Ứng phó khi số F0 trong trường học tăng cao

Từ ngày 15.3, khi học sinh ở các bậc học trên địa bàn tỉnh quay trở lại trường học trực tiếp, số ca mắc Covid-19 trong trường học liên tục tăng. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, bình tĩnh, linh hoạt chỉ đạo tổ chức hình thức dạy và học theo từng trường, thậm chí từng khối lớp nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học.

Trường tiểu học và trung học cơ sở Tiền Phong (Ân Thi) kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn tỉnh có trên 27.800 giáo viên, học sinh là F0, F1, trong đó có trên 26.000 học sinh là F0. Đối với bậc học mầm non có trên 63% số trường cho học sinh đến trường học trực tiếp và số học sinh học trực tiếp đạt tỷ lệ trên 44%. Bậc tiểu học, gần 60% số trường tổ chức dạy học trực tiếp, số học sinh đến trường học trực tiếp đạt tỷ lệ trên 34%. Bậc trung học cơ sở có 87% số trường tổ chức dạy học trực tiếp và số học sinh đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 55%. Bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên có gần 70% số học sinh đến trường học trực tiếp. Toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện Văn Giang chưa cho học sinh đến trường học trực tiếp mà tổ chức dạy học trực tuyến.

Khi toàn bộ học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, số ca mắc Covid-19 trong trường học tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường chủ động, bình tĩnh xử lý các tình huống F0 trong trường học theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch của các cấp. Các nhà trường chủ động rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nguồn nhân lực sẵn sàng triển khai các phương án dạy học phù hợp diễn biến của dịch Covid-19. Cùng với đó, mỗi cơ sở giáo dục đã linh hoạt tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến theo từng tuần, từng ngày, thậm chí từng lớp với mục tiêu xuyên suốt bảo đảm quyền lợi học tập cho tất cả các học sinh, nhất là học sinh là F0, F1 đang thực hiện cách ly y tế. Các nhà trường tiếp tục tận dụng thời gian để giảng dạy trực tiếp cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em được đến trường. Đồng thời, xác định tiêm chủng là phương án tối ưu bảo vệ sức khỏe học sinh trước đại dịch, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành Y tế và phụ huynh học sinh đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho giáo viên, nhân viên và học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế.

Trường THPT Đức Hợp (Kim Động) có 994 học sinh, trong đó có 16 giáo viên, 160 học sinh là F0. Thầy giáo Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngay khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, nhiều học sinh, giáo viên nhà trường là F0, F1, thậm chí có thời điểm toàn bộ học sinh nhà trường phải chuyển sang học trực tuyến nhưng Ban giám hiệu nhà trường không lúng túng. Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập theo từng tuần, thậm chí từng ngày đối với từng khối lớp. Do dịch bệnh, lịch học trực tiếp của các khối lớp bị xáo trộn, vì thế cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường còn chú trọng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và phụ huynh học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến với toàn thể phụ huynh học sinh thông báo về tình hình học tập của học sinh, đồng thời chia sẻ phương án tổ chức dạy và học của nhà trường để phụ huynh học sinh yên tâm. Đối với học sinh, nhất là học sinh khối 12, nhà trường tổ chức đối thoại, tư vấn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh giúp các em vững tâm lý trong hoàn cảnh liên tục phải thay đổi hình thức dạy học ứng phó với tình huống dịch Covid-19.

Tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Tiền Phong (Ân Thi), ngay khi số học sinh là F0 tăng cao ở tất cả các khối lớp, nhà trường nhanh chóng kết hợp dạy học trực tiếp với trực tuyến. Thầy giáo Nguyễn Thành Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Tiền Phong cho biết: Toàn trường có 560 học sinh, trong đó có 62 học sinh là F0. Để bảo đảm kiến thức cho học sinh F0, F1 và ổn định tâm lý cho học sinh cũng như phụ huynh học sinh, nhà trường vừa tổ chức dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến, đồng thời kết hợp song song hai hình thức dạy học tại một số lớp có học sinh là F0. Nhà trường đã xây dựng kịch bản chi tiết về phương án dạy học khi dịch diễn biến phức tạp ở từng lớp và thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn cho những học sinh khi đến trường học trực tiếp. Để đạt được kết quả tốt nhất, ngoài sự nỗ lực của mỗi thầy giáo, cô giáo, học sinh, nhà trường rất cần sự đồng hành của các bậc phụ huynh học sinh.

Dù còn nhiều lo lắng nhưng các phụ huynh học sinh Trường mầm non Nhật Quang (Phù Cừ) vẫn đưa con đến trường. Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc có con học tại Trường mầm non Nhật Quang chia sẻ: Qua quan sát, tôi thấy công tác phòng, chống dịch của nhà trường khá kỹ lưỡng. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng nhà trường vẫn nỗ lực để các con được đến trường là điều rất quý. Được biết, Trường mầm non Nhật Quang có 357 trẻ, trong đó có 265 trẻ mẫu giáo. Do dịch bệnh, vì thế, sau hơn một tuần mở cửa trường học, tỷ lệ trẻ đến lớp chỉ đạt khoảng 30%. Cô giáo Doãn Thị Hoài, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cùng với việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh an tâm, đồng tình đưa trẻ tới trường.

Vũ Huế

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202203/ung-pho-khi-so-f0-trong-truong-hoc-tang-cao-92443d4/