Vaccine COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai của trẻ em

Một trong những lo ngại hàng đầu của các bậc phụ huynh khi con nhỏ tiêm vaccine phòng COVID-19 là liệu vaccine có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con cái họ trong tương lai?

Bé gái 9 tuổi Alejandra Gerardo nhìn vào mẹ khi tiêm vaccine Pfizer tại Durham, North Carolina (Mỹ). Ảnh: AP

Bé gái 9 tuổi Alejandra Gerardo nhìn vào mẹ khi tiêm vaccine Pfizer tại Durham, North Carolina (Mỹ). Ảnh: AP

Quỹ Gia đình Kaiser trong tháng 10 đã thực hiện khảo sát và thu được kết quả 66% phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5-11 quan ngại về khả năng vaccine COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của con cái họ về sau.

Nhưng kênh CNN (Mỹ) cho biết các bác sĩ và quan chức y tế đều thống nhất rằng đây không phải là điều đáng lo ngại.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ thông báo trên trang mạng chính thức: “Những tuyên bố vô căn cứ liên kết vaccine COVID-19 với vô sinh đã bị bác bỏ về mặt khoa học. Không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 có thể dẫn đến mất khả năng sinh sản. Tuy khả năng sinh sản không được nghiên cứu cụ thể trong các thử nghiệm lâm sàng của vaccine COVID-19, nhưng không hề ghi nhận bất cứ trường hợp nào ảnh hưởng khả năng sinh sản trong những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm hoặc hàng triệu người đã tiêm vaccine. Cũng không có dấu hiệu vô sinh nào xuất hiện trong các nghiên cứu trên động vật. Tương tự, không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của trẻ em”.

Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cũng có quan điểm tương tự và khuyến khích phụ nữ tiêm vaccine COVID-19. ACOG khẳng định vaccine COVID-19 không tác động đến khả năng sinh sản. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đưa ra nhận định tương tự với nam giới.

Việc tiêm vaccine COVID-10 cho trẻ em từ 5-11 tuổi tại Mỹ dự kiến được khởi động trong tháng 11. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Pfizer cho nhóm nhỏ tuổi từ 5-11 vào ngày 29/10 và các cố vấn vaccine cho CDC có lịch trình nhóm họp để thảo luận xem có nên khuyến nghị sử dụng Pfizer cho những trẻ nhỏ vào 2/11.

Trong tháng 10, một số thành viên của Ủy ban Cố vấn sản phẩm liên quan đến sinh học và vaccine của FDA bày tỏ ý kiến về việc tiêm vaccine cho nhóm trẻ em có phù hợp ở thời điểm này hay không. Nhưng không có một ai băn khoăn về tác động của vaccine đến khả năng sinh sản trong tương lai của trẻ em bởi thực chất không có cơ sở khoa học cho nghi vấn này. Sau đó Ủy ban Cố vấn sản phẩm liên quan đến sinh học và vaccine của FDA đã bỏ biếu đề xuất sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer cho trẻ em trong nhóm 5-11 tuổi.

Y tá chuẩn bị mũi tiêm Pfizer tại Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: AP

Y tá chuẩn bị mũi tiêm Pfizer tại Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: AP

Bác sĩ Paul Offit, một trong những cố vấn vaccine của FDA và đang công tác tại bệnh viện nhi Philadelphia giải thích: “Thông tin sai lệch bắt nguồn từ quan điểm cho rằng có tương đồng giữa protein gai của virus SARS-CoV-2 và một protein có trong bề mặt tế bào nhau thai mang tên syncytin-1. Do vậy, có lập luận rằng nếu tiêm vaccine COVID-19 và cơ thể phản ứng chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2 thì hệ thống miễn dịch cũng làm điều tương tự với protein syncytin-1. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Hai protein này là khác nhau. Nó giống như kiểu nói rằng bạn và tôi đều có cùng một số an sinh xã hội vì cả hai đều chứa số 5. Vì vậy, điều đó là sai lầm ngay từ đầu”.

Tiến sĩ Peter Marks, người đứng đầu đơn vị vaccine của FDA vào ngày 29/10 đã phát biểu tại một buổi họp báo: “Những loại vaccine này đã được đánh giá trong nhiều nghiên cứu khác nhau trước khi chúng được đưa đến các bệnh viện và hiện chúng đã được tiêm cho hàng triệu người. Không có bằng chứng cho thấy có tác dụng phụ đối với khả năng sinh sản của từ những loại vaccine này và không có lý do gì khiến người ta nghi ngờ về vaccine công nghệ mRNA”.

Tiến sĩ Peter Marks tuyên bố: “Con của tôi vẫn ở trong độ tuổi này và tôi sẽ không hề ngần ngại một giây nào trong việc cho phép con cái được tiêm vaccine COVID-19”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vaccine-covid19-khong-anh-huong-den-kha-nang-sinh-san-trong-tuong-lai-cua-tre-em-20211102075857305.htm