Ứng dụng nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Bác sĩ Đại học Y Hà Nội (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn cán bộ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn sử dụng máy chụp ảnh màu đáy mắt

Bác sĩ Đại học Y Hà Nội (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn cán bộ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn sử dụng máy chụp ảnh màu đáy mắt

Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã chú trọng triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật sâu rộng. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Sở Y tế có 23 đơn vị trực thuộc gồm: 4 bệnh viện tuyến tỉnh; 5 đơn vị làm công tác dự phòng, giám định y khoa và pháp y; Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa Gia đình, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm; Trường Cao đẳng Y tế và 11 trung tâm y tế huyện, thành phố.

Nghiên cứu thường xuyên, sâu rộng

Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Ngành y tế tỉnh luôn xác định việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số vào hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, những năm qua, ngành đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, năng lực và tư duy khoa học của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Theo đó, Sở Y tế đã ban hành quy định về công tác quản lý sáng kiến, đề tài khoa học trong ngành, thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác nghiên cứu khoa học theo đúng trình tự và tiến độ. Các thông tư, kế hoạch, công tác sở hữu trí tuệ, công tác sáng kiến, các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật… được triển khai kịp thời đến các đơn vị trực thuộc. Cùng đó, lãnh đạo các cơ sở y tế đã khuyến khích các cá nhân, các khoa, phòng trực thuộc nghiên cứu đề tài, sáng kiến được bố trí kinh phí để triển khai và ưu tiên trong xét tiêu chí thi đua khen thưởng hằng năm.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật tán sỏi đường mật qua da bằng Lazer

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật tán sỏi đường mật qua da bằng Lazer

100% đơn vị trực thuộc đã tích cực hưởng ứng, triển khai sâu rộng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ tham gia nghiên cứu khoa học. Bác sĩ Trần Hồng Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Lộc Bình cho hay: Hằng năm, trung tâm đã chủ động triển khai sâu rộng đến từng khoa, phòng, lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên để đăng ký triển khai đề tài, sáng kiến. Trên cơ sở kết quả các đề tài sáng kiến, đơn vị đã triển khai ứng dụng trong hoạt động chuyên môn, thường xuyên duy trì hoạt động sinh hoạt khoa học gắn với hoạt động quản lý, chuyên môn tại từng khoa, phòng. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, đơn vị có khoảng 5 đề tài nghiên cứu khoa học, năm 2023 có 6 đề tài nghiên cứu, trong đó nhiều đề tài có tính ứng dụng cao trong khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn như: Tìm hiểu về ý thức của người dân về phòng chống bệnh Thalassimia (tan máu bẩm sinh), quản lý thuốc kháng sinh của bệnh viện; Quản lý điều trị bệnh xương, khớp tại Trung tâm Y tế Lộc Bình…

Cùng với Trung tâm Y tế Lộc Bình, công tác nghiên cứu khoa học được triển khai đồng bộ, sâu rộng ở tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm, ngành y tế tỉnh có trên 130 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở và 1 đến 3 đề tài cấp tỉnh. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Nếu như năm 2017, ngành y tế tỉnh nghiệm thu trên 70 đề tài sáng kiến, thì năm 2020, số lượng đề tài sáng kiến được nghiệm thu là 81, con số này đến năm 2023 là 146. Nội dung các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học đều giải quyết những yêu cầu từ thực tế khám, chữa bệnh của mỗi cơ sở y tế, triển khai sâu rộng và đa dạng ở tất cả các lĩnh vực như: Ứng dụng kỹ thuật kết hợp dẫn lưu não thất; quản lý, điều trị bệnh xương khớp; kỹ thuật sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính; kiểm soát kê đơn/bán thuốc kê đơn; xây dựng vùng bảo tồn gen cây dược liệu và quy hoạch phát triển cây dược liệu…

Đề tài hữu ích, ứng dụng cao

Cùng với số lượng, chất lượng của các đề tài, sáng kiến cũng ngày càng tăng. Các đề tài, sáng kiến được lựa chọn nghiên cứu triển khai thực hiện đều có khả năng ứng dụng trong thực tiễn công tác dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo quản lý nhân lực… Trong năm 2023, tất cả 146 đề tài sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn, 1 đề tài được công nhận cấp tỉnh.

Đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật qua da bằng Lazer tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh” là một minh chứng điển hình. Nếu như trước đây, bệnh nhân bị sỏi mật thường được điều trị bằng phương pháp truyền thống là mổ mở cắt túi mật và mở ống mật chủ lấy sỏi dẫn lưu đường mật. Phương pháp này thường gây đau đớn, dẫn đến biến chứng, để lại nhiều di chứng, tỷ lệ tái phát, phải mổ lại cao. Khi đề tài này được nghiên cứu, ứng dụng đã khắc phục được các nhược điểm của kỹ thuật điều trị trước đây với tỷ lệ thành công cao, ít biến chứng, giúp bệnh nhân nhanh bình phục.

Bác sĩ Trần Mậu Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh – chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Tán sỏi đường mật qua da bằng laser cho phép tiếp cận và tán được sỏi ở mọi vị trí của đường mật, kể cả sỏi ở những ống gan nhỏ nhất mà mổ mở cũng không thể lấy được. Đây là phương pháp ít xâm lấn, người bệnh gần như không đau, ít biến chứng, nhanh hồi phục nên rút ngắn thời gian nằm viện, giảm được chi phí. Do đó có thể điều trị cho cả bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền. Sau hơn 2 năm triển khai, chúng tôi đã phẫu thuật cho gần 300 bệnh nhân sỏi mật. Kết quả cho thấy 100% trường hợp mắc bệnh này có chỉ định phẫu thuật đều phục hồi sức khỏe tốt.

Cùng với đề tài của bác sĩ Việt, còn có nhiều đề tài hay, được áp dụng có hiệu quả tại các cơ sở khám chữa bệnh, tiêu biểu như đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ gen bệnh Thalassemia của người dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, “Ứng dụng kỹ thuật kết hợp dẫn lưu não thất và sử dụng thuốc tiêu huyết khối Alteplase trong điều trị giãn não thất cấp do chảy máu não thất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”…

Như vậy, những đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng đã góp phần ứng dụng có hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh tại các đơn vị, củng cố trình độ chuyên môn và phát huy tốt năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Trong năm 2023, ngành y tế tỉnh đã triển khai được 123 dịch vụ kỹ thuật mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận với những dịch vụ y tế tiên tiến, chất lượng, giảm chi phí, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, số lượng khám, chữa bệnh ngày càng tăng, năm 2023 toàn tỉnh có hơn 1,4 triệu lượt người khám, chữa bệnh, tăng 100.000 lượt so với năm 2022…

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/y-te/637307-ung-dung-nghien-cuu-khoa-hoc-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh.html