Ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020 - 2021 với các kịch bản phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 36/CT-TTg về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020 - 2021 với các kịch bản phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020.

Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc. Tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ.

Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 11-9, một số nơi ở vùng núi Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10 đến 30 mm, có nơi hơn 60 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), Hải Hà (Quảng Ninh) có nguy cơ rất cao. Các huyện Mường Tè (Lai Châu), Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn (Hà Giang), Bảo Lâm, Hà Quảng (Cao Bằng), Văn Bàn (Lào Cai), Mường Nhé (Ðiện Biên), Pắc Nặm (Bắc Kạn), Ðình Lập (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh) có nguy cơ cao. Theo dự báo, từ ngày hôm nay 12-9 đến 20-9, nhiều khu vực trong cả nước có mưa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to (thời gian mưa chủ yếu tập trung vào đêm và sáng sớm). Riêng hôm nay và ngày mai 13-9, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông, vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 40 đến 100 mm/24giờ; tại Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang có nơi hơn 150 mm/24 giờ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển mầu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất, cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Người dân cũng cần cảnh giác tránh trượt lở đất khi có mưa to ở miền núi.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện bốn đợt triều cường (mỗi tháng xuất hiện một đợt). Cụ thể, đợt triều cường đầu tiên sẽ xuất hiện từ ngày 18 đến 21-9; các đợt triều cường kế tiếp lần lượt xuất hiện ngày 15 đến 19-10, ngày 14 đến 18-11 và ngày 13 đến 17-12. Ðộ cao của các đợt triều cường này có thể chạm mức kỷ lục vào ngày 18-10, trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng…

Sau hai ngày vượt sóng to, gió lớn, đến 4 giờ ngày 11-9, tàu cá QNg 96169 TS của ngư dân Bùi Văn Phải (ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã lai dắt tàu cá BÐ 96129 TS bị nạn trên vùng biển Trường Sa về đảo Lý Sơn an toàn. Tối 8-9, tàu cá BÐ 96129 TS do ngư dân Huỳnh Ơi (47 tuổi, ở tỉnh Bình Ðịnh) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trên tàu có bốn lao động, khi đang hành nghề câu cá ngừ dại dương trên vùng biển Trường Sa thì máy tàu bị gãy trục láp chân vịt, do không có thiết bị thay thế bèn thả trôi tự do trên biển. Ðến ngày 9-9, tàu cá QNg 96169 TS đang trên đường từ vùng biển Trường Sa chạy về đảo Lý Sơn, sau khi nhận tín hiệu cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận tàu cá bị nạn, lai dắt về đảo Lý Sơn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ung-pho-nguy-co-han-han-thieu-nuoc-xam-nhap-man-o-dong-bang-song-cuu-long-616476/