Tuyên truyền để Nhân dân thay đổi dần các thói quen 'xấu'

Về những vấn đề đặt ra trong duy trì xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP) và xây dựng nâng cao, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với các ông: Hà Văn Giáp, quyền Chánh Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh; Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thọ Xuân; Mai Hữu Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Yên (Nga Sơn).

Ông Hà Văn Giáp: Khó ở đây là địa phương có thực hiện duy trì thường xuyên, liên tục không

- Nhìn nhận, đánh giá của ông về duy trì xã đạt tiêu chí ATTP và xây dựng nâng cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- Nhìn nhận, đánh giá của ông về duy trì xã đạt tiêu chí ATTP và xây dựng nâng cao trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- Qua công tác kiểm tra duy trì xã đạt tiêu chí ATTP và thẩm định nâng cao tại một số địa phương, tôi cho rằng công tác duy trì và xây dựng nâng cao luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thể hiện: Các chỉ tiêu về ATTP luôn được xác định là chỉ tiêu cứng trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác tập huấn, hướng dẫn cho chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm được duy trì cập nhật kiến thức ít nhất một năm 1 lần, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho chủ cơ sở trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chất lượng, an toàn; công tác kiểm tra của cấp huyện, cấp xã được triển khai bài bản, tuy tỷ lệ xử lý vi phạm đang còn hạn chế.

- Thực tế, trong xây dựng xã ATTP nâng cao đặt ra nhiều vấn đề khó với các địa phương. Đó là vấn đề về kinh phí hỗ trợ, nhân lực… Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các tiêu chí. Ông có thể nói gì về vấn đề này?

- Đầu tiên, chúng ta cần phải thống nhất, dù không xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao, thì theo quy định tại Điều 65 Luật ATTP, UBND cấp xã cũng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bảo đảm ATTP tại địa phương.

Theo tôi, việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP nâng cao thực hiện không khó. Khó ở đây là địa phương có thực hiện duy trì thường xuyên, liên tục không.

Riêng vấn đề nhân sự. Có thể nói, đây là vấn đề then chốt, rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì tiêu chí xã ATTP và xây dựng nâng cao. Hiện nay, chúng ta chưa có công chức cấp xã chuyên trách phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP tại địa phương, mà thực hiện kiêm nhiệm. Từ năm 2018 khi triển khai xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP thì cơ bản các địa phương giao cho công chức địa chính nông nghiệp giúp UBND cấp xã tổng hợp, triển khai nhiệm vụ thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2019 khi Bộ Nội vụ có Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 6-11-2019, thì có quy định giao công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm theo dõi công tác ATTP tại địa phương. Thực hiện thông tư, nhiều địa phương đã chuyển theo dõi, tổng hợp, báo cáo cho công chức văn hóa - xã hội (chưa được tập huấn, hướng dẫn, đa số công chức tuổi đời hơi cao,…) nên đâu có những khó khăn trong thực hiện tiêu chí ATTP.

- Điều dư luận quan tâm là xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao đã thực sự an toàn?

- Như phần trên, tôi đã nói việc khó nhất của các địa phương là công tác duy trì thường xuyên liên tục các tiêu chí, đòi hỏi cán bộ phải nắm được việc, nắm được các dấu mốc để triển khai (vì hiện nay yêu cầu ban hành qua hệ thống TDOFFCIE nên không thể hồi cứu được văn bản).

Cùng nhau khẳng định lại, tiêu chí ATTP nâng cao là Bộ tiêu chí do tỉnh ta ban hành và các địa phương, nếu đạt được thì công nhận; có những tiêu chí không đạt điểm tối đa nhưng tổng điểm vẫn đạt, thì vẫn công nhận. Do đó, cho rằng xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao là an toàn thì không đúng.

Trong thời gian tới, có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng theo tôi, trọng tâm nhất vẫn là yêu cầu các địa phương thực hiện tốt 2 công tác: Tuyên truyền, tập huấn và kiểm tra. Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định. Tuyên truyền cho người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông thái hơn, tuyên truyền để Nhân dân thay đổi dần các thói quen “xấu” tạo thành thói quen “tốt” như: để riêng thực phẩm sống với thực phẩm chín, bảo quản thực phẩm..., tuyên truyền phê phán các cơ sở vi phạm; công tác kiểm tra, giúp các cơ quan Nhà nước chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm qua đó “uốn” các cơ sở thực hiện theo đúng các quy định.

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Nâng cao tiêu chí trong ATTP là nhiệm vụ hàng đầu

- Quan điểm chỉ đạo của huyện Thọ Xuân trong xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao như thế nào, thưa ông?

- Quan điểm chỉ đạo của huyện Thọ Xuân trong xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao như thế nào, thưa ông?

- Đối với Thọ Xuân, xác định nâng cao tiêu chí trong ATTP là nhiệm vụ hàng đầu. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai, thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, rút kinh nghiệm của năm 2022 thì năm 2023 UBND huyện triển khai rất sớm và xây dựng các lộ trình, kế hoạch. Mục tiêu đặt ra là 2 xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao trong năm này. Tuy nhiên, huyện cũng đặt mục tiêu thêm 1 đơn vị nữa, vượt chỉ tiêu đề ra, phấn đấu từ nay đến năm 2025, vượt trên 27% để cùng đồng hành với tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

- Thực tế, trong quá trình triển khai, thực hiện, vướng mắc, khó khăn là điều không tránh khỏi?

- Khó thì nhiều nhưng khó khăn lớn nhất đặt ra cho huyện chủ yếu là ý thức của người dân. Trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã giao cho Phòng Văn hóa, Văn phòng ATTP xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và đăng tải trên hệ thống cổng thông tin điện tử của huyện, hệ thống loa truyền thanh, để người dân biết và thực hiện.

Vì thực phẩm liên quan đến đời sống hàng ngày nên có đôi lúc người dân vẫn đang còn băn khoăn, liệu sản xuất ra như vậy đã thực sự an toàn. Về vấn đề này, huyện đã làm các bước cam kết. Nếu trường hợp kiểm tra đột xuất dẫn đến vi phạm, thu hồi giấy phép. Đối với các hộ không có giấy phép phải ký cam kết, nếu vi phạm phải đóng cửa và yêu cầu xã đăng tải thông tin lên hệ thống truyền thanh để cảnh báo cho người dân. Huyện đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh để tăng cường các bộ test nhanh, giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng thực phẩm.

Ông Mai Hữu Hoàn: Đạt tiêu chí xã ATTP nâng cao nhưng để duy trì vẫn còn nhiều cái khó

- Sau công nhận xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao, để tiếp tục duy trì thường xuyên, liên tục nội dung tiêu chí, địa phương phải làm gì, thưa ông.

- Sau công nhận xã đạt tiêu chí ATTP nâng cao, để tiếp tục duy trì thường xuyên, liên tục nội dung tiêu chí, địa phương phải làm gì, thưa ông.

- Bảo đảm ATTP được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Sau khi đạt tiêu chí ATTP nâng cao, có nhiều thuận lợi hơn đối với địa phương, cái được nhất là ý thức, trách nhiệm của người dân về vấn đề ATTP được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít. Thứ nhất là về nhân lực, không có cán bộ chuyên trách về ATTP. Thứ hai, là thiếu thốn các thiết bị chuyên dụng để kiểm tra phát hiện vi phạm về vệ sinh ATTP, nên khó khăn khi xử lý, lập biên bản vi phạm. Thứ ba là vấn đề kinh phí để thực hiện duy trì các tiêu chí. Địa phương đề nghị cấp trên có quy định về biên chế cán bộ chuyên trách (có phụ cấp) để thực hiện. Đồng thời có định hướng cung cấp đầu mối dịch vụ để địa phương có thể được cấp hoặc mua các thiết bị chuyên dụng nhằm kiểm tra phát hiện vi phạm.

Để thực hiện duy trì thường xuyên, liên tục các tiêu chí, đối với ban chỉ đạo ATTP của xã, tiếp tục bám sát nhiệm vụ, triển khai đầy đủ các văn bản về duy trì tiêu chí ATTP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP, hướng dẫn thực hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đối với các cơ sở kinh doanh sản xuất, tuân thủ nghiêm các quy định và thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực ATTP…

Việt Hoàng (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tuyen-truyen-de-nhan-dan-nbsp-thay-doi-dan-cac-thoi-quen-xau/27915.htm