Ước mơ giản dị của phụ nữ Afghanistan và những mối lo cận kề
Nhiều phụ nữ Afghanistan hoang mang khi biết rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy rút quân khỏi đất nước Trung Á này.
Các quan chức Mỹ ngày 13/4 cho biết Tổng thống Joe Biden có kế hoạch rút 2.500 binh sĩ còn lại của nước này khỏi Afghanistan trước ngày 11/9, cột mốc 20 năm kể từ ngày xảy các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố al Qaeda trên đất Mỹ, làm bùng phát cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay của Washington.
Nỗi ám ảnh không được đến trường
Theo tờ Guardian, nhiều nữ sinh đang tận hưởng niềm sung sướng được đến trường, thoải mái giao tiếp với bạn bè rơi vào cảm giác thất vọng nặng nề khi biết rằng người Mỹ đang rời đi và Taliban có thể sớm quay lại.
Basireh Heydari, sinh viên Đại học Herat, nói: “Người Mỹ đang rời đi. Chúng tôi có những ngày tồi tệ phía trước với Taliban. Tôi lo lắng rằng họ sẽ không cho tôi ra khỏi nhà chứ đừng nói đến những gì tôi đang được làm như bây giờ".
Nhiều thế hệ trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan không được hưởng niềm hạnh phúc giản dị là đi học.
Phần lớn những phụ nữ thế hệ mẹ của Heydari bị cấm tới trường. Còn Heydari và bạn bè của cô lo sợ họ đang tham dự kỳ thi cuối cùng trong đời.
Heydari bộc bạch: “Tôi chỉ có một điều ước, đó là hoàn thành việc học và tất nhiên là được làm việc. Nhưng với việc lực lượng Taliban đang mạnh lên, tôi không nghĩ mình sẽ đạt được ước mơ”.
Dù đầy lo lắng nhưng Heydari cũng hy vọng có một sự lựa chọn khác. Chẳng hạn nếu Taliban không cho phép cô đi học chung với các nam sinh thì họ sẵn sàng tham gia các lớp học dành cho nữ giới.
Nhưng Salma Ehrari, một sinh viên kinh tế, tỏ ra nghi ngờ: “Taliban đang sử dụng công nghệ, có tài khoản Twitter nhưng họ có những suy nghĩ giống như cách đây 20 năm. Tôi sẽ không được đến trường”.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 14/4 cho biết các lực lượng của nước này "đủ năng lực" để bảo vệ đất nước. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021.
Ở những vùng Taliban đang giành quyền kiểm soát, tình hình còn tồi tệ hơn. Nữ phóng viên Atifa Alizadeh đang được yêu cầu tạm thời nghỉ việc do những lo ngại về an toàn.
Ít nhất 8 nhà báo đã bị giết hại ở nước này trong sáu tháng qua, như một phần của làn sóng tấn công nhằm vào các nhân viên truyền thông, các nhà hoạt động xã hội.
Basireh Safa Theri là một nhà hoạt động xã hội, người may mắn được đến trường sau khi Taliban sụp đổ.
Cô đang theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán giữa chính phủ quốc gia và Taliban sau khi các lực lượng quốc tế rời đi.
Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Afghanistan vẫn đang ở thế bế tắc khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar bị đình trệ.
Theri phàn nàn: “Họ đang đàm phán mỗi ngày nhưng tiếc là không có lời nào về giáo dục nữ. Họ chỉ nói về quyền lực”.
Mỹ thất bại, Taliban ở thế thượng phong?
Người dân Afghanistan lo ngại khi Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan, căng thẳng giữa chính phủ quốc gia và Taliban sẽ gia tăng.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, bạo lực đối với dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đã không suy giảm trong năm qua.
Sự kiểm soát của Taliban ở Afghanistan được xem là lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong hai thập niên qua, dấy lên nghi ngờ về hiệu quả không rõ ràng của sự hiện diện quân sự liên tục của nước ngoài ở nước này.
Ngày 14/4, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns phát biểu tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ: "Khi quân đội Mỹ rút quân, khả năng thu thập (thông tin tình báo) và hành động của Mỹ trước các mối đe dọa sẽ giảm sút. Đó đơn giản là sự thật".
Theo phân tích của tờ National Interest, với việc Mỹ tuyên bố rút quân, rốt cuộc Mỹ đã thừa nhận thất bại trong cuộc chiến dài hơi nhất và đầu hàng trước phiến quân Taliban.
Có ý kiến lập luận rằng Taliban đã giành thế thượng phong trong cuộc chiến dai dẳng này.
Họ cho rằng phiến quân Taliban đã đạt được đúng những gì họ muốn: khoảnh khắc mà những binh lính cuối cùng của Mỹ rời khỏi Afghanistan, sẽ chẳng còn gì có thể cản trở Taliban giành lấy đất nước này, một mục tiêu mà lực lượng này đã đấu tranh suốt từ khi bị hạ bệ hồi năm 2001.
Đây là một diễn biến đáng lo ngại, đặc biệt là khi người ta nhận ra rằng gần đây chính phủ Afghanistan chỉ kiểm soát được khoảng 30% lãnh thổ đất nước (giảm mạnh so với 50% vào năm 2018), trong khi phần lãnh thổ còn lại vẫn đang bị tranh chấp và có khả năng bị chiếm đoạt.
Điều đó là dấu chỉ cho thấy chính phủ Afghanistan đang đánh mất sự kiểm soát với đất nước còn Taliban đang hồi sinh.
Bởi thế, cũng khá dễ lý giải tại sao Heydari và nhiều bạn bè của cô lại hoang mang như thế về chặng đường phía trước.
(tổng hợp)