Tỷ lệ lao động thành thị thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua
Tổng cục thống kê cho biết, trong quý III/2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị là 4%. TP HCM có tỷ lệ lao động trong độ tuổi thất nghiệp cao hơn Hà Nội.
Sáng nay (6/10), Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến tình hình lao động, việc làm: người mất việc, người giảm thời gian lao động, giảm thu nhập…
Cụ thể, trong quý III/2020, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63 nghìn người so với quý trước và tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2020 là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
TP HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 4,3%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với Hà Nội (2,36%).
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ các năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý III/2020 cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,29%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Hà Nội và TP HCM khá cao, tương ứng là 9,25% và 10,47%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ người thất nghiệp vẫn ở mức cao là do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với hơn 33% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và dự kiến tỷ lệ này còn tăng trong các tháng cuối năm.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động (Tổng cục thống kê), Covid-19 tước đi cơ hội có việc làm của khoảng 1,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, lực lượng lao động đang được phục hồi để sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.