Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao giảm 11%, hãy chủ động đi khám khi có triệu chứng
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Do ảnh hưởng của nặng nề của COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh lao tại Việt Nam giảm 11% trong 6 tháng đầu năm.
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy rằng tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất.
Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020. Con số này tương ứng với mức tử vong toàn cầu do lao vào năm 2015, một bước lùi nghiêm trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu của Hội nghị Cấp Cao Liên Hợp Quốc về Lao và Chiến lược thanh toán bệnh lao của WHO.
Tại Việt Nam, do đại dịch COVID-19, các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành y tế. Là những đơn vị có liên quan đến bệnh phổi, nên việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 là rất rõ ràng, điển hình là Bệnh viện Phổi trung ương là một trong những đơn vị đủ tiêu chuẩn để làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.
Theo PGS.TS Nguyễn Vết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, trong 6 tháng vừa qua, Chương trình Chống lao Quốc gia áp dụng nhiều biện pháp ứng phó với COVID-19, đồng thời tăng phát hiện bệnh lao, tập huấn bảo vệ bệnh viện an toàn. Đến nay, hầu hết các bệnh viện phổi chuyên khoa trên toàn quốc chưa có lây nhiễm COVID-19. Tại BV Phổi Trung ương cũng chưa để lọt ca bệnh. “Chúng ta đã nhận diện được COVID-19 cũng như nhận diện được bệnh lao. Người dân đã hiểu chống lao như thế nào thì chống COVID-19 cũng như thế”, Giám đốc BV Phổi Trung ương nói.
Do ảnh hưởng của COVID-19, số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, vì vậy, số lượng bệnh nhân lao tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát… tất cả đều không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, theo số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia, có xu hướng đã giảm mạnh (11%) so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh thành cũng đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động khi chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội, với việc đạt 44,3% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (62,72/100.000 dân) và tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 6 tháng đầu năm đạt 45,2% chỉ tiêu kế hoạch, đều là những con số rất đáng khích lệ đối với chương trinh.
Về tầm soát quản lí lao kháng đa thuốc (PMDT), trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số người được xét nghiệm Xpert MTB-Rif là 71.048, số bệnh nhân thu dung là 1.516, chỉ đạt 64,8% so với chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng 12% so với số thu nhận cùng kỳ 2019 (1.351 bệnh nhân). Tỷ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân đăng ký điều trị Q1 và Q2 năm 2018 (đánh giá trên 1.468 bệnh nhân) đạt 70%, có phần cao hơn kết quả các lô bệnh nhân thu dung năm 2016, 2017 (ở mức 68%, 69%), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với các năm 2014, 2015 (75%).
Tỷ lệ bỏ trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh: Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương cần tăng cường phát hiện chủ động, sử dụng tối đa xe XQ kỹ thuật số, phối hợp điều trị lao tiềm ẩn.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là làm thế nào phát hiện thật nhiều, thật sớm các ca bệnh lao để điều trị khỏi, làm cho nguồn lây hết đi. Thứ hai, phải phát hiện sớm hơn nữa những trường hợp nhiễm lao mà chưa phải là bệnh lao, là lao tiềm ẩn nhất có nguy cơ trở thành bệnh lao.
Từ nay đến cuối năm, Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao/HIV, đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực như phát hiện chủ động bệnh nhân lao cho các nhóm nguy cơ, cộng đồng dân cư tại các khu vực khó tiếp cận, tăng cường sàng lọc chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ, mở rộng triển khai kiểm soát lây nhiễm lao
“Chương trình Chống lao Quốc gia hy vọng trong mỗi gia đình có ít nhất 1 phụ nữ biết về bệnh lao, cách phòng chống bệnh lao, khi người trong gia đình có triệu chứng của bệnh lao thì biết khám ở đâu và được khám miễn phí”, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nói.