn với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 150 phút. Nhiều trường đại học phía Nam đã dùng kết quả của kỳ thi này để tăng thêm phương thức xét tuyển đại học cho thí sinh, mở rộng cơ hội trúng tuyển.
Thông thường, kỳ thi sẽ được chia thành 2 đợt, 1 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia (thường diễn ra vào tháng 3) và 1 đợt sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên 2 năm qua, ĐHQG-HCM chỉ tổ chức mỗi năm một đợt thi.
Ngoài kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM, một số đại học cũng đã tổ chức kỳ thi Đánh giá Năng lực riêng như Đại học Quốc gia Hà Nội (dùng để xét tuyển vào các trường thành viên), trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Quốc tế,...
Xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế
Những năm gần đây, số lượng các trường đại học xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOFLE, SAT... tăng cao. Đây cũng là một trong những cánh cửa giúp thí sinh dễ dàng trúng tuyển vào ngành học yêu thích mà không cần phải quá phụ thuộc vào điểm thi đại học. Tùy vào mỗi trường sẽ có mức điểm và thời gian xét tuyển khác nhau.