Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, thanh niên Trung Quốc đặt niềm tin vào... may rủi

Trong bối cảnh tình hình thị trường việc làm ngày càng khó khăn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang từng bước phục hồi yếu ớt, nhiều thanh niên Trung Quốc đã tìm thấy niềm an ủi khi mua vé số.

Sinh viên Trung Quốc tại hội chợ việc làm ở Đông Quan (tỉnh Quảng Đông) ngày 11/6. (Nguồn: VCG)

Sinh viên Trung Quốc tại hội chợ việc làm ở Đông Quan (tỉnh Quảng Đông) ngày 11/6. (Nguồn: VCG)

Trì hoãn tốt nghiệp

Trong tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp, Cassie Sun, 24 tuổi, học ngành tài chính tại một trường Đại học ở thành phố Thiên Tân phía Bắc Trung Quốc đã nộp đơn xin việc tại hơn 200 công ty và theo dõi các ứng dụng tuyển dụng “từ sáng đến tối”.

Cô chia sẻ: “Ngày đầu tiên, tôi nộp đơn cho 20 công ty và không có hồi âm. Tôi ngày càng cảm thấy lo lắng hơn và nộp đơn xin việc nhiều hơn mỗi ngày".

Mặc dù Cassie Sun đã có một số công việc bán thời gian và thực tập kể từ khi tốt nghiệp vào năm 2021, nhưng không có công việc nào liên quan đến chuyên ngành của cô.

Cassie Sun chia sẻ: "Các nhà tuyển dụng hỏi, tại sao tôi đã ra trường một năm mà vẫn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tôi cảm thấy, các công ty chỉ muốn tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp hoặc những người đã làm việc lâu năm. Tôi đang nghĩ đến vấn đề ra nước ngoài tìm việc".

Thanh niên thất nghiệp là một vấn đề "đau đầu" đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 đã ghi nhận kỷ lục mới ở mức 20,8% trong tháng 5/2023, tăng từ mức 20,4%.

Ông Fu Linghui, phát ngôn viên của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc nhận định, tình hình việc làm sẽ được cải thiện khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, có lý do thực sự để lo ngại.

Ông Sun Xin, giảng viên cao cấp tại King's College London cho hay: “Triển vọng kinh tế ở Trung Quốc rất ảm đạm. Đà phục hồi đang yếu hơn nhiều so với những gì mọi người mong đợi".

Ông Mao Xuxin, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và xã hội quốc gia ở Anh cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19. Đại dịch đã ngăn chặn việc tạo việc làm trong khi đó, sinh viên Trung Quốc lại chọn trì hoãn tốt nghiệp để học lên cấp cao hơn.

"Vì lý do này, thế hệ trẻ ngày càng khó tìm được công việc mơ ước hoặc thậm chí là công việc toàn thời gian", ông Mao nói.

Mong muốn đổi đời nhờ vé số

Trong bối cảnh tình hình thị trường việc làm ngày càng khó khăn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang từng bước phục hồi yếu ớt, nhiều thanh niên Trung Quốc đã tìm thấy niềm an ủi khi mua vé số.

Đơn cử như anh Fred Jia (28 tuổi), một nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh, đã duy trì thói quen mua vé số đều đặn ba lần một tuần, với 20 Nhân dân tệ (2,8 USD) mỗi lần.

Anh nói: “Tôi muốn giàu có và thay đổi cuộc sống nhưng công việc của tôi lại không thể mang đến sự giàu có mà tôi vẫn hằng mong muốn”.

Còn Wayne Zheng (27 tuổi) chia sẻ rằng, anh thường mua các loại thẻ cào từ năm ngoái thông qua các video trên nền tảng Bilibili của Trung Quốc. Anh này cho biết: “Tôi mua thẻ cào vì tôi thực sự muốn làm giàu chỉ sau một đêm”.

Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị vé số và thẻ cào bán được đạt kỷ lục 175,15 tỷ Nhân dân tệ (24,5 tỷ USD). Con số này cũng tăng 49,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của cơ quan trên cũng cho thấy, tất cả 31 tỉnh và các khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đều ghi nhận doanh thu bán các loại vé số và thẻ cào tăng đột biến trong thời gian qua.

Bà Dan Wang, người đứng đầu Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc nhận định: “Xổ số về cơ bản là một loại thuế đánh vào người nghèo”.

Cũng theo bà Wang, thị trường việc làm càng khắc nghiệt hơn đối với nhóm người có thu nhập thấp trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay khiến nhiều người tìm đến xổ số như một lối thoát cho chính mình.

(theo NBC News, SCMP)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ty-le-that-nghiep-ky-luc-thanh-nien-trung-quoc-dat-niem-tin-vao-may-rui-231400.html