Vắc-xin: 'Lá chắn thép' bảo vệ sức khỏe người dân - Bài 1: Thiếu vắc-xin, 'cơn bão' dịch bệnh ập đến

Bạch hầu, sởi, ho gà, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… tràn qua, cuốn một số địa phương vào vòng xoáy dịch bệnh, gây ra hệ lụy lớn đối với sức khỏe và tính mạng người dân.

Hàng tỷ liều vắc-xin đã góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, giúp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bước ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, cả triệu người, nhất là trẻ em vẫn phải đối diện với hàng loạt căn bệnh quái ác, nguy cơ tử vong cao bởi thiếu vắc-xin bảo vệ.

Theo giới chuyên gia, chỉ khi chú trọng đầu tư nhân lực, vật lực, kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc-xin, đồng thời bản thân người dân nhận thức đúng về hiệu quả của vắc-xin, thì mới tạo ra được “lá chắn thép”, giúp mỗi cá nhân tránh khỏi gánh nặng bệnh tật, góp phần dựng xây một dân tộc khỏe mạnh về thể chất, phát triển về trí tuệ, đảm bảo tương lai hạnh phúc.

Bài 1: Thiếu vắc-xin, “cơn bão” dịch bệnh ập đến

Bạch hầu, sởi, ho gà, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… tràn qua, cuốn một số địa phương vào vòng xoáy dịch bệnh, gây ra hệ lụy lớn đối với sức khỏe và tính mạng người dân.

“Dịch chồng dịch” liên tiếp tấn công

Sau hàng chục năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bạch hầu gần như bị xóa sổ, thì dịch bệnh này đã xuất hiện trở lại với diễn biến phức tạp và lây lan rất nhanh ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Nữ sinh P.T.C. (sinh năm 2006), trú tại xã Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) tử vong đầu tháng 7/2024 do bệnh bạch hầu là thông tin “sét đánh” với gia đình bệnh nhân, đồng thời khiến dư luận hoang mang.

Nỗi đau của gia đình nữ sinh C. có lẽ không lời nào tả siết, bởi cô ra đi khi đang ở độ tuổi đẹp nhất, bỏ lại bao giấc mơ còn dang dở. Cái chết của cô gái trẻ cũng khiến ngành y tế Nghệ An lao đao, bởi gần 200 người phải cách ly, điều tra dịch tễ. Từ Nghệ An, dịch bạch hầu lan sang Bắc Giang, khiến y tế hai địa phương này phải cuống cuồng chống dịch.

Bệnh nhi đang điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhi đang điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương

Trước đó, từ năm 2020, bệnh bạch hầu cũng đã bùng phát tại nhiều địa phương, như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị, với hơn 200 ca mắc. Tới năm 2021, số ca mắc giảm còn 6 trường hợp và năm 2022 chỉ có 2 trường hợp.

Tuy nhiên, biểu đồ dịch tễ lại dựng thẳng đứng lên từ năm 2023, khi số ca mắc tăng nhiều lần so với năm 2022, ở mức 57 ca và 7 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, số ca mắc giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn có ca tử vong đáng tiếc.

Thống kê từ những ca mắc và tử vong cho thấy, họ đều chưa được tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng vắc-xin.

Cùng với bạch hầu, một dịch bệnh vốn hiếm khi xuất hiện cũng đang bùng phát trở lại, như ho gà. Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận hàng trăm ca trẻ em mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh nào. Tại Phú Thọ, Hà Nam, TP.HCM, Đồng Nai, dịch cũng xuất hiện rải rác.

Ho gà là bệnh gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong cao với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đa phần trẻ mắc chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều, nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi. Chứng kiến cảnh trẻ sơ sinh cơ thể yếu ớt, nhỏ bé nằm thoi thóp, thở khò khè, bên cạnh là chằng chịt dây truyền tại các cơ sở điều trị nhi khoa, có lẽ, không ai tránh được cảm giác xót xa thấu ruột.

Nhắc tới trẻ em, một vụ việc đau lòng, ám ảnh bất kỳ ai từng nghe đến là đại dịch sởi 10 năm trước, như cơn đại hồng thủy cuốn đi bao sinh mạng. Đến bây giờ, có lẽ, hàng trăm gia đình ngày ấy vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con.

Ngay thời điểm này, dịch sởi cũng bùng phát dữ dội tại TP.HCM, khi số ca mắc ở mức gần 700 trường hợp và 3 trẻ đã tử vong. Đáng lưu ý, 74% trẻ bị sởi tại đây chưa được tiêm vắc-xin sởi, dù đã đủ tuổi. Nhiều tỉnh, thành phố khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, dịch sởi cũng khiến các bậc phụ huynh bất an.

Một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cực cao khác đang đe dọa sức khỏe người Việt là viêm não Nhật Bản. Theo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, từ đầu tháng 6/2024 đến nay, số ca nhập viện do viêm màng não tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong cùng thời gian, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 50 ca viêm màng não, 10 ca viêm não Nhật Bản và hàng trăm ca viêm não do vi khuẩn, virus.

Các bác sỹ lo ngại rằng, căn bệnh này có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25 - 35%). Chẳng hạn, trong 71 ca viêm não Nhật Bản từ tháng 6/2022 đến tháng 8/2023 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ điều trị thành công chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại là di chứng thần kinh.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tiếp nhận điều trị các ca mắc viêm màng não do não mô cầu, chứng kiến nhiều ca bệnh trẻ tử vong tức tưởi do bệnh gây ra, bác sỹ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bệnh này có thể giết chết người khỏe mạnh trong vòng 24 giờ. Trẻ có thể sáng còn khỏe mạnh, nhưng buổi tối có thể rơi vào nguy kịch, tử vong.

Theo bác sỹ Hải, bệnh có hai thể phổ biến nhất là viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và các thể khác ít gặp hơn như viêm phổi, viêm khớp… Lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc bệnh, song trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 14 - 20 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch có tỷ lệ nhiễm cao nhất.

Tỷ lệ tiêm chủng giảm: Báo động một nguy cơ mới

Ước tính, chỉ riêng năm 2023, thế giới ghi nhận hơn 300.000 ca mắc bệnh sởi, gấp 3 lần năm trước đó. Toàn bộ 103 quốc gia có bùng phát dịch sởi trong 5 năm gần đây đều có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi thấp (dưới 80%), trong khi 91 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao không có dịch bệnh bùng phát. Để ngăn chặn dịch bệnh, cần tới 95% trẻ được tiêm mũi thứ hai, nhưng con số thực tế mới đạt 74%.

Theo WHO, sự gián đoạn trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý do dự về vắc-xin và tình trạng bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận dịch vụ là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, có 1,5 triệu trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 1993 luôn được duy trì ở mức trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ giảm mạnh ở một số địa phương.

Để xảy ra tình trạng nhiều dịch bệnh bùng phát trở lại sau nhiều năm vắng bóng, tạo ra các khoảng trống miễn dịch, theo các chuyên gia, là hệ lụy của tình trạng gián đoạn vắc-xin sau đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng thời gian qua và tâm lý bài trừ vắc-xin của không ít bậc phụ huynh.

Nhận định của cả cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ y, bác sỹ đều thống nhất rằng, dịch sởi bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian gần đây có một phần nguyên nhân từ việc thiếu vắc-xin trong những năm trước, đặc biệt từ năm 2022 đến hết năm 2023. Điều này dẫn đến thực tế là, có tới 74% trẻ bị sởi chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi, dù đã đủ tuổi.

Hay tại Long An, tỉnh này đề ra chỉ tiêu tiêm phủ vắc-xin cho 85% số trẻ trong độ tuổi, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 70%, vì thiếu vắc-xin. Hệ lụy là, địa phương có hơn 60 ca mắc sởi, trong đó, khoảng 90% chưa tiêm vắc-xin.

Còn tại Thủ đô Hà Nội, theo lãnh đạo Sở Y tế, từ năm 2023, các địa phương được giao tự đấu thầu mua vắc-xin, nhưng không thể tiến hành do nhiều vướng mắc về đấu thầu, khiến tỷ lệ bao phủ vắc-xin không đạt kỳ vọng. Cụ thể, có 5/10 loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ, như vắc-xin sởi đơn, bạch hầu - ho gà - uốn ván, lao, viêm gan B, bại liệt dạng tiêm.

Phân tích bức tranh dịch bệnh đang tái bùng phát tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, hơn 20 loại vắc-xin được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella... Đặc biệt, tỷ lệ uống vắc-xin bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt tương ứng 70% và 90%.

Bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng vắc-xin Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm, cung ứng vắc-xin, khiến quá trình tiêm chủng bị gián đoạn, dịch bệnh tái bùng phát.

Nhìn vào bức tranh dịch bệnh bùng phát thời gian qua, có thể khẳng định rằng, nếu chủ quan, lơ là công tác tiêm chủng, thì bài học đau xót như vụ dịch sởi 10 năm trước có điều kiện quay trở lại. Bên cạnh đó, căn bệnh gây tử vong nhanh đến bàng hoàng như viêm não mô cầu vẫn đang rình rập trẻ mỗi ngày. Chưa kể, đại dịch Covid-19, dù không còn trong tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, song vẫn đang là mối đe dọa với sức khỏe của nhân loại.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.

Bên cạnh đó, có hơn 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan B; 2,56 triệu người tử vong do bệnh viêm phổi; 2 triệu người tử vong do bệnh xơ gan và ung thư gan; khoảng 300.000 người tử vong vì bệnh ho gà; 650.000 người tử vong vì bệnh cúm.

Ngoài ra, hàng loạt bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác như sởi, rubella, viêm màng não, ung thư cổ tử cung đang không ngừng gia tăng và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

(Còn tiếp)

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vac-xin-la-chan-thep-bao-ve-suc-khoe-nguoi-dan---bai-1-thieu-vac-xin-con-bao-dich-benh-ap-den-d225169.html