Ước mơ nơi 'khúc sông mang dáng hình đất nước'

Tôi biết về khúc sông Chảy có hình chữ S ở thượng nguồn hồ thủy điện Cốc Ly qua những bức ảnh của một vị lãnh đạo UBND huyện Mường Khương. Anh chia sẻ: Tôi chụp ảnh lưu giữ và giới thiệu những cảnh đẹp vùng cao Mường Khương đến với mọi người, qua đó tìm kiếm nhà đầu tư phát triển du lịch Mường Khương.

Trong một lần đến Tả Thàng - xã xa trung tâm huyện lỵ nhất - anh đã khám phá, chụp được bức ảnh khúc sông Chảy có hình chữ S và nảy ra ý tưởng biến nơi này thành điểm du lịch mới của địa phương. Khúc sông Chảy mang dáng hình đất nước đã có từ rất lâu nhưng ít ai để ý. Hình chữ S càng rõ và đẹp hơn khi thủy điện Cốc Ly tích nước. Giữa năm 2022, huyện đã đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng cây cầu qua sông Chảy kết nối xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) với xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai), tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng và được Chủ tịch UBND đồng ý về chủ trương. Địa phương cũng lên ý tưởng xây dựng một điểm dừng chân, ngắm cảnh ở nơi này. Đây sẽ là động lực mới, mở ra cơ hội đổi thay cho các thôn ở khu vực khúc sông Chảy có hình chữ S.

“Khúc sông mang dáng hình đất nước” là một đoạn sông Chảy thuộc địa bàn giáp ranh của các xã: Tả Thàng (Mường Khương), Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), Nàn Sín (Si Ma Cai). Khi nhìn từ trên cao, khúc sông có điểm mở rộng ở 2 đầu và thon dài ở giữa giống như bản đồ Việt Nam thu nhỏ. Hai bên bờ sông là những thôn người Mông với những mái nhà tựa vào núi. Dọc hai bên bờ là cây cối xanh tốt đầy sức sống. Nơi đây còn được gọi là “tam giác 30a”, khu vực có các thôn xa, khó khăn bậc nhất 3 huyện 30a của tỉnh. 4 thôn gần khúc sông là Páo Máo Phìn A, B (xã Tả Thàng), Tả Thồ 1 (Hoàng Thu Phố), Phìn Chư 3 (Nàn Sín) đều do người Mông từ các nơi khác về khai hoang, định cư cách đây vài chục năm, họ đang cố gắng từng ngày để có cuộc sống khấm khá hơn.

Ông Vàng Hòa, nguyên Bí thư Chi bộ Páo Máo Phìn B bảo: Người già trong thôn kể lại, trước đây tổ tiên người Mông ở Páo Máo Phìn B từng sinh sống ở Si Ma Cai, do cuộc sống khó khăn nên đã di cư và khi đến Páo Máo Phìn thấy đất có địa thế đẹp, nhiều khu vực thoai thoải thích hợp làm nhà, nguồn nước dồi dào bên bờ sông Chảy nên đã ở lại dựng nhà, định cư. Ở vùng đất mới, người Mông ổn định cuộc sống, rồi số dân ngày càng đông, sau đó tách thành 2 thôn A và B. Đến nay, người dân nơi đây không còn cảnh đói ăn, nhưng vẫn chưa khấm khá vì giao thông cách trở, đất sản xuất ít, trình độ nhận thức còn hạn chế.

Dẫn chúng tôi men theo triền núi lên cao để nhìn rõ khung cảnh hùng vỹ của “tam giác 30a”, ông Hòa chỉ về phía khúc sông Chảy tự hào nói: Thiên nhiên ban tặng cho Páo Máo Phìn nhiều cảnh đẹp có thể khai thác thành điểm du lịch để thu hút du khách đến chụp ảnh. Địa hình nơi đây đa dạng, có núi, có sông, có rừng chè cổ thụ, bản sắc văn hóa của người Mông. Phía giữa 2 thôn Páo Máo Phìn A và B có một mỏm núi đá cao nhô lên, đứng lên trên chụp ảnh giống như con chim đại bàng tung cánh giữa trời rất ấn tượng. Đặc biệt là khúc sông có hình chữ S khiến ai cũng thêm yêu quê hương khi đặt chân tới đây. Chúng tôi rất mong chờ khi biết tỉnh có chủ trương xây dựng cây cầu kết nối để thúc đẩy kinh tế - xã hội - du lịch - dịch vụ ở vùng đất này.

Phía bên bờ sông đối diện thôn Páo Máo Phìn A và B là thôn Tả Thồ 1 của xã Hoàng Thu Phố, đây cũng là nơi định cư của 60 hộ người Mông. Páo Máo Phìn chỉ cách thôn Tả Thồ 1 chừng 1,5 km đường chim bay, nhưng đi đường bộ phải gần 70 km và mất 2 tiếng đồng hồ di chuyển vì đường xấu. Bởi vậy, người dân nơi đây ước mơ có cây cầu kết nối để thuận tiện hơn khi muốn ra trung tâm tỉnh lỵ; đồng thời kết nối tuyến đường du lịch từ thị trấn Bắc Hà - đồi chè cổ thụ Hoàng Thu Phố - thác Nàn Sín - Tả Thàng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội để người dân hưởng lợi.

Chủ trương xây cầu có lẽ là một trong những tin vui nhất đối với ông Lù Seo Lử trong hơn 20 năm làm Trưởng thôn Tả Thồ 1. Theo ông Lử, do cuộc sống khó khăn, người Mông ở Tả Van Chư (Bắc Hà), Sín Chéng (Si Ma Cai) đã di cư về Tả Thồ 1 sinh sống được hơn 50 năm. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, người dân nơi đây đã có điện, đường giao thông, tuy nhiên, đường nhỏ hẹp nên đi lại vẫn khó khăn. Người dân ngoài trồng ngô, lúa nay còn trồng quế, thử nghiệm một số loại cây ăn quả để phát triển kinh tế. Nếu có thêm cây cầu bắc qua sông, tuyến đường được nâng cấp, việc di chuyển từ Tả Thồ đi trung tâm tỉnh sẽ gần, thuận tiện hơn rất nhiều và có cơ hội phát triển du lịch - dịch vụ.

Không chỉ người Mông ở Páo Máo Phìn A, B và Tả Thồ mà cả những người Mông ở thôn Phìn Chư 3, xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai) cũng mong chờ cây cầu sớm được đầu tư để rút ngắn quãng đường từ thôn xa nhất của huyện Si Ma Cai với trung tâm tỉnh lỵ. Nếu có cây cầu, quãng đường sẽ gần hơn một nửa, người dân chỉ cần di chuyển khoảng 40 km là đến nút giao Phố Lu (cao tốc Nội Bài - Lào Cai).

Đứng nơi “khúc sông mang dáng hình đất nước”, thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và trò chuyện với những người Mông chất phác, bình dị, tôi cảm nhận được sự mong chờ chủ trương xây dựng cây cầu kết nối “tam giác 30a” sớm thành hiện thực để việc giao thương, lưu thông ngày càng thuận tiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển, mang đến sự đổi thay cho người dân ở khúc sông Chảy tựa như bản đồ Việt Nam thu nhỏ.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364112-uoc-mo-noi-khuc-song-mang-dang-hinh-dat-nuoc