'U' Xuân trên núi Nậm Xây

LCĐT - Sương mù bảng lảng quanh sườn núi, chốc chốc phía xa đám mây đen bất chợt kéo đến, ánh mắt lo lắng hiện rõ trên gương mặt người bạn đồng hành dù anh đã nhiều lần vượt những con dốc tương tự và có tiếng “tay lái lụa” chẳng khác gì trai bản. Ghì số 1, kéo hết tay ga, xe mới vượt qua được những đoạn đường toàn đá hộc lởm chởm, trơ ra giữa đường như thách thức người đi. Ngày cuối tuần trên con đường ngoằn ngoèo gần 20 km từ trung tâm xã Nậm Xây lên Mà Sa Phìn, chúng tôi liên tục gặp đồng bào Mông chở hàng xuống núi. Những tay lái vững vàng của người bản địa đôi lúc cũng phải dừng xe để dắt bộ. Khi ngồi trên xe hoặc lúc leo bộ, tôi đều không dám nhìn lâu xuống núi bởi những vực sâu hun hút đến rợn người.

Nhọc nhằn vỡ đất khai hoang

Mà Sa Phìn theo tiếng Quan hỏa nghĩa là bãi có gianh bằng phẳng, đó là thôn xa xôi, khó khăn nhất của huyện Văn Bàn nằm trên thượng nguồn dòng Nậm Xây Luông. Mảnh đất cao trên 1.000 m so với mực nước biển quanh năm được bao phủ bởi mây mù, mưa gió. Từ lâu, tôi đã được nghe những câu chuyện về Mà Sa Phìn, nơi được biết đến là “rốn vàng” của Văn Bàn, “thủ phủ” của “vàng tặc”. Trong vô số câu chuyện của những người đến nơi đó kể lại, tôi ấn tượng khi nghe tới một phụ nữ được gọi là “u” Xuân, người có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi vượt gần 200 km từ thành phố để gặp người phụ nữ được kể như huyền thoại của mảnh đất này.

Bà Xuân là người đầu tiên mang cây sơn tra về trồng trên đất Mà Sa Phìn.

Bà Xuân là người đầu tiên mang cây sơn tra về trồng trên đất Mà Sa Phìn.

Sau 2 giờ đồng hồ leo dốc, chúng tôi cũng đến được Mà Sa Phìn. Nơi này nhộn nhịp, náo nhiệt hơn những gì tôi nghĩ, vài chiếc xe máy thồ hàng chuẩn bị xuống núi; chiếc xe bán tải đỗ ngay đầu thôn, hình như vừa chở một số đồ thiết yếu lên đây; một nhóm học sinh nô đùa cười vui dưới cổng trường học. Nhà “u” Xuân khang trang, bề thế vừa xây ngay cạnh trường học và nhà văn hóa. Bà Cù Thị Xuân, dân tộc Kinh duy nhất định cư trên Mà Sa Phìn năm nay bước sang tuổi 64, nước da ngăm đen, giọng nói trầm. Bà tự xưng “u” và gọi chúng tôi là con. Vì thế, hầu hết người dân ở Mà Sa Phìn gọi bà với tên thân thương là “u” Xuân. Gần 50 năm sống ở Mà Sa Phìn với đồng bào Mông, bà chẳng khác người bản địa, rành mạch ngôn ngữ, phong tục, tập quán, thông thuộc mọi ngõ ngách của mảnh đất này.

Sinh ra và lớn lên ở Yên Bình, tỉnh Yên Bái, tháng 4/1974, khi đó Cù Thị Xuân 17 tuổi, lên Mà Sa Phìn rồi lập gia đình và gắn bó đến nay. Những ngày mới lên, từ trung tâm Nậm Xây lên Mà Sa Phìn chỉ là con đường mòn đi qua rừng cây, núi đá hiểm trở, dù là ngày hay đêm cũng luôn nghe tiếng rú, tiếng kêu của thú dữ, nghe đã thấy rợn người. Mảnh đất heo hút, hoang sơ chỉ có 6 hộ người Mông định cư. Ở nơi chỉ có núi đá, cỏ cây và thú dữ, đến những kiến thức canh tác đơn giản nhất bà con cũng không nắm rõ.

Trèo đèo, lội suối, phát cỏ, vỡ đất khai hoang là những công việc bà Xuân làm từ những ngày đầu lên núi. Ròng rã suốt mấy tháng trời, bà cõng con trên lưng cuốc đất làm nương, có những ngày làm thông từ sáng tới tối, mang theo nắm cơm ăn tạm buổi trưa. Đó là những ngày không chỉ đẫm mồ hôi, mà còn có cả nước mắt và máu. Thế rồi những mảnh nương, thửa ruộng cũng được hình thành. Nương ngô của bà trải dài mấy quả đồi, nước dẫn về ruộng sẵn sàng chờ cày, cấy. Nhớ lại ngày đó, bà Xuân trầm ngâm: Người dân lúc đó chỉ biết làm nương, không quen làm ruộng, thấy tôi đào đất, dẫn nước đổ vào ruộng còn trách tôi, nói tôi phá rừng, phá núi.
Thế rồi chẳng biết từ khi nào “cơn lốc” vàng kéo đến đây. Người dân bản Mông mang theo khát vọng đổi đời vào bãi vàng, người trở thành phu đào vàng cho các “bưởng vàng”, người gùi hàng thuê vào bãi kiếm tiền; có người mãi mãi nằm lại trong rừng, kẻ trở về thì thân tàn ma dại vì nghiện ma túy. Mà Sa Phìn đã nghèo, vì thế lại xác xơ hơn, lúc nào cũng u tịch như một vùng đất “chết”.

Vực dậy mảnh đất “chết”

Mặc cho “vàng tặc” hoành hành, bà vẫn lầm lũi với ruộng nương, chăn nuôi, xay xát, buôn bán nhỏ… không từ bỏ bất cứ công việc gì để có thể phát triển kinh tế. Tháng 7/1974, bà tham gia công tác tại địa phương với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã Mà Sa Phìn, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Xây, Chủ tịch Hội Phụ nữ; sau đó bà giữ chức Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn. Đến nay, bà đã có thâm niên 20 năm là Bí thư Chi bộ và 10 năm là Trưởng thôn Mà Sa Phìn.

Năm 1977, Cù Thị Xuân là nữ đảng viên đầu tiên của Mà Sa Phìn. Lúc đó, nơi này mới có 2 đảng viên, bà nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với bà con nơi đây, nên càng quyết tâm để cùng người dân thay đổi cuộc sống. “Với nhận thức còn hạn chế của người dân vùng cao, để thay đổi cuộc sống của họ thì người đứng đầu phải làm gương, khi có những thành quả nhất định thì người dân mới tin và làm theo”. Từ suy nghĩ đến hành động, bà Xuân bắt đầu đưa những cây trồng mới về Mà Sa Phìn.

Mỗi năm gia đình bà Xuân thu trên 200 bao thóc.

Mỗi năm gia đình bà Xuân thu trên 200 bao thóc.

Bà cấy lúa, sau đó là trồng cây sơn tra và thảo quả. Đến nay, bà có 20 ha sơn tra và cũng là gia đình có diện tích thảo quả lớn nhất thôn. Hiện trong thôn, nhiều hộ cũng trồng thảo quả và có khoảng chục hộ trồng sơn tra đều đã thoát nghèo. Riêng thóc, mỗi năm bà thu hoạch hơn 200 bao. Là một trong số những hộ trồng sơn tra tại Mà Sa Phìn, ông Giàng A Thanh tâm sự: “U” Xuân chịu khó, chăm chỉ nên giờ “u” nói gì, làm gì chúng tôi cũng nghe theo. Gia đình tôi thoát nghèo nhờ có “u” Xuân dạy cách trồng cây lúa và sơn tra.

Không chỉ ổn định kinh tế gia đình, bà con giúp các hộ khó khăn thoát nghèo. Bà thường xuyên chia cho người dân thóc, lúa, ngô vào mùa giáp hạt. Những năm trước, Mà Sa Phìn chưa có điện lưới quốc gia, cả thôn chỉ có nhà bà Xuân có nguồn điện thắp sáng, bà đã cho thầy cô giáo sử dụng nhờ. Hằng năm, vào đầu năm học mới, bà đều mua tặng học sinh quần áo, trang - thiết bị học tập. Riêng năm học 2021 - 2022, bà đã tặng Trường Mầm non và Tiểu học số 2 Nậm Xây máy lọc nước để thầy cô giáo và học sinh có nước sạch sử dụng.

Năm 2004, ở Mà Sa Phìn, bà Xuân là người đầu tiên mua xe máy. Đến nay, hầu như gia đình nào cũng có xe máy, một số hộ có 2 - 3 chiếc. Vấn đề nhức nhối nhất tại địa phương là tình trạng tảo hôn nhưng 2 năm nay đã giảm. Số người nghiện ma túy đều đang đi cai nghiện và không có người nghiện mới. Thôn có 140 hộ, hiện còn 21 hộ nghèo, đây là con số đã giảm rất nhiều so với những năm trước. Người dân bắt đầu quan tâm tới việc tu sửa nhà ở, cho con em trong độ tuổi đến trường.

Năm 2020, Mà Sa Phìn đã được sử dụng điện lưới quốc gia, xóa đi cảnh đèn dầu tù mù bấy lâu nay. Cùng năm, nhà văn hóa Mà Sa Phìn được khánh thành trong niềm vui mừng, phấn khởi của người dân trong thôn. Tháng 6/2020, Trường Mầm non và Tiểu học Nậm Xây 2 gồm 2 tầng, 6 phòng học được đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui cho thầy, trò nơi đây.

“Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân Mà Sa Phìn đã bước từ tăm tối ra ánh sáng. Trong đó có vai trò không nhỏ của Chi bộ Mà Sa Phìn nói chung và nỗ lực của Bí thư Chi bộ Cù Thị Xuân”, đó là nhận xét của ông Lê Lưu Luận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nậm Xây.

Sau gần 1 ngày được trò chuyện cùng “u” Xuân, chúng tôi xuống núi khi trời đã xế chiều. Trên đường về lại bắt gặp đồng bào Mông ngược núi, trên gương mặt hiện rõ niềm vui khi đã bán được hàng. Chúng tôi gặp cả những thầy cô giáo trên đường trở lại trường với học trò, chuẩn bị cho một tuần học mới. Nhìn lại phía sau, Mà Sa Phìn chìm dần trong lớp sương, thế nhưng nơi này đã không còn để lại cảm giác u tịch như lúc đầu tôi nghĩ đến.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348550-u-xuan-tren-nui-nam-xay