Tỷ lệ người dân tộc thiểu số 'mù chữ' chiếm 15%
Trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 6/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đồng bào dân tộc thiểu số 'mù chữ' trong đó có 'tái mù chữ' hoặc chưa từng học chữ phổ thông chiếm tới 15% tổng số người dân tộc thiểu số cả nước.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, đặt câu hỏi chất vấn
Tại phiên chất vấn chiều 6/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, nêu câu hỏi, Ủy ban Dân tộc đã có khảo sát như nào về tỷ lệ tái mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi? Đồng thời cho biết đã có phương án phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Bộ Giáo dục và Đào tạo như nào để giải quyết vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Theo thống kê, đến nay số người "mù chữ" – hay còn gọi là chưa tiếng và biết viết chữ phổ thông chiếm khoảng 15% trong tổng số người dân tộc thiểu số. Trong số đó có những người "tái mù" và những người chưa bao giờ được đi học chữ do các yếu tố khách quan.
Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là 6 nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển 6 vùng kinh tế, trong đó có nhiệm vụ phát triển giáo dục đã nêu ra vấn đề này. Và trong nhiều Nghị quyết của chính phủ và Chiến lược phát triển giáo dục cũng tiếp tục giải quyết tình trạng mù chữ.
Về bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, cho biết: Mỗi dân tộc ở nước ta đều có phong tục, tập quán và có nét văn hóa giá trị đặc trưng. Tại Nghị quyết 88/2019/QH14 đã xác định quan điểm là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Hiện nay việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng gắn với phát triển mô hình du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc của nhiều địa phương và được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm trải nghiệm, góp phần tạo ra thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống tại địa phương.
Qua đó cho thấy, việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc là hết sức quan trọng. Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua công tác giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc được thực hiện như thế nào, có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Chủ trương về bảo tồn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng. Có nhiều chính sách để thực hiện, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ để cho nghệ nhân, hỗ trợ phát triển các làng văn hóa, gìn giữ các nét đẹp phong tục tập quán lễ hội truyền thống của bà con…
Với trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, ông Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để triển khai. Đến thời điểm hiện nay còn có những vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện, cụ thể những vấn đề về chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân của đồng bào dân tộc thiểu số để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cần phải rà soát bổ sung thêm.
Cạnh đó, các chính sách hỗ trợ để xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với phong tục tập quán, chế độ, chính sách khác liên quan đến đến đến hỗ trợ cho bà con để tổ chức các hoạt động văn hóa. Qua đó, bà con có cơ hội để tự hào về bản sắc văn hóa của mình. Đặc biệt là chính bà con xây dựng ý thức để gìn giữ bản sắc văn hóa của mình.