Tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM: Học sinh chịu áp lực lớn do thiếu trường lớp?
Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, tình trạng thiếu trường, lớp, nhất là các các trường công lập ở TPHCM vẫn chưa được khắc phục. Điều này dẫn đến áp lực vào học trường công lập của học sinh tăng cao, khiến cho việc tuyển sinh đầu cấp lớp 10 công lập trở nên căng thẳng.
Quỹ đất eo hẹp
Tại TPHCM, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2024 đã diễn ra, cho thấy một “cuộc đua” gay gắt của học sinh để có được suất vào trường THPT công lập. Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, năm nay, TPHCM có hơn 116.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó 98.600 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập (tăng khoảng 2.300 em so với năm ngoái).
Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu của 113 trường THPT công lập ở TPHCM chỉ 71.020. Như vậy, hơn 25.000 học sinh không đậu vào trường công phải theo học ở các trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trường THPT tư thục…
Chia sẻ với KTSG Online, hiệu trưởng của một trường THCS ở quận 5 đánh giá, những năm gần đây, kỳ thi lớp 10 đang gây áp lực cho học sinh và phụ huynh. Ngày xưa, tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 công lập là khoảng 80%, thậm chí là nhiều hơn nhưng hiện tỷ lệ này chỉ còn trên dưới 70%. Điều này nghĩa là cứ 10 thí sinh dự thi, có 3 người rớt công lập. Xu hướng ra đề thi cũng khó hơn nên học sinh phải học rất nhiều. Các em phải học từ lớp chính khóa đến luyện thi ở trường, trung tâm để có cơ hội đậu vào trường công lập.
Một trong những nguyên nhân của áp lực này là do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập. Đa số phụ huynh đều muốn con theo học ở trường học công lập. Bởi chất lượng giáo dục của các trường này đã được khẳng định; đồng thời chi phí học tập cũng phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn các gia đình.
Theo Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, các năm qua, việc tăng dân số cơ học trên địa bàn khá cao khiến tình trạng thiếu trường lớp càng trở nên trầm trọng. Bình quân mỗi năm số học sinh tăng thêm các cấp học khoảng 25.000 học sinh. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Điều này làm hạn chế công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Tình trạng thiếu trường lớp dẫn đến căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp không chỉ xảy ra ở TPHCM, mà còn là thực trạng của nhiều thành phố đông dân hiện nay của nước ta. Giải pháp lâu dài được đề xuất vẫn là xây dựng thêm trường lớp, tăng biên chế và ngân sách đầu tư cho giáo dục.
Tại TPHCM, ngành giáo dục thành phố đã nỗ lực triển khai các dự án xây dựng trường học nhưng vẫn gặp một số “điểm nghẽn”. Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn thành phố ngày càng hạn chế. Thực tế rất nhiều dự án xây dựng trường học hiện nay gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Ngoài ra, quá trình triển khai Thông tư số 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học cũng gặp bất cập; một trong số đó là quy định về diện tích đất bình quân/học sinh. Cụ thể quy định diện tích đất bình quân tối thiểu cho một học sinh là 10m2 (bậc mầm non), 8m2 (bậc tiểu học, THCS), 10m2 (bậc THPT) là cao.
“Với định mức khá cao cùng điều kiện đặc thù của TPHCM đã tạo không ít khó khăn trong công tác xây dựng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, đặc biệt là các khu vực trong nội thành”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết.
Gỡ vướng xây dựng trường
Trước bất cập trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã tham mưu với UBND TPHCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh Thông tư 13. Theo đó, Sở kiến nghị cho phép TPHCM được tính trên diện tích sàn xây dựng/học sinh trong khu vực đô thị không có quỹ đất, không phải tính diện tích đất/học sinh như hiện nay.
Cũng theo ông Lê Ngọc Điệp, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… khi xây dựng trường, không nên tính diện tích mặt bằng, mà nên tính diện tích sàn xây dựng. Bởi nếu tính diện tích sàn xây dựng, các quận nội thành như 1, 3, 5, 10 mới có thể xây cao lên. Còn nếu tính diện tích mặt bằng thì khó đạt chuẩn.
Thực tế đã chứng minh, việc nâng số tầng của trường học là đúng đắn, hướng đi để giải quyết bài toán thiếu phòng học ở các thành phố lớn. “Trong khi các trường học không cho xây cao lên, đồng nghĩa sĩ số lớp sẽ đông đúc. Ở các nước trên thế giới, hầu hết cho phép xây trường học cao tầng, trung bình từ 7-8 tầng. Vấn đề do mình thiết kế như thế nào, không phải diện tích quyết định việc giáo dục học sinh”, ông Điệp nói.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tiêu chí riêng đối với những thành phố đông dân như TPHCM và Hà Nội. Nếu quy định áp dụng chung cho tất cả các tỉnh, thành phố thì không phù hợp.
Về kế hoạch xây dựng trường lớp, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025 (tăng 3.537 phòng học so với hiện tại).
Dự kiến mục tiêu đến năm 2025, TPHCM có 7 dự án trường THPT được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu chỗ học cho trẻ trong độ tuổi đến trường. Cụ thể mỗi quận đều có 1 dự án xây trường mới là quận 11, Gò Vấp, Bình Tân. Riêng thành phố Thủ Đức và quận 12 có tổng cộng 4 dự án xây mới. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Cùng với đó giúp giảm áp lực tuyển sinh tại các khu vực như quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức và các khu vực lân cận.
Trong năm học 2023-2024 vừa qua, ngành giáo dục TPHCM đã đưa vào sử dụng 48 trường học. Tổng số phòng học xây mới là 512, tăng 367 phòng so với trước đó. Đa số các trường học mới được đưa vào sử dụng tập trung ở các quận 5, 10, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức.