Ủng hộ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp tương đối

Ngoài đề xuất lộ trình tăng thuế, các chuyên gia đồng tình với quan điểm áp dụng tính thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn bằng phương pháp tương đối.

Nghiên cứu mức độ tăng, lộ trình tăng để doanh nghiệp đỡ “sốc”

Chia sẻ tại Hội thảo: Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 14/8 tại Hà Nội, nhiều thông tin cho rằng, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia. Theo đó, các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế suất cao, dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: NH)

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: NH)

Theo phương án 2 của dự thảo Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các sản phẩm rượu, bia đang có nguy cơ phải đối mặt với đề xuất tăng thuế lớn chưa từng có trong lịch sử về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh – Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng: Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính đề xuất nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới, trong đó mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, mục tiêu về đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách nhà nước cũng được nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia, rượu nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020- 2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan – ông Lê Trọng Minh băn khoăn.

Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Đối với mặt hàng rượu, bia quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo đó, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằnghoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội.

"Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dung thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột”. – bà Nguyễn Thị Cúc khuyến nghị.

Các diễn giả tham dự hội thảo (Ảnh: NH)

Các diễn giả tham dự hội thảo (Ảnh: NH)

Áp dụng phương pháp tính thuế tương đối

Tại hội thảo, bên cạnh kiến nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn bắt đầu từ năm 2027 thay vì 2026 như dự thảo, đồng thời tăng từ từ để doanh nghiệp thích nghi, nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn theo phương pháp tương đối.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng: Thuế tiêu thụ đặc biệt đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế và xã hội ở mức độ vĩ mô, mặc dù phạm vi điều tiết của nó không rộng.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Tuấn, vai trò quan trọng của thuế tiêu thụ đặc biệt được thể hiện qua 3 đặc điểm: Thứ nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017-2020, thuế tiêu thụ đặc biệt đã đóng góp từ 8,3% đến 8,8% tổng thu ngân sách. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng lên khoảng 9,2%, phản ánh sự gia tăng trong tiêu dùng các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá và ô tô.

“Điều này minh chứng rằng, mặc dù chỉ tập trung vào một số ít mặt hàng và dịch vụ, thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn tạo ra nguồn thu lớn nhờ vào đặc tính dễ thu và mức thuế suất cao đối với các mặt hàng chịu thuế” – ông Bùi Ngọc Tuấn thông tin và cho rằng: Với các sản phẩm như thuốc lá, rượu bia, và ô tô, thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra một mức thu đáng kể, nhờ vào nhu cầu cao và giá trị lớn của những sản phẩm này.

Thứ hai, thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò trong việc điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Bằng cách áp dụng mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm xa xỉ hoặc có tính tiêu thụ cao trong giới có thu nhập cao, thuế tiêu thụ đặc biệt gián tiếp làm giảm chênh lệch giàu nghèo. Ví dụ, các sản phẩm như ô tô nhập khẩu, xe máy phân khối lớn hay rượu mạnh, vốn được tiêu thụ chủ yếu bởi tầng lớp có thu nhập cao, sẽ phải chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao hơn, từ đó góp phần chuyển dịch nguồn thu từ những người nộp thuế có khả năng tài chính lớn vào ngân sách nhà nước.

Đặc điểm thứ ba, từ góc độ vĩ mô, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Đối với những sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng như thuốc lá và rượu bia, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là một công cụ thu thuế mà còn là biện pháp kiểm soát và hạn chế tiêu dùng.

“Như vậy, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là một công cụ tài chính hiệu quả, mà còn là một phần quan trọng của chiến lược quản lý vĩ mô, hướng dẫn tiêu dùng và đảm bảo công bằng xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt càng trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước” – ông Bùi Ngọc Tuấn khẳng định.

Hiện nay, trên thế giới, đối với mặt hàng đồ uống có cồn có 3 phương pháp chính để áp dụng tính thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm: Phương pháp thuế tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm), phương pháp này hiện đang được áp dụng bởi Việt Nam, Lào, Campuchia…. Phương pháp tính thuế tuyệt đối, hiện đang được sử dụng nhiều bởi các nước Tây Âu, Singapore, Brunei, Indonesia, Australia; Canada; Nhật Bản; Mỹ; các nước thành viên Liên minh châu Âu; hầu hết các nước OECD (trừ Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ). Phương pháp tính thuế hỗn hợp, hiện được sử dụng bởi các nước Đông Âu, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Hiện các nước phát triển đã dịch chuyển từ phương pháp tính thuế tương đối sang phương pháp tính thuế hỗn hợp và tuyệt đối. Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận xu hướng phát triển này của thế giới, tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu và tiếp thu ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, Bộ Tài chính nhận thấy hiện nay đặc thù thị trường bia trong nước có tới 80% thị phần là bia phổ thông và bia địa phương, có giá chênh lệch rất lớn so với dòng bia cao cấp. Do đó, nếu áp dụng thuế hỗn hợp và thuế tuyệt đối ở thời điểm hiện tại sẽ dẫn đến sự không công bằng trong việc đánh thuế khi các doanh nghiệp bia phổ thông phải đóng thuế nhiều hơn, lượng doanh thu giảm gián tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cụ thể là công ăn việc làm tại những doanh nghiệp ở phân khúc 80% thị phần này. Do đó, Bộ Tài chính đã cân nhắc và giữ nguyên phương pháp tính thuế đối với mặt hàng rượu, bia.

“Với việc quy chiếu đặc điểm thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng một giai đoạn, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội tại quốc gia ở thời điểm đang áp dụng, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định áp dụng tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp tương đối” – ông Bùi Ngọc Tuấn nêu quan điểm.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ung-ho-ap-dung-thue-tieu-thu-dac-biet-bang-phuong-phap-tuong-doi-338999.html