Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam (bài 3)

Tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng như một công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Nhà nước thực hiện giảm nghèo bền vững; giúp hộ nghèo, hộ chính sách tránh được 'tín dụng đen'; nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững...

 Chính sách tín dụng đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo cho những đối tượng khó khăn

Chính sách tín dụng đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo cho những đối tượng khó khăn

Bảo đảm an sinh xã hội, trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường

An sinh xã hội là hệ thống chính sách, chương trình của Nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm giúp đỡ toàn xã hội, nhất là các cá nhân không may mắn, không may gặp rủi ro hoặc biến cố xã hội để bảo đảm mức sống tối thiểu và nâng cao đời sống của họ.

Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Hiện nay, ở Việt Nam có bốn trụ cột chính sách an sinh xã hội:

(i) Chính sách đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro trên thị trường lao động thông qua các chính sách đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tín dụng, tạo việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đơn chiều, đa chiều, bền vững;

(ii) Chính sách bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro về sức khỏe khi ốm đau, tai nạn, tuổi già và khi bị thất nghiệp thông qua các hình thức, cơ chế bảo hiểm xã hội để bù đắp một phần thu nhập bị mất hoặc bị suy giảm;

(iii) Chính sách trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường, vượt quá khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo;

(iv) Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản - trụ cột an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý. Trụ cột này thể hiện rất rõ yếu tố "mô hình sàn an sinh xã hội" khi xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Tín dụng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta tham gia vào cả bốn trụ cột chính sách này của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Đồng thời, để bảo đảm giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, Đảng, Nhà nước ta thực hiện "Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội".

Chính sách tín dụng đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo cho những đối tượng khó khăn

Chính sách tín dụng đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo cho những đối tượng khó khăn

Như vậy, phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa tuân theo quy luật thị trường (theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác) vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của XHCN (phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội).

Để thực hiện phân phối theo hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thì Nhà nước phải thông qua các Quỹ, các Chương trình phát triển, qua NHCSXH,… thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Do vậy, tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam giúp bảo đảm an sinh xã hội, trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường.

Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển đất nước

Chúng ta đều rõ, đói nghèo, bệnh tật và bất an xã hội là những nguyên nhân chủ yếu của bất ổn chính trị - xã hội. Do vậy, để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, các quốc gia cùng với các chính sách khác thì phải tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao

Không phải ngẫu nhiên mà kết hợp tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội lại trở thành một chủ trương nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội".

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là "không chờ kinh tế phát triển cao rồi mới giải quyết các vấn đề xã hội, mà ngay trong từng bước và suốt trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội".

Nhờ thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương này mà "Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Giảm nghèo nhanh và bền vững hơn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao".

Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có tín dụng chính sách xã hội mà "Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).

Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững

Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững

Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020". Chính nhờ những thành tích này mà chúng ta vừa giữ vững được tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa giữ vững được ổn định chính trị - xã hội. Trên cơ sở này giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường.

Qua trên chúng ta thấy tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng như: Một công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Nhà nước thực hiện giảm nghèo bền vững; giúp hộ nghèo, hộ chính sách tránh được "tín dụng đen"; nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững; giúp bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

(Nguồn VBSP)

GS.TS. Trần Văn Phòng - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Viện trưởng viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vai-tro-cua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-trong-viec-giu-vung-dinh-huong-xhcn-cua-viec-phat-trien-kinh-te-thi-truong-o-viet-nam-bai-3-20230910134842121.htm