Ủy ban Tài chính - Ngân sách thảo luận một số nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính– Ngân sách của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội hôm qua 17-4 họp phiên mở rộng cho ý kiến thẩm tra một số nội dung quan trọng.
Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cùng các Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Theo chương trình phiên họp này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; về việc phân bổ, sử dụng phần tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019.
Một trong những nội dung nổi bật được Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra tại phiên họp lần này là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về việc “cần có cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền trung – Tây Nguyên và cả nước” và “xây dựng, thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố và quy định của pháp luật”, Chính phủ đã có Tờ trình số 72/TTr-CP trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền thành phố trong một số lĩnh vực như quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính – ngân sách, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát tiển, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Như vậy, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thì Đà Nẵng là địa phương tiếp theo trình Quốc hội xem xét quyết định cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Tại cuộc họp, Ủy ban Tài chính– Ngân sách thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH 14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016-2020; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hàng năm từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND thành phố Đà Nẵng cho dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, Đà Nẵng; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Ủy ban Tài chính– Ngân sách cũng tiếp tục thẩm tra việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.
Theo thông cáo của Văn phòng Quốc hội ngày hôm nay, dự kiến nhiều nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại phiên họp thứ 44 diễn ra từ ngày 20 đến 23-4.