Tỷ lệ giải ngân tại một số địa phương còn quá thấp
Chiều 27/5 tại Hà Nội, Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, về tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác - chủ trì.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn giải ngân đến ngày 30/4/2022 của 5 địa phương là 4.228 tỷ đồng. Trong đó Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam có tỷ lệ giải ngân dưới 15% kế hoạch giao, thấp hơn bình quân cả nước. Đây cũng là các địa phương đến nay chưa thực hiện giải ngân vốn ODA. Riêng Quảng Nam tỷ lệ giải ngân đạt 17,49% cao hơn bình quân cả nước, tỷ lệ giải ngân vốn ODA đạt 0,38%. Nguyên nhân chậm giải ngân được đưa ra phân tích nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như với các dự án có quy mô liên kết vùng. Theo đó, trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn có tính chất liên vùng, phải qua nhiều bước lấy ý kiến của nhiều cơ quan liên quan, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án.
Ông Trương Quốc Huy, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh Hà Nam; vốn NSTW trong nước giải ngân rất thấp chỉ đạt 1,27% kế hoạch; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm kỳ mới nên thủ tục, trình tự đầu tư mất rất nhiều thời gian, mỗi bước quy trình ít nhất mất tới 30-35 ngày. Đấu thầu mất tới 30 ngày, còn nếu cho phép chỉ định thầu thì rút ngắn được thời gian. Ngoài ra, giá sắt thép, xi măng ảnh hưởng rất lớn, nhà thầu càng làm càng lỗ nên họ chờ để bù giá. Cộng thêm vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, dự án giao thông có nhà dân, tìm chỗ khác thì phải giải phóng thêm lần 2 cho khu tái định cư, rồi làm hạ tầng, có khi mất tới hơn 300 ngày, gồm cả quá trình thi công và tái định cư.
Ông Huy cũng chỉ ra thêm là hiện nay tính giá đất cũng có bất cập, hiện đang được sửa đổi quy định, nhưng nếu không sớm ban hành thì tất cả các tỉnh đều tắc, nguồn vốn bố trí cuối năm nay, sang năm là khó khăn. Hiện nay có tới 2 thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường có những điểm vướng, bên dưới thực hiện không rõ.
Theo các địa phương, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công ngoài yếu tố khách quan như tăng giá nguyên vật liệu, thì gặp phải những vướng mắc trong triển khai quy trình thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo ông Trương Quốc Huy, về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A -đơn cử như tại Hà Nam có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam - đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy nhiên, Luật Đầu tư Công năm 2019 chưa có quy định đối với các dự án đang thực hiện thì cấp nào sẽ thực hiện điều chỉnh chủ trương dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. Cùng với đó là vướng mắc về cơ chế giải ngân nguồn vốn nước ngoài đối với dự án cấp phát từ NSTW gồm vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp theo hình thức ghi thu- ghi chi giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước nên chưa thể nhập dự toán trên hệ thống Tabmis để giải ngân làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 15/2022/ NĐ-CP ngày 28/1/2022 về quy định chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các nhà thầu thực hiện xuất hóa đơn nên chậm giải ngân 4 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, thiếu hụt nguồn lao động; giá nhiên, vật liệu xây dựng tăng đột biến đặc biệt là giá thép, đất, cát xây dựng tăng mạnh so với dự toán đã duyệt… dẫn đến các nhà thầu thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh giá vật tư vật liệu xây dựng; nhiều dự án đang thực hiện phải điều chỉnh dự án, biện pháp thi công do tăng tổng mức đầu tư.
Các dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; các thủ tục lựa chọn nhà thầu nên chưa khởi công, chưa được tạm ứng và chưa có khối lượng để giải ngân. Một số dự án ODA đã kết thúc Hiệp định hoặc sắp kết thúc Hiệp định đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện như chưa được gia hạn và dự án vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu do nhà tài trợ nước ngoài chậm phản hồi ý kiến nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 đoàn công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm. Tuy vậy, tình hình thực sự không được cải thiện nhiều. Số liệu vừa được bộ trưởng kiểm tra cho thấy cả nước mới ước đạt trên 22,37%.
Do vậy, trong thời gian tới cần phải thực hiện các biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, đồng thời rà soát các quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên, hải quan, y tế… để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Đặc biệt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân có đất bị thu hồi hiểu rõ chủ trương, chính sách của nhà nước về giá đất bồi thường, GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân tốt hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.