VACOD-ĐIỆN BIÊN 2024: Điện Biên còn nhiều dư địa phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị

Chiều 18/10, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD đã tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI…

 TS Phạm Thị Thu Hằng từng có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu hướng phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

TS Phạm Thị Thu Hằng từng có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu hướng phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Hiệp hội VACOD cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA tổ chức từ ngày 17-19/10/2024 tại tỉnh Điện Biên.

Trong khuôn khổ chương trình, TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI có bản tham luận đồng tác giả với TS Phạm Thị Thu Hằng, thành viên độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bài viết có chủ đề:Liên kết đầu tư vào khu vực Tây Bắc theo chuỗi giá trị”.

LỢI THẾ PHÁT TRIỂN THEO MÔ HÌNH VIÊN KIM CƯƠNG

Khai thác kinh tế theo chuỗi giá trị là một cách tiếp cận để tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ. Thay vì chỉ tập trung vào một khâu riêng lẻ trong cả một quá trình, phương pháp này sẽ nhìn nhận toàn bộ quá trình như một chuỗi các hoạt động liên kết chặt chẽ với nhau, từ khâu đầu vào nguyên liệu đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Các tỉnh Tây Bắc nói chung và riêng Điện Biên đều có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa đa dạng, sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp, với các sản phẩm đặc sản như chè, cà phê, các loại quả, là một trong những thế mạnh nổi bật. Bên cạnh đó, du lịch cũng là một ngành kinh tế đầy triển vọng, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa độc đáo. Việc xây dựng các chuỗi giá trị khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ, kết hợp với phát triển du lịch bền vững sẽ không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Khái niệm chuỗi giá trị đã thể hiện rõ đó là một sự liên kết, mỗi khâu đều là mắt xích quan trọng để làm nên hiệu quả của việc khai thác. Tại nội dung bản dự thảo tham luận sẽ trình bày tại hội thảo, TS Lương Minh Huân nêu lên những lợi thế để đầu tư kinh tế theo chuỗi giá trị tại tỉnh các tỉnh vùng Tây Bắc, điển hình là Điện Biên. So với các tỉnh miền núi phía Bắc, Điện Biên cũng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực vùng miền… Bên cạnh đó, về lợi thế cạnh tranh, Điện Biên có tam giác kinh tế Việt Nam – Lào – Trung Quốc là tiềm năng để kết nối đầu tư xuyên biên giới, có di tích lịch sử vẻ vang khắp năm châu. Nếu khai thác tốt các lợi thế cạnh tranh, Điện Biên sẽ tạo nên sự khác biệt.

Khai thác kinh tế theo chuỗi giá trị không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà còn giúp doanh nghiệp chủ động nắm bắt và kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào chất lượng đến các công đoạn kỹ thuật, chăm sóc và đảm bảo sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn. Cùng với đó là việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đến hoạt động chăm sóc khách hàng và đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng.

TẬN DỤNG CHUỖI GIÁ TRỊ, GIA TĂNG LỢI ÍCH

TS Lương Minh Huân và TS Phạm Thị Thu Hằng có đồng quan điểm nhận định về tiềm năng phát triển kinh tế theo mô hình viên kim cương của tỉnh Điện Biên. Bên cạnh những nguồn lực sẵn có như nguyên liệu đầu vào, đất đai thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên thì Điện Biên vẫn đang cần sự tác động của các yếu tố như nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp.

Để hoàn thiện cơ chế phát triển kinh tế tuần hoàn khép kín, Điện Biên đang cần sự đầu tư về mặt nhân lực, khoa học kỹ thuật và kế hoạch bao tiêu sản phẩm đầu ra để tạo động lực. Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức cần được phát huy ngay thời điểm này để có thể hỗ trợ tỉnh “phá băng” tiềm năng kinh tế.

Đầu tư theo chuỗi cung ứng hoặc hệ thống giá trị hoàn chỉnh mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Bằng cách tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nhà đầu tư có thể nắm bắt rõ hơn về nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, việc kiểm soát các khâu trong chuỗi giá trị giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận và tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp.

Lựa chọn phương án đầu tư theo chuỗi giá trị sẽ mang đến cho nhà đầu tư cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn lợi nhuận khác nhau, không chỉ từ việc bán sản phẩm cuối cùng mà còn từ các hoạt động sản xuất, phân phối và dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào một hệ thống giá trị hoàn chỉnh cũng giúp giảm thiểu rủi ro do sự biến động của thị trường. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu mà còn tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.

Dự thảo tham luận của hai vị chuyên gia tại Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 lấy ví dụ về việc phát triển du lịch khu vực Tây Bắc theo chuỗi giá trị. Theo thống kê, năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19), tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc đạt gần 35 triệu lượt khách, tăng 70,5% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 5 triệu lượt, tăng 52%, doanh thu đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 30,6%. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Tiếp cận theo chuỗi giá trị du lịch ở khu vực Tây Bắc là một chiến lược thông minh để khai thác tối đa tiềm năng của ngành du lịch. Bằng cách xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, liên kết các doanh nghiệp trong chuỗi, đầu tư vào hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta có thể tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo, hấp dẫn, từ đó thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Đồng thời, việc tiếp cận theo chuỗi giá trị cũng giúp bảo tồn văn hóa và môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

 Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - điểm đến ý nghĩa trong hành trình du lịch tại Điện Biên

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - điểm đến ý nghĩa trong hành trình du lịch tại Điện Biên

Để đạt được kết quả đó, chuyên gia kinh tế “hiến kế” cho các nhà đầu tư một số giải pháp hiệu quả như: Nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách tham gia vào các chuỗi cung ứng, hoặc đầu tư vào “mắt xích” chưa có hoặc chưa phát triển trong chuỗi giá trị; Liên kết trong hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ nhau về vấn đề kỹ thuật - đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; trong quá trình xây dựng Đề án tiền khả thi và khả thi cần đánh giá kỹ các rủi ro và có cơ chế dự phòng rủi ro: Theo các góc độ về huy động vốn, tiếp cận đất đai, tiến độ dự án, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu;

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đặc biệt lưu ý văn hóa bản địa khi làm việc với bà con người dân tộc để có chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, lưu ý công tác thu hút cán bộ quản lý cấp trung về làm việc tại dự án đầu tư; quản trị tốt và quản trị rủi ro chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị để cho ra sản phẩm/ dịch vụ chất lượng cao và đồng nhất.

Khả Ngân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vacod-dien-bien-2024-dien-bien-con-nhieu-du-dia-phat-trien-kinh-te-theo-chuoi-gia-tri-post555364.html