Vài tục lệ trong dịp Tết

Cứ mỗi độ mai vàng hé nụ, đào thắm chớm hoa thì cũng là lúc xuân về Tết đến. Mỗi năm một lần, con cháu thắp nén nhang thơm dâng tấm lòng thành hướng về nguồn cội. Trong niềm vui trần thế, con người không quên hướng đến cõi thiêng: đó là tục tế tự những 'đấng bề trên' trong gia đình.

"Tế tự" là việc "tế" và "ngũ tự". Tế là thờ cúng. Ngũ tự là tế thần cửa, ngõ, giếng, bếp và ở giữa nhà. Thế nhưng khi gọi "tế tự" thì có nghĩa chỉ việc thờ cúng nói chung. Đồng thời còn biểu hiện lòng tin tín ngưỡng của một dân tộc.

Trước nhất là lễ “đưa ông Táo” vào ngày 23 tháng Chạp. Tục truyền rằng, Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian, người ta thường mua cá chép mà lễ để cho Táo quân cỡi lên trời.

Tối 30 Tết gọi là “trừ tịch”. Tức là hết năm cũ sang năm mới. Cũng có nghĩa là trừ ma quỷ. Mặt khác, dân ta tin rằng, mỗi năm có một Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thần nọ bàn giao công việc cho thần kia. Vì thế, ngày đó nhà nào cũng phải cúng tiễn ông cũ và đón ông mới về.

Sáng mùng 1 thì làm lễ cúng gia tiên với nghi thức thiêng liêng và thành kính nhất. Người Việt tin rằng, chết là về với tổ tiên nơi chín suối; và tin rằng tuy ở nơi chín suối, nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu. Mỗi khi gia đình có niềm vui, nỗi buồn, điều mừng, điều sợ thì linh hồn của tổ tiên thường cũng dự một phần.

Bởi linh hồn tổ tiên có quan hệ mật thiết với gia đình nên con cháu phải thờ cúng. Việc tế tự còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhớ ơn sinh thành của tổ tiên, con cháu phải làm tròn đạo hiếu. Vì việc thờ cúng tổ tiên là một nghĩa vụ nghiêm mật, con cháu không khi nào được bỏ. Sự trường tồn và hiện diện của tổ tiên ở giữa gia đình là một sự tồn tại sâu xa trong tâm thức mỗi con người.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh việc cúng gia tiên là cúng Thổ công, vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình nên là vị thần rất quan trọng. “Xuân”, theo Từ Nguyên, có nghĩa là cựa động băng giá tan hết, muôn vật đến mùa xuân đều cựa động, mà sống lại. Từ quan niệm ấy dẫn đến tín ngưỡng thờ Thần Đất, mới có tục xông đất.

Ngày Tết, dân ta có tục chúc Tết-mừng tuổi: con cháu chúc Tết-mừng tuổi ông bà; các cụ cũng chúc con cháu những điều hay đẹp, lấy tiền mừng tuổi tượng trưng cho sự may mắn. Mùng 2, mùng 3 con cái biếu thức ngon vật lạ cho cha mẹ. Mùng 4 là “ngày hóa vàng”, ngày cúng tiễn “ông Vải”, con cháu quây quần đông đủ.

Trong dịp Tết, dù ai đi làm ăn ở đâu cũng cố gắng về sum họp với gia đình. Ngày Tết, từ ánh nến lung linh đến khói nhang trầm, hòa với hương hoa thơm ngát cùng bầu không khí gia đình đoàn tụ đã khiến lòng người thêm ấm áp, cảm nhận càng sâu sắc hương vị đậm đà của Tết quê. Vì thế, Tết Nguyên đán đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.

PHAN VĂN THIÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/vai-tuc-le-trong-dip-tet-5723077/