Ứng dụng khoa học-công nghệ giúp nông dân làm giàu
Những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, gia tăng thu nhập, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ dân trong vùng đã tích tực tìm tòi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp một nửa sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% các loại trái cây của cả nước. Và hiện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất
nông nghiệp.
Giảm chi phí, tăng giá trị hàng nông sản
Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và nâng cao thu nhập cho thành viên được thực hiện rất sớm. Khi triển khai mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng những giải pháp công nghệ 4.0, các thành viên của hợp tác xã áp dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật, cơ giới hóa từ làm khâu đất, mật độ gieo sạ, bón phân thông minh, quản lý dịch hại đến chăm sóc, thu hoạch và gắn liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản với các công ty, doanh nghiệp.
Giám đốc Hợp tác xã Ngô Phước Dũng cho biết, sử dụng máy cấy lúa giúp giảm lượng lúa giống 80 kg/ha; sử dụng phân bón thông minh sẽ giảm công lao động, giảm lượng phân hóa học sử dụng trên đồng ruộng. Với việc thiết lập mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, thành viên hợp tác xã theo dõi tình hình sâu hại trên đồng ruộng qua điện thoại. Để giảm chi phí bơm tưới, hợp tác xã điều tiết nước theo nhu cầu sinh trưởng của cây lúa; áp dụng quy trình ngập, khô xen kẽ bằng công nghệ 4.0 thông qua hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tự động. Các thành viên hợp tác xã tham gia mô hình đã giảm chi phí sản xuất lúa thương phẩm từ 150 đến 250 đồng/kg, thu nhập tăng từ 5 đến 8 triệu đồng/ha so với canh tác lúa
bình thường.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 Nguyễn Thị Hạnh phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi canh tác 3 ha đất lúa. Bây giờ làm ruộng khỏe lắm, nhẹ công chăm sóc. Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật vừa đỡ tốn chi phí, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe và lợi nhuận sau thu hoạch cũng cao hơn trước đây".
Tại Trà Vinh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã phối hợp Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Ninh Thuận chuyển giao kỹ thuật trồng giống nho NH01-48 cho hộ anh Lâm Nhật Thanh ở ấp Lộ Sỏi B, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải. Mô hình trồng nho ăn tươi an toàn trên vùng đất chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn được triển khai cuối tháng 11/2020.
Anh Thanh được hỗ trợ cây giống, thiết bị làm giàn nho, hệ thống bơm tưới và gia đình đầu tư hơn 70 triệu đồng để cải tạo đất và chi phí khác. Anh Thanh phấn khởi cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, 600 cây nho NH01-48 phát triển tốt trên 0,3 ha đất khô cằn, phèn mặn của gia đình. Đây là mô hình trồng nho ăn tươi an toàn kết hợp làm du lịch thí điểm đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Khi vườn nho của anh mở cửa đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh tham quan, bán tại vườn hơn hai tấn trái nho tươi.
Du khách rất thích thú với vườn nho xanh tuyệt đẹp, chụp ảnh, học hỏi kinh nghiệm trồng từ anh Thanh và mua nho xanh mang về làm quà với mức giá 100.000 đồng/kg. Sau gần hai năm thực hiện mô hình trồng nho ăn tươi an toàn, vụ đầu tiên anh Thanh thu hoạch hơn hai tấn trái, kết hợp với tiền bán vé cho khách tham quan, gia đình có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, dự án kho đông lạnh thông minh đạt tiêu chuẩn châu Âu tại xã Bình Phú, huyện Càng Long có tổng vốn hơn 24,4 tỷ đồng, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Dự án đi vào hoạt động làm cơ sở nhân rộng mô hình đến các vùng sản xuất rau, củ, quả tại đồng bằng sông Cửu Long và thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu. Không chỉ Trà Vinh, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đều đang hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, năng động, hiệu quả trên cơ sở chuyển dịch nhanh mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Theo đó, công nghệ cao, thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều phối các công đoạn sản xuất.
UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 6/8/2021, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững các chuỗi sản phẩm lúa-gạo. Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - chi nhánh tại Cần Thơ nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa-gạo, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Vụ lúa hè thu năm 2022 này, công ty đang triển khai thực hiện liên kết sản xuất 1.000 ha với nông dân tại các xã Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh của huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Nông dân tham gia liên kết được hỗ trợ không hoàn lại 100% lúa giống, hỗ trợ trả cuối vụ đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đây là mô hình điểm, giúp Trà Vinh nâng cao chuỗi giá trị lúa-gạo của tỉnh; hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường tự nhiên.
Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất tôm đạt hơn 20 tấn/ha/vụ, hệ số thức ăn dưới 1,2. Với mô hình này, hộ nuôi tôm chủ động trong việc đề phòng và xử lý rủi ro xảy ra trong suốt mùa vụ; tiết kiệm được thời gian, chi phí từ việc giảm sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải từ ao tôm đã được xử lý qua hệ thống hầm biogas.
Tại Sóc Trăng, tỉnh đang định hướng phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, phù hợp từng vùng sinh thái. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về điều kiện nuôi trồng thủy sản, cấp mã số đối tượng nuôi chủ lực, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ nuôi. Tỉnh cũng hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp sản xuất tôm sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thị trường xuất khẩu ổn định. Để xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm, người nuôi phải liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các khâu nuôi trồng, chế biến, thị trường; đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật về con giống, thức ăn, xử lý môi trường...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, thủy sản của tỉnh đã có bước phát triển nhanh trên cả ba lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Nhờ ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến nên tỷ lệ thiệt hại trong nuôi tôm còn khoảng 6%, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn 10 năm trước đây đến hơn 24%. Từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và hệ thống quan trắc môi trường đã giúp người nuôi tôm giảm giá thành sản xuất, hạn chế được rủi ro dịch bệnh, tạo ra con tôm sạch, chất lượng; đáp ứng tốt nhu cầu chế biến, xuất khẩu, gia tăng lợi nhuận. Nhờ đó, Sóc Trăng đã có nhiều trang trại và các hộ nuôi đạt năng suất tới 21 tấn tôm/ha/vụ.