'Ước mơ' của thầy thuốc cấp cứu đã dần hiện thực giữa đại dịch
Ước mong lớn nhất của các thầy thuốc cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 đang dần thành sự thật khi người bệnh nhập viện đang giảm nhanh. Ngày bệnh viện dã chiến hoàn thành 'sứ mệnh' không còn xa.
Vui buồn theo bệnh nhân COVID-19
Ngay từ khi được thiết lập, quên khái niệm thời gian, những thầy thuốc ở Bệnh viện dã chiến số 3 (Thủ Đức, TP. HCM) luôn xem ngày bệnh nhân ra viện là thời gian đáng nhớ nhất. Có nhân viên y tế còn thống kê lại những ngày vui của mình đó là đưa bệnh nhân COVID-19 thoát khỏi "cửa tử".
Gác lại mọi chuyện riêng tư, xung phong vào điểm nóng, bác sĩ Trường An (Bệnh viện dã chiến số 3) tâm tình: Có rất nhiều kỷ niệm ở đây. Một quãng thanh xuân đáng nhớ của chúng tôi chính là nơi này. Đến với bệnh viện dã chiến ai cũng phải kiêm hàng loạt nhiệm vụ. Cái gì chưa thạo thì miệt mài, làm dần thành quen. Ví như an ủi, bón cơm, vỗ về… người bệnh. Bệnh nhân COVID-19 cảm nhận được sự tận tình trong từng việc nhỏ của y bác sĩ nên bừng dậy khát vọng sống.
"Trong nhọc nhằn nhất, thỉnh thoảng chúng tôi xích lại bên nhau chụp tấm ảnh đầy khỏe khoắn để biểu thị quyết tâm. Hàng chục nghìn bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh từ nơi này. Với các bác sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt ở các bệnh viện dã chiến như chúng tôi thì người bệnh cũng như người nhà vậy, bởi họ đâu có ai ở bên" - BS. An chia sẻ.
Ngước nhìn những tòa không còn rộn rã tiếng í ới của bệnh nhân COVID-19, BS. An bảo rằng: "Các F0 về với gia đình nhiều lắm rồi. Chúng tôi vui theo niềm hạnh phúc của họ. Số ca trở nặng cũng rất ít. Trái ngược hẳn với những ngày đầu, nỗi buồn cứ ùa đến, bệnh nhân đưa vào ồ ạt, xuyên ngày đêm y bác sĩ xoay xở đến chóng mặt. Lại có nhiều sự ra đi mãi mãi. Giờ đây, cảnh buồn lo ấy không còn.
Bệnh nhân COVID-19 trở về cuộc sống ngày một nhiều hơn, chúng tôi rất vui. Những nỗ lực và công sức của thầy thuốc đã tạo ra thành quả. Tia sáng của ngày đẩy lùi dịch bệnh đã xuất hiện...".
Nhân viên y tế động viên bệnh nhân điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 3.
Những cuộc gặp đáng nhớ với bệnh nhân COVID-19
Là bác sĩ chuyên ngành cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được điều sang làm Trưởng khoa lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3), BSCKI Lý Quốc Công chia sẻ: "Vất vả đến mấy cũng phải vượt qua. Hơn 100 ngày bám trụ ở đây, đáng nhớ nhất đó là những cuộc gặp lúc bệnh nhân COVID-19 xuất viện. Khi ấy cả bác sĩ lẫn người bệnh đều vỡ òa sung sướng".
Cũng theo BS. Công, ở Bệnh viện Dã chiến số 3 được phép điều trị cả bệnh nhân nặng nên y bác sĩ càng vất vả hơn. Nhớ những ngày đầu mới đi vào hoạt động (đầu tháng 7), công suất bệnh viện trên 2.500 giường thì luôn kín bệnh nhân. Đến nay chỉ còn hơn 900 F0. Tổng số người bệnh đã điều trị khỏi, cho xuất viện là 11.500 người. Những ngày túc trực điều trị bệnh nhân COVID-19 với các y bác sĩ đều để lại những dấu ấn khó phai. "Ý chí vững vàng phải được rèn luyện từng ngày. Mỗi khi mệt mỏi, lại nhìn vào phòng cấp cứu để vượt qua, bởi ở đó bao sự sống đang cần mình" - vị bác sĩ trầm ngâm.
Bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến xuất viện ngày càng nhiều.
Cũng như các đồng nghiệp của mình, đi bao qua bao bộn bề, khó khăn, BS. Bùi Thị Kim Kha - Bệnh viện Dã chiến 3 như thấy phấn chấn hơn. "Liên tục tiễn bệnh nhân về nhà, trong lòng rộn rã lắm. Hôm nay tôi có dịp ngồi nhìn ngắm Sài Gòn, nhìn đường xá đã có phần hồi sinh trong lòng tôi cũng vui mừng khôn xiết. Cũng giống như ở trong Bệnh viện Dã chiến số 3 của chúng tôi, không khí hồi sinh tràn ngập từng ngóc ngách.
Chiều tối tôi đứng dưới sân bệnh viện nhìn lên các phòng trên các tòa nhà của bệnh viện thấy đa phần là một màu tối thui (không còn bệnh nhân). Thấy lác đác ít phòng sáng đèn tự nhiên lòng mình phấn khích đến lạ thường" - BS. Kha bộc bạch.
Bắt nhịp cùng TP.HCM trong việc dần trở lại trạng thái bình thường, Sở Y tế TP.HCM cũng đã trình phương án dừng hoạt động các Bệnh viện dã chiến theo lộ trình từ này đến hết năm 2021.
Xem thêm video được quan tâm:
Hà Văn Đạo