Ukraine tố Nga dùng nhà máy điện hạt nhân làm căn cứ, G20 không ra thông cáo chung

Ukraine tố Nga đang sử dụng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu làm căn cứ dự trữ vũ khí. Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ không ra thông cáo chung, do bất đồng quan điểm của các nước thành viên.

Theo Guardian, Cơ quan Hạt nhân Ukraine Energoatom cho biết, Nga đang sử dụng nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu như một căn cứ để tích trữ vũ khí, đạn pháo và các hệ thống tên lửa. Ông Pedro Kotin - Giám đốc Energoatom thông tin, Nga đang kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhưng vẫn do kỹ thuật viên Ukraine vận hành. Hiện khoảng 500 lính Nga đồn trú tại nhà máy này.

Binh lính Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AP

"Đối phương sử dụng nhà máy như một căn cứ quân sự, họ mang đủ loại máy móc hạng nặng và các hệ thống tên lửa tới đây. Chúng tôi tin một số quả tên lửa đã được phóng từ nhà máy Zaporizhzhia sang vùng Dnipro và Nikopol", ông Kotin nói trên truyền hình.

Ngoài ra, ông Kotin cũng khẳng định, nhà máy vẫn tiếp tục cung cấp điện cho lưới điện quốc gia. Người đứng đầu Energoatom cho rằng, Nga "không có đủ năng lực kỹ thuật để cung cấp năng lượng từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cho Crưm hoặc các vùng lãnh thổ khác của họ".

Hội nghị thượng đỉnh G20 không ra thông cáo chung

Theo Reuters, sau 2 ngày thảo luận, cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã kết thúc trong ngày 16/7 mà không đưa ra thông cáo chung, do bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên.

Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã lên tiếng cáo buộc chiến sự quân sự đặc biệt của Nga gây ra sự suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như tạo ra khủng hoảng năng lượng và lương thực. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko đã liên tục kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Moscow.

Phiên họp G20 tại Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters

Về phía Nga, Moscow khẳng định chính các lệnh cấm vận và trừng phạt kinh tế từ phương Tây mới tạo ra tình trạng lạm phát. Các thành viên G20 khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi thì không đưa ra quan điểm cụ thể nào về vấn đề này.

Cuối cùng, một quan chức có mặt tại cuộc họp tiết lộ, thay cho bản thông cáo chung truyền thống, nhóm G20 chỉ có thể ra một tuyên bố của nước chủ nhà Indonesia, chủ tịch luân phiên trong năm nay. Nội dung cơ bản của tuyên bố này liên quan tới việc phối hợp các chính sách tài chính, các nguy cơ liên quan đến khí hậu và thị trường tiền ảo.

Nhà Trắng nói Nga cử phái đoàn sang Iran xem giới thiệu UAV

Theo Reuters, trong ngày 16/7, Nhà Trắng cho biết việc các quan chức Nga sang thăm một sân bay ở Iran nhằm mục đích đánh giá các máy bay tấn công không người lái (UAV).

"Chúng tôi đã ghi lại được bằng chứng các quan chức Nga tới Iran để xem giới thiệu về các loại UAV. Đây là lần đầu tiên một phái đoàn Nga đến trực tiếp một sân bay như vậy", Jake Sullivan - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ảnh: AP

Cụ thể, theo các hình ảnh chụp vệ tinh trong ngày 5/7 và 8/6, các quan chức Nga đã được giới thiệu 2 loại UAV là Shahed-191 và Shahed-129. Trước đó, Nhà Trắng cũng đưa tin về việc Iran chuẩn bị cung cấp cho Nga hàng trăm UAV, một số có khả năng mang vũ khí, và Tehran cũng chuẩn bị huấn luyện lực lượng Nga sử dụng chúng.

Về phía Iran, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian khẳng định, thông tin mà Mỹ đưa ra là "những cáo buộc vô căn cứ".

Nga thông báo phá hủy nhà máy sản xuất linh kiện tên lửa của Ukraine

Theo Guardian, trong một thông báo ngày 16/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng vũ trang nước này đã phá hủy một nhà máy ở Dnipro. Đây được cho là nơi sản xuất các bộ phận cho tên lửa đạn đạo Tochka-U của Ukraine.

Ngoài ra, lực lượng Nga cũng bắn rơi 3 máy bay quân sự và 2 máy bay trực thăng trong cùng ngày.

Ukraine có thể kiện các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu

Theo tờ Financial Times, Ukraine có thể kiện các ngân hàng hàng đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu vì vẫn tiến hành giao dịch dầu với Nga, tạo điều kiện cho Moscow bổ sung ngân sách.

JPMorgan Chase có thể bị kiện bởi Bộ Tư pháp Ukraine. Ảnh: Reuters

Chính phủ Ukraine đã yêu cầu các ông chủ ngân hàng lớn tại Mỹ và châu Âu, bao gồm Jamie Dimon của JPMorgan Chase và Noel Quinnto của HSBC, ngừng giao dịch và thanh toán với các công ty buôn bán dầu khí Nga, 2 cái tên được chỉ đích danh là Gazprom và Rosneft. Thông điệp tương tự cũng được gửi tới lãnh đạo Citigroup và Crédit Agricole.

Ngoài ra, ông Oleg Ustenko - cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine cho biết, Bộ Tư pháp Ukraine có ý định kiện các ngân hàng tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sau khi cuộc xung đột chấm dứt. Về cơ bản, ICC không thể điều tra hoặc truy tố ngân hàng trung ương hoặc tập đoàn, nhưng có thể làm như vậy với các cá nhân từ các tổ chức đó.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ukraine-to-nga-dung-nha-may-dien-hat-nhan-lam-can-cu-g20-khong-ra-thong-cao-2040499.html