Vai trò của Khảo cổ học trong việc nghiên cứu và bảo tồn Phật giáo Việt Nam

Khảo cổ học không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu, mà còn là một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu, có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và bảo tồn Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Đỗ Văn Tân (Thích Nhuận Giác)

Lớp Thạc sĩ Phật học khóa 7 Học viện PGVN tại Tp.HCM

Trong quá trình học Phật, bên cạnh việc tìm hiểu những giáo lý được ghi chép trong các bản kinh kết tập qua các thời kỳ, việc thực hành theo lời Phật dạy cũng rất quan trọng để phát triển trí tuệ và hiểu thấu bản chất thật sự của các Pháp. Phật giáo, với hơn 2.500 năm lịch sử, đã trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi, từ một triết lý tôn giáo tại một vùng nhỏ ở Ấn Độ, đã được các đệ tử truyền bá khắp nơi bằng nhiều hình thức khác nhau. Mục đích chung của việc truyền bá này là soi sáng vô minh và thoát khỏi phiền não khổ đau cho nhân gian.

Phật giáo có mặt tại Việt Nam từ rất sớm. Theo "Phật giáo Sử Luận" của Nguyễn Lang, Phật giáo được truyền đến Giao Chỉ (Việt Nam) vào “thượng bán thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch” qua hình thức giao thương đường biển của các thương buôn người Ấn Độ. Cuối thế kỷ thứ nhất, Phật giáo đại thừa đã phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ, và những thương gia này đã mang theo niềm tin về sự bảo hộ của Phật Nhiên Đăng và Bồ tát Quán Âm để giúp họ an toàn vượt qua sóng gió trên biển. Khi họ đến Giao Chỉ (thuộc địa của Nhà Hán thời bấy giờ), họ không chỉ mua bán hàng hóa mà còn dừng lại nghỉ chân, thực hiện những bài kinh cầu an, đọc tụng tam quy và lễ bái, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa người Giao Chỉ. Nhờ sự có mặt của các thương gia Ấn Độ, dân ta đã tiếp cận được những kỹ thuật canh tác, y thuật và tôn giáo Ấn Độ.

Từ khi xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo ăn sâu vào tâm thức người dân để sau này nhà sư Mãn Giác [1]đã viết nên bài thơ nhớ chùa với câu thơ:

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung…
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

René Grousset, một học giả của Hàn Lâm viện Pháp, đã có nhận định tổng quát về Việt Nam trước những sóng gió của ngoại xâm: “Nếu mà có sự thâm nhập thì, trái lại, cũng chẳng bao giờ có sự quên mất quốc tịch." Về nguyên nhân tồn tại của dòng giống Việt, Léopold Cadìere còn nói rõ hơn rằng yếu tố tôn giáo đóng vai trò then chốt: “Người dân Việt Nam mộ đạo Phật một cách sâu thẳm: tôi muốn nói rằng họ đã kết nối tôn giáo vào tất cả mọi hành vi của họ.” Tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật, đã đóng góp rất nhiều công lao vào sự dựng nước về mọi mặt ngay từ buổi ban đầu. Có thể nói rằng chính những thương gia Ấn Độ đã đưa Phật giáo vào nước ta. Trải qua hàng nghìn năm, Phật giáo tại Việt Nam luôn phát triển song hành cùng dân tộc. Điều này không chỉ được ghi lại trong sử sách mà còn được thể hiện sống động qua những cổ vật và di tích thắng cảnh được phát hiện bởi các nhà khảo cổ học.

Khảo cổ học (KCH) là môn khoa học nghiên cứu sử liệu vật chất nhằm soi sáng lịch sử và lối sống của con người trong quá khứ. Qua việc khảo sát các di tích và di vật, KCH không chỉ cung cấp những chứng cứ vật chất mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Theo GS. Hà Văn Tấn, KCH là sự kết hợp giữa sử liệu bằng chữ viết và vật thật. Chẳng hạn, chùa Bái Đính minh chứng cho sự phát triển của kiến trúc chùa Hang của Phật giáo từ thời Lý. Chùa hang xuất hiện đầu tiên là hang Ajanta ở Ấn Độ và là của Phật giáo, sau đó ảnh hưởng đến đạo Hindu và đạo Jain. Nhưng đây không phải là hang động tự nhiên mà là hang động nhân tạo, đục vào đá tạo hang, vì vậy người Ấn dùng từ Layana và dùng tiếng Anh là Rock Cut Cave Temple, nhưng chùa Hang Việt Nam tận dụng hang tự nhiên, điều này phản ánh sự uyển chuyển và hòa hợp với thiên nhiên của người dân Việt.

Ngoài ra, các khảo cổ học đã tìm thấy nhiều bệ Phật bằng đá thời Trần, cho thấy rằng các bệ này thường chỉ có hoa sen và họa tiết rồng mà không có tượng Phật. Điều này thể hiện tư tưởng Phật giáo về triết lý bát nhã tính không: “sắc bất dị không, không bất dị sắc.” Phật không thể thấy từ bên ngoài mà mỗi người phải tự tìm thấy ở bên trong tâm thức của chính mình. Đây cũng là pháp “biện tâm” của thiền tông thời nhà Trần, do Trần Thái Tông đặt nền móng và sau này được Trần Nhân Tông thực thi thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm của người Việt.

Các họa tiết trên bệ Phật xuất hiện hình rồng, vốn là biểu tượng của bậc đế vương ở các nước như Trung Hoa, nhưng lại có sự xuất hiện đặc biệt ở Việt Nam, đặc biệt là trong các cổ vật thời Lý, Trần. Điều này phản ánh rõ sự quy y Phật của các bậc đế vương. Chỉ với vài nét khái quát, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng khảo cổ học là một lĩnh vực quan trọng giúp nghiên cứu và hiểu biết về lịch sử, văn hóa và tôn giáo của một dân tộc. Đối với Phật giáo Việt Nam, khảo cổ học đóng vai trò then chốt trong việc khám phá, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa độc đáo của Phật giáo.

Khảo cổ học có nhiều hình thức nghiên cứu khác nhau mỗi hình thức phục vụ cho những mục đích và phương pháp riêng. Một trong những phương pháp quan trọng và phổ biến là nghiên cứu sử liệu vật chất, tức là nghiên cứu các chứng cứ và hiện vật cụ thể từ quá khứ. Những hiện vật này đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống, văn hóa, xã hội và các sự kiện lịch sử. Các hiện vật bao gồm di tích khảo cổ như công trình kiến trúc, chùa chiền, và khu vực sinh sống của con người trong quá khứ.

Ngoài ra, di vật như công cụ, vũ khí, đồ gốm, trang sức và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng thuộc nhóm sử liệu vật chất. Các tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật, tượng thần thánh và các hình khắc trên đá hoặc gỗ cũng được coi là sử liệu vật chất, cùng với chữ viết và tài liệu cổ như văn bản và bản khắc. Những chứng cứ này giúp các nhà sử học, khảo cổ học và các nhà nghiên cứu khác xây dựng lại bức tranh tổng thể về lịch sử và văn hóa của một cộng đồng, từ đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ mà không chỉ dựa vào các nguồn tài liệu bằng chữ viết.

Khảo cổ học giúp minh họa cho các di tích hiện có và bổ sung cho kiến thức về Phật giáo

Một ví dụ điển hình là việc các nhà khảo cổ học đã phát hiện tượng “Phật A Di Đà” tại chùa Phật Tích. Khi quan sát chi tiết hoa văn trên bệ sen và thực hiện phân tích, chúng ta thấy Tòa sen được thiết kế với ba lớp cánh. Mỗi lớp cánh lớn đều chạm nổi hình ảnh lưỡng long tranh châu, tượng trưng cho việc rồng lấy trái châu từ hoa sen dâng lên Phật. Hoa sen (padma) biểu trưng cho sự trong sạch và Phật tính của mỗi chúng sinh, là biểu tượng đặc trưng của Phật giáo. Trong khi đó, rồng là biểu tượng của dân tộc và Nho giáo.

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích. Ảnh: Báo Dân Trí

Tượng Phật A Di Đà tại chùa Phật Tích. Ảnh: Báo Dân Trí

Tương tự, lá bồ đề cũng là biểu tượng cho sự giác ngộ trong Phật giáo. Hình ảnh rồng nằm trong cánh sen hay lá bồ đề phản ánh sự hòa hợp giữa Phật giáo và Nho giáo, trong đó Phật giáo bao trùm mọi khía cạnh. Như Nguyễn Lang đã chỉ ra, "kiến thức Nho giáo được sử dụng theo tinh thần Phật giáo" thể hiện sự hòa hợp giữa quốc giáo Phật giáo thời Lý và Nho giáo.

Một ví dụ khác tại chùa Dâu là những pho tượng thờ ấn tượng. Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m. Tượng được đặt ở gian giữa, phía trước là một hộp gỗ trong đó có Thạch Quang Phật, một khối đá được cho là em út của Tứ Pháp. Các chứng tích này không chỉ đơn thuần nói lên phong tục tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, mà còn phản ánh đời sống của người dân với nền văn minh lúa nước. Việc thờ các vị thần nhằm mong muốn mưa thuận gió hòa để nhân dân có thể canh tác thuận lợi, qua đó cho thấy sự uyển chuyển và dung hòa của Phật giáo đối với tín ngưỡng bản địa.

Có những kiến thức mà nếu không qua khảo cứu, chúng ta sẽ không thể nắm bắt được, bởi những điều này chưa chắc đã được đề cập trong sách vở. Ngay cả khi có, thì cũng rất khó để hiểu một cách sâu sắc nếu không thực hiện khảo sát thực tế. Trong quá trình học tập, nhiều câu hỏi phụ có thể phát sinh và cần được giải đáp, chẳng hạn như: "Điều này xuất hiện từ đâu?" hay "Tại sao đến nay lại có sự thay đổi?".

Quan sát thực tế, chúng ta nhận thấy nghệ thuật kiến trúc xây dựng chùa, tháp và điêu khắc tượng ở các nước có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nét tương đồng nhất định. Qua thời gian, sự truyền thừa giữa các nước cùng với ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng của từng thời đại, từng quốc gia đã tạo ra sự biến đổi. Để hiểu rõ ràng hơn về những sự khác biệt và tương đồng này, việc so sánh, đối chiếu các chứng tích lịch sử được khai quật ở các nước và văn hóa giữa các dân tộc trong từng thời đại là điều cần thiết.

Bệ đá đài sen chùa Phật Tích. Ảnh: Báo Dân Trí

Bệ đá đài sen chùa Phật Tích. Ảnh: Báo Dân Trí

Kiến trúc từ Phù Đồ đến Bảo Tháp là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi biến tấu do ảnh hưởng văn hóa phong tục thẩm mỹ của mỗi quốc gia Phù Đồ (stupa) (2) và Bảo tháp (Pagoda) được lập ra đều là đề ghi dấu tích Phật, nhưng hình dạng kiến trúc khác nhau dẫu rằng bảo tháp bắt nguồn và là biến thề của phù đồ ở Ấn độ mà ra. Phù Đồ hình dung từ thời tiền sử là những nấm mồ của các tù trưởng, vua chúa đắp hình vòm cầu, rồi phát triền thành những đài kỷ niệm và được Phật giáo xử dụng làm như vật tiêu biều chỉnh và làm trung tâm của những chốn thờ tự.

Những dấu tích kiến trúc Phật giáo cổ xưa nhất của stupa xuất hiện ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ I trước Công nguyên, có hình dáng bán cầu, được bao quanh bởi lan can và trang trí bằng những phù điêu khắc họa cuộc đời Đức Phật, với một chiếc lọng ở trên đỉnh. Theo truyền thuyết, trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật đã được hỏi về cách bảo tồn sự tôn kính đối với di thể của Ngài. Ngài đã gấp tư áo cà sa và đặt một bát đựng thức ăn lên, nhấn mạnh rằng không nên sử dụng từ "bát khất thực" để thể hiện tinh thần của Phật giáo ở Ấn Độ.

Đại Bảo tháp Sanchi là cấu trúc đá lâu đời nhất ở Ấn Độ và đã được xây dựng dưới thời hoàng đế A Dục Vương (trị vì 273 - 232 trước Công nguyên). Hạt nhân của nó là một cấu trúc gạch bán cầu đơn giản xây dựng trong những di tích của đức Phật và thể hiện đúng với truyền thuyết: gấp tư áo cà sa, úp bát đựng thức ăn lên, rồi đặt cái gậy chống lên trên. Những hang động đầu tiên thuộc Phật giáo Tiểu Thừa (Hinayana), Bảo tháp trong Phật điện được tạc từ núi đá (tháp đặc), chưa có hình Đức Phật vì thuộc thời kỳ phi thánh tượng (aniconic) (trước Công nguyên) của nghệ thuật Ân Độ.

Những hang động giai đoạn sau thuộc Phật giáo Đại Thừa (Mahayana), cũng được tạc từ núi đá, nhưng đã có hình đức Phật tạc trên mặt tháp. Sau này các nước có các tháp nhưng hình thức dần thay đổi. Hình dáng những cây tháp Trung hoa và ở các nước miền Đông Á theo Phật giáo Đại thừa, trông khác hẳn tháp phù đồ của Ấn độ và của các nước theo Phật giáo tiểu thừa. Tháp Đông Á chỉ vươn theo nguyên một chiều cao mà không phát triền theo chiều ngang rộng nơi chân bệ và thân tháp như ở những tòa phù đồ của Ấn độ và các nước Phật giáo Tiểu thừa.

Thân tháp hoặc vuông hoặc lục lăng, bát giác (đa giác) chia ra làm nhiều từng theo số lẻ, có những mái hoặc những vành mái ngắn nhấn: những từng tầng của chiều cao. Cái vòm cầu của tòa Phù Đồ Thiên trúc nguyên thủy đôi khi còn được nhắc nhở trên từng nóc chót của tháp, nhưng rất nhỏ.[2] Kiểu tháp được biết xưa nhất là những hình tháp chạm trong những động Vân cương (tỉnh Thái Nguyên, Trung hoa) và Long môn (tỉnh Hà Nam, Trung Hoa), tạo ra từ năm 450-500. Di tích nghệ thuật Phật giáo đời Đường tại Việt Nam có thể tin rằng xác thực là những cây tháp nung tìm thấy tại núi Bát Vạn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh tương truyền do Cao Biền cho làm tám vạn ngọn tháp nhỏ để trấn yểm, do bị đô hộ nên các tháp của Việt Nam mang rất nhiều nét nghệ thuật gần giống với Trung Quốc tuy vậy vẫn có những nét đặc sắc riêng về nghệ thuật đắp vẽ thể hiện qua từng thời kỳ trị vì của các vị Vua đặc biệt nhất là các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn ví dụ như tháp Huệ Quang chùa Phổ Minh với hơn 700 tuổi.

Tháp Huệ Quang chùa Phổ Minh, Nam Định. Ảnh: Báo Dân Việt

Tháp Huệ Quang chùa Phổ Minh, Nam Định. Ảnh: Báo Dân Việt

Theo sử sách, vào năm 1305, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà tại am Ngọa Vân trên núi Tử Phong - Yên Tử. Sau đó, vua Trần Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt tại cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi cho xây tháp lên trên. Bên dưới chân tháp có băng hoa sen với cánh to cánh nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng của đài sen nâng kiệu. Với phần dưới bệ đá sẽ có thiết kế tạo dáng cong lên về hai phía, đây là dụng ý khi xây dựng nhằm tạo đà cho các tầng phía trên đều có độ cong như vậy. Nếu nhìn tổng thể, Tháp giống như một đóa hoa sen vươn lên và nở ra giữa mặt hồ. Từ phần kiệu bát cống trở lên sẽ có tất cả 13 tầng được xây dựng bằng chất liệu gạch đỏ, trổ 4 cửa Đông - Tây - Nam - Bắc. Trước đây các tầng tháp sẽ có mộc lộ họa tiết Rồng chầu và hoa lá trang trí, khi càng lên cao thì chiều cao và rộng của mặt tháp sẽ nhỏ dần.

Kiến trúc Mandala cũng khá phổ biến tại Việt Nam đây là ảnh hưởng văn hóa xây dựng từ Ấn Độ: Mandala (sa. मण्डल mandala, मंड "tinh túy" + लें “chứa đựng”, zh. 曼陀羅, hv. Mạn đà la) là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Trong tiếng Sanskrit, mandala có nghĩa là một trung tâm (la) đã được tách riêng ra hay được trang điểm (mand). Có thể coi mandala là một hình vũ trụ thu nhỏ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì mandala là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện...

Các tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, sử dụng mandala như một pháp khí linh thiêng, còn đối với các tín đồ Đại thừa, Kim cương thừa thì Mandala là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo, trong đó có một hay nhiều vị thần ngự trị.[3] Các kiến trúc kiểu Mandala này ảnh hưởng rất nhiều trên thế giới không thể không nhắc đến borobudur, Barabodur hay Ba La Phù đồ (tiếng Indonesia: Candi Borobudur) là một ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ IX tọa lạc ở Magelang, miền trung Java, Indonesia, là một trong những ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Đây là một công trình Phật giáo cổ đại không chỉ lớn về kích thước mà còn cực kỳ quan trọng về mặt lịch sử và văn hóa Ngôi đền có chín tầng, xếp chống lên nhau bao gồm sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn theo kiểu Mandala. Ngôi đền được trang trí bằng 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật.

Ở Việt Nam có nóc nhà thượng điện chùa Dâu (thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Chùa Giác Lâm (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) là một ngôi chùa cổ tiêu biểu nhất ở Nam Bộ. Sách Gia Định thành thông chỉ chép: “Ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây lũy Bán Bích 3 đậm, đặt khởi 1 kim đôi (gò đất hình tròn) như bức bình phong, như cái nón, như cái màn, tấm nệm, rộng 3 đậm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gắm, săng chiều mây khỏi nỗi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhà thủ.

Mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời vua Thế Tôn thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch (Trịnh Hoài Đức 1972: 89). Buổi đầu thành lập chùa có tên Cẩm Đệm (do người trụ trì chùa tên Lê Văn Cẩm làm nghề thầu đệm, phân phát đi các chợ). Năm 1774, khi Thiền sư Viên Quang về trụ trì chùa Cẩm Đệm, đã đổi tên chùa thành chùa Giác Lâm. Mặt bằng ngôi chùa có hình chữ Tam (=), trong đó nhà chính điện, tổ đường và nhà trai đường là nhà 1 gian 2 chái theo kiểu Mandala, còn nhà giảng đường là nhà 3 gian 2 chái.

Nghệ thuật Phật giáo thường chia thành hai thời kỳ: Thời kỳ phi thánh tượng (Aniconic Period), thế kỷ V TCN - ICN - chỉ thể hiện bằng những biểu trưng khác nhau như: hoa, bồ đề, pháp luân, sư tử (simha - biểu tượng của sự cai trị và hoàng gia của vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni), bàn chân Phật (buddhapada - biểu trưng cho sự “khắc Phật pháp” vào thế giới của Phật Thích Ca) và tháp (Stupa - tượng trưng cho vũ trụ, đặc biệt là Niết bàn).

Vào thời kỳ thánh tượng (hình tượng đức Phật, Bồ tát) mở đầu từ thế kỷ I CN đến nay. Thời kỳ thánh tượng (Iconic Period) có thể nhìn thấy hình ảnh đức Phật, chẳng hạn trên đồng tiền của thời Đế quốc Quý Sương. Đế quốc Quý Sương, tức Đế quốc Kushan (30 - 375), là một cường quốc Cổ đại tại Trung Á Do nằm tại trục giao thông huyết mạch của Trung Á, họ có quan hệ ngoại giao với Đế chế La Mã, Ba Tư Sassanid và nhà Hán Trung Quốc và trong vài thế kỷ họ là trung tâm trao đổi giữa Đông phương và Tây phương. Người Quý Sương chấp nhận các yếu tố của văn hóa Hy Lạp cổ đại.

Đơn cử một đồng tiền vàng hình Kanishka I (năm 150 CN). Kanishka (tại vị năm 127 - 151) đứng với tư thế mặc trùm lên với áo choàng và đeo giày ống, lửa từ vai, giữ cây cột bằng tay trái và làm lễ tế thần, mặt kia có hình đức Phật đứng theo phong cách Hy Lạp, hình thành cử chỉ “không sợ hãi" (Abhaya Mudra) với bàn tay phải, tay trái giữ một nếp gấp của chiếc áo choàng.

Các đồng tiền có hình đức Phật là tương đối hiếm, chỉ có khoảng 1/100 đồng tiền của Kanishka. Trên đồng tiền có hình đức Phật (Buddha) và một số khác có hình Phật Di Lặc (Maitreya). Hình ảnh đức Phật thường có đôi tai rất lớn và bàn chân dang xa nhau. Hình ảnh đức Phật đứng, thể hiện trên đồng tiền vàng của Kanishka là hình ảnh xuất hiện đầu tiên mở đầu thời kỳ thánh tượng về sau này tượng bắt đầu trở nên phổ biến được khắc chạm trên các tháp rồi được đắp vẽ bằng các chất liệu khác nhau hình ảnh đức Phật còn có thể nhận ra trong nghệ thuật Gandhara (nghệ thuật Ân - Lạp) tượng Phật đứng mặc áo kiểu Hy Lạp (Sanghati), loại áo thụng dài khoác ngoài, được gọi là kiểu áo ướt (thế kỷ 1 - V) ở miền Tây Bắc Ấn Độ.

Trong nghệ thuật Mathura, nghệ thuật Ấn Độ cổ điển, Phật trong y phục vải mỏng, chỉ phủ vai trái, trên đỉnh đầu có hình dạng sơ khai của nhục kế (Ushnisha/Usnisa) nhô ra giống như một vòng xoắn tập trung thành khối (thế kỷ II TCN - XII) ở miền Bắc Ấn Độ.

Trong nghệ thuật Amaravati ở miền Nam Ấn, tượng Phật đứng, mặc áo phủ vai trái, vai phải để hở (thế kỷ II TCN - III CN). Qua sự đối chiếu chúng ta có thể thấy tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích [4]dù trông có vẻ giống tượng Phật nhà Đường nhưng không phương phi mụ mẫm mà lại mang nét mày giao nhau, mũi dọc dừa , áo mỏng dính sát đó là ảnh hưởng phong cách tượng grandhara của Ấn Độ.

Qua một vài tìm hiểu về mối liên hệ giữa các quốc gia về văn hóa nghệ thuật kiến trúc chung ta cỏ thể khẳng định khảo cổ học đóng vai trò thiết yếu trong việc bổ sung và mở rộng hiểu biết của chúng ta về kiến trúc Phật giáo. Thông qua việc khai quật và phân tích các di tích, các nhà khảo cổ học không chỉ phục hồi những hình ảnh sống động về quá khứ mà còn làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các nền văn hóa khác nhau. Những phát hiện từ khảo cổ học cung cấp chứng cứ rõ ràng về cách mà kiến trúc Phật giáo đã phát triển và biến đổi theo thời gian, từ hình dạng tháp phù đồ đơn giản đến những công trình đồ sộ và tinh xảo hơn. Chính những chứng tích này giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi lịch sử, như sự tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa, cũng như ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình truyền bá tôn giáo.

Phật giáo Việt Nam không chỉ chịu ảnh hưởng từ các nền văn hóa trong nước mà còn từ các nền văn minh khác như Ấn Độ và Hy Lạp. Ví dụ, sự tồn tại của các đồng tiền Kushan với hình ảnh tượng Phật cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo trên các đồng tiền từ thế kỷ 1 sau Công Nguyên. Hơn nữa, nghiên cứu về các công trình như chùa Borobudur ở Indonesia cho thấy cách mà các nền văn hóa tương tác và giao thoa, từ đó tạo ra một bức tranh phong phú về sự phát triển của Phật giáo trong khu vực. Hơn nữa, việc nghiên cứu các hiện vật, như tượng thờ hay phù điêu, không chỉ làm giàu thêm kiến thức về nghệ thuật mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tâm tư, tín ngưỡng của người xưa.

Do đó, khảo cổ học không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu, mà còn là một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp chúng ta giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu cho các thế hệ mai sau, có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và bảo tồn Phật giáo Việt Nam. Nó không chỉ cung cấp những chứng cứ vật chất quý giá mà còn mở rộng hiểu biết về lịch sử và văn hóa tôn giáo của dân tộc. Thông qua việc nghiên cứu các di tích và di vật, khảo cổ học giúp chúng ta giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Phật giáo trong bối cảnh hiện đại.

Tác giả: Đỗ Văn Tân (Thích Nhuận Giác)

Lớp Thạc sĩ Phật học khóa 7 Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

[1] Tác giả Huyền Không là một tu sĩ, là Hòa thượng Thích Mãn Giác – vị Cao Tăng của Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (viên tịch ngày 13.10.2006 tại chùa Việt Nam – Long Angeles, California – trụ thế 78 tuổi) đã viết bài thơ “Nhớ Chùa” (trong tập “Không Gian Thành Chiếc Áo”) khi đã trọn đời gắn bó, trải qua bao thăng trầm, để kết tụ lại thành nỗi nhớ thương da diết, tấm lòng thủy chung son sắt luôn hướng về “chùa xưa”, về quê hương, dân tộc.

[2] Kiến Trúc Phật giáo Việt Nam , Nguyễn Bá Lăng, 1972

[3] Nghiên cứu khoa học tập 3 NXB Khoa học xã hội, 2022.

[4] Tượng A-di-đà chùa Phật Tích là tác phẩm điêu khắc bằng đá từ thời nhà Lý. Đây được xem là một tượng Phật mẫu mực,[1] được sánh là kiệt tác mỹ thuật của Việt Nam.

Theo một số nhà khảo cổ như Louis Bezacier thì tượng là hình thân của Phật A-di-đà nhưng sử gia Trần Trọng Kim thì cho đây là tượng Phật Thế tôn Thích Ca Mâu Ni.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-quan-trong-cua-khao-co-hoc-doi-voi-phat-giao-viet-nam.html